Chuyên nghiệp hóa lực lượng xung kích phòng chống thiên tai từ cơ sở
100% địa phương có đội xung kích
Nhận thức rõ vai trò của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn và chuyên nghiệp hóa lực lượng này.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng đội xung kích phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, để lực lượng này thực sự trở thành nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai tại cơ sở, cần thường xuyên tập huấn, trang bị kỹ năng, phương tiện... theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Nam Phương Tiến là một trong 5 xã trọng điểm về thiên tai của huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Để giảm tổn thất về người và tài sản, địa phương này đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại chỗ...
Huyện Chương Mỹ xây dựng công trình bảo vệ đê tả Bùi, đoạn qua xã Hoàng Văn Thụ |
Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hoàng Bá Phích cho biết: Trước mùa mưa bão, xã đã rà soát và kiện toàn Đội Xung kích phòng, chống thiên tai; Đồng thời, phối hợp với huyện Chương Mỹ, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội tổ chức tập huấn kỹ thuật bảo vệ tuyến đê sông Bùi; Kỹ năng chằng chống nhà cửa, sơ tán và bảo vệ tài sản của nhân dân khi thiên tai xảy ra…
Cùng với xã Nam Phương Tiến, 31 xã, thị trấn khác của huyện Chương Mỹ đã xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số 3.270 người... Nhờ có lực lượng này, huyện Chương Mỹ đã chủ động hơn trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm gần đây.
Tương tự huyện Chương Mỹ, hiện nay, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ đạo hoàn thành việc thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã với tổng số 64.948 người… với nòng cốt là dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên khác (công an, dân phòng, Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…).
Ngoài chịu trách nhiệm xử lý giờ đầu sự cố, thiên tai, các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã còn chốt canh những nơi nguy hiểm, cứu trợ, giữ an ninh trật tự vùng bị cô lập... Nói cách khác, đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả sự cố, thiên tai tại các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”...
Phòng chống thiên tai gắn với bảo vệ thành quả và phát triển kinh tế xã hội
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai đang phát huy tính chủ động, hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Việc xây dựng, củng cố các đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở không chỉ phát huy tính hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà hơn hết còn giúp các địa phương đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình phòng, chống thiên tai. Các công trình khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Cụ thể, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở với sự tham gia của 64.948 người. Lực lượng này được tập huấn, trang bị các kỹ năng đầy đủ về ứng cứu, hộ đê, cấp cứu người đuối nước; Sơ cứu, cấp cứu người bị nạn…
Đội xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở chính là những người gần dân, thông thuộc địa hình, có mặt ngay từ thời khắc đầu tiên của thiên tai để giúp sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: Để giảm rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện đúng nguyên tắc "phòng là chính"; Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ".
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp, dự báo thiên tai trong thời gian tới sẽ rất cực đoan, bất thường; Các loại hình thiên tai xảy ra với cấp độ rủi ro cao có thể lên tới mức thảm họa; Rủi ro thiên tai được đánh giá sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống dân sinh, môi trường sinh thái và sản xuất kinh doanh trong phạm vi cả nước.
Để phòng, chống thiên tai có hiệu quả, bảo vệ những thành quả đạt được và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững, thành phố Hà Nội đã chủ động đề xuất nhiều nội dung, biện pháp trong kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021-2025 như hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể về xác định thiệt hai, mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai.
Thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các trường học và tới các cộng đồng dễ bị tổn thương; Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; Triển khai đồng bộ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo trên phạm vi cả nước.
Đồng thời, Hà Nội tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, thực hiện đánh giá diễn biến dòng chảy, bùn cát và hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trong phạm vi cả nước; Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động điều chỉnh, kéo dài thực hiện đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" đến năm 2030 và các năm tiếp theo; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trao đổi kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai; Thu hút vốn đầu tư, sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai thời gian qua không tuân theo quy luật, luôn tiềm ẩn sự khó lường. Vì vậy, phòng, chống thiên tai phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, việc tiếp tục dành nguồn lực thích đáng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai cần được đặt ra với yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.