Chung tay “gỡ vướng” pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài
Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới |
Muôn nẻo khó khăn
Chiều 26/10, Hội thảo về Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đồng chủ trì đã diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, quan điểm nhất quán mà Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (26/3/2004), Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, mà nội dung cơ bản là: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là nhân tố quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước”.
Tại Hội thảo, Đai sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, vẫn còn có một số vấn đề về pháp lý cần giải quyết để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đồng bào ta, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.
Quang cảnh buổi Hội nghị |
Ông Bình nêu dẫn chứng, về vấn đề quốc tịch, tuy Luật Quốc tịch Việt Nam quy định chế độ một quốc tịch nhưng vẫn cho phép những người đã có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam (tại một số nước có đông người Việt sinh sống như Mỹ, Canada, Australia…) được đăng ký công dân Việt Nam, được cấp hộ chiếu và giấy tờ Việt Nam. Tuy nhiên, trình tự giải quyết rất phức tạp và số lượng được cấp giấy tờ Việt Nam rất ít.
Tai một số nước (nhất là Châu Âu) trước đây, để được nhập quốc tịch nước đó, bà con ta phải xin thôi quốc tịch Việt Nam. Nay, xu thế chung là các nước này sửa Luật quốc tịch cho phép công dân có nhiều quốc tịch. Trong tình hình đó, những người đã làm thủ tục thôi quốc tịch Viẹt Nam nay không có cách nào để trở lại quốc tịch Việt Nam.
Tai nhiều nước, trẻ em sinh ra tại nước nào mặc nhiên được làm giấy khai sinh và mang quốc tịch nước đó. Nhiều trẻ em trong cộng đồng đã được cấp quốc tịch nước sở tại nay muốn có quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được giải quyết.
Trẻ em là người Việt do bố mẹ ly hôn nên có nhiều vướng mắc khi xin cấp giấy tờ Việt Nam.
Ông Bình thông tin, cho đến nay, bà con mang quốc tịch Việt nam cư trú ở nước ngoài chưa được cấp mã số định danh để được cấp căn cước công dân.
Đối với quyền về đất đai, nhà ở, ông Bình cho biết, hiện tại, đồng bào ta ở nước ngoài mới chỉ được phép sở hữu nhà với quyền sử dụng đất trong các dự án phát triển nhà, chưa có quyền xây dựng và sở hữu nhà ở ngoài các dự án trên. Không những thế không được quyền thừa kế nhà và đất do cha mẹ để lại.
Điều này cũng là nút thắt trong việc thu hút nguồn lực của kiều bào đầu tư vào các dự án bất động sản trong nước, đồng thời gây ra nhiều vụ việc rắc rối về pháp lý khi đồng bào ta ở nước ngoài đầu tư với danh nghĩa người thân.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, ý kiến khá tập trung của đồng bào ta ở nước ngoài là cần tháo gỡ trở ngại này trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân và ban hành Luật đất đai mới. Vị đại sứ cũng hy vọng Luật Đất đai mới sẽ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đồng bào ta và các vướng mắc khác sẽ lần lượt được tháo gỡ.
Cũng theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, còn có một cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài cũng đang rất mong muốn và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống ở nước ngoài cũng như các mối quan hệ pháp luật ở Việt Nam.
Đó có thể là những vấn đề liên quan đến nhu cầu hồi hương, đầu tư về nước, quan hệ tài sản, thừa kế... trong nước cũng như các điều kiện cư trú, quốc tịch, kết hôn, ly hôn, quyền sở hữu tài sản, lao động, kinh doanh... tại quốc gia sở tại.
Từ trước tới nay, các vấn đề này thường được giải quyết thông qua tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông, sách báo và việc cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí của các tổ chức hành nghề luật sư mà chưa có sự thống nhất, đồng bộ về phương thức thực hiện cũng như đối tượng thụ hưởng.
Tăng cường phối hợp
Theo LS Huỳnh Phương Nam, nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài là một hoạt động tương đối mới mẻ nên sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, vì vậy cần thiết phả đổi mới hình thức, phương thức hỗ trợ pháp lý, tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động các nguồn lực xã hội; triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp trong và ngoài nước tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài.
LS Nam cho rằng cần tăng cường mở rộng hợp tác, quan hệ hữu nghị với hiệp hội luật sư các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam để hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài trong các vấn đề liên quan đến pháp luật nước sở tại; trao đổi, thoả thuận, hợp tác với Hiệp hội (Đoàn) luật sư nước sở tại theo nguyên tắc có đi có lại.
Cần tạo mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam, các cơ quan, tổ chức của người Việt Nam ở các nước, xác định rõ đối tượng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý phù hợp. Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, PA01, PA03 - Công an thành phố Hà Nội, A03 - Bộ Công an để thực hiện đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các nhiệm vụ chính trị phục vụ công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Để làm tốt nhiệm vụ này, theo LS Nam, cần thiết phải huy động sự tham gia của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vào mỗi chương trình hỗ trợ pháp lý cụ thể. Phối hợp với các trường đại học chuyên ngành luật, luật sư, thương mại quốc tế, ngoại giao... tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, đối ngoại nhân dân và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị và trách nhiệm với cộng đồng cho luật sư tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài;
LS Nam đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời phối hợp, hỗ trợ, giảm bớt các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện tốt nhất chức năng nghề nghiệp và có thể đáp ứng nhanh nhất yêu cầu của kiều bào trong công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với các tổ chức hành nghề luật sư có chi nhánh ở một số quốc gia để giới thiệu với kiều bào ở nước ngoài biết về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài; thiết lập đầu mối (hoặc đường dây nóng) để tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu hỗ trợ pháp lý của người Việt Nam ở một số quốc gia.
Với mục tiêu và các biện pháp nói trên, mặc dù sẽ có rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, nhưng theo LS Huỳnh Phương Nam, với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự chung tay phối hợp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ từng bước thành công, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Đai sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhìn nhận, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, ngày càng trở thành một bộ phận và nguồn lực quan trong của đất nước. Nếu chúng ta có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tháo gỡ một số vướng mắc, trong đó có các vấn đề pháp lý sẽ giúp bà con ta ngày càng gắn bó với đất nước, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.