Chữ ký số - "chìa khoá" xây dựng công dân số, chính quyền số
Sẽ triển khai ứng dụng chữ ký số người có thẩm quyền đối với các loại văn bản Phường Quán Thánh (Ba Đình) ra mắt mô hình “Công dân số” Hà Nội đã cấp gần 39.000 chữ ký số miễn phí |
Hướng tới xã hội không giấy tờ
Hiện nay, nhiều người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số đều đã thấy rõ sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống.
Việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính |
Hơn nữa, trong khi chữ ký tay có thể bị bắt chước, thậm chí bị sao chụp giống hệt nhờ công nghệ thì chữ ký số giúp đảm bảo tính chính chủ khi nó được đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số xác thực, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Chị Doãn Thị Hiền (sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định, ưu điểm lớn nhất khi sử dụng chữ kí số là không phải đến cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính. “Từ khi có chữ kí số, với một vài thủ tục hành chính, tôi có thể khai báo, ký số, gửi qua mạng đến cơ quan chức năng nhanh chóng”, chị Hiền nói.
Cùng chung nhận định, anh Nguyễn Văn Hiến (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Trước khi sử dụng chữ ký số, các đối tác sẽ gửi hợp đồng giấy qua cho tôi ký, rồi tôi gửi chuyển phát lại cho họ. Từ khi có chữ ký số, tôi và đối tác chỉ mất chưa đến 5 phút để ký xong một hợp đồng”.
Với nhiều ưu việt, việc sử dụng chữ ký số được đánh giá là giảm thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch điện tử cũng như nền kinh tế số của Thủ đô. Thế nhưng thực tế trong công tác triển khai chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Theo đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel, chữ ký số chưa được phủ rộng trong các loại hình giao dịch điện tử. Đối tượng sử dụng chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp, còn chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng rộng rãi. Người dân chưa được tiếp cận và chưa hiểu hết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn ngại khi sử dụng…
Để thúc đẩy phát triển chữ ký số trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số kiến nghị thành phố cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng chữ ký số; các Sở chuyên ngành như y tế, giáo dục, du lịch… xem xét có những quy định phù hợp đối với các đối tượng cần sử dụng chữ ký số nhằm mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ chữ ký số…
Tiếp tục phổ cập chữ kí số
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 đã đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Hà Nội là một trong những địa phương đã và đang tích cực triển khai cấp chữ kí số miễn phí cho người dân trên địa bàn để việc thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử được nhanh chóng, thuận tiện; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.
Hàng chục nghìn chữ ký số đã được cấp miễn phí đến người dân Thủ đô |
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính - Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố Hà Nội, đến nay, 13.285 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức của thành phố. Thành phố cũng đã triển khai cấp gần 50.000 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số, hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang, thời gian qua, đơn vị đã triển khai cấp 155 chữ ký số cá nhân (đạt 100%) cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng UBND thành phố, phục vụ xử lý, phát hành văn bản, hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố. Theo đó, kể từ tháng 9/2023, Văn phòng UBND thành phố đã thực hiện xử lý văn bản điện tử toàn trình có gắn chữ ký số cá nhân của người có thẩm quyền là lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố đối với tất cả các văn bản, hồ sơ công việc thuộc thẩm quyền ban hành của Văn phòng trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố.
Trong ngành Giáo dục, 100% trường tiểu học đã trang bị chữ ký số cá nhân cho hiệu trưởng và chữ ký số của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử; trên 60% giáo viên, nhân viên đã được trang bị chữ ký số cá nhân. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, Sở đang đẩy mạnh cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên nhằm hoàn thành thí điểm học bạ số cấp tiểu học theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở cũng đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp mở rộng triển khai cho các cấp học khác, đồng thời phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thống nhất toàn thành phố.
Để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của chữ ký số và sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử. Các doanh nghiệp được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai cấp chữ ký số có trách nhiệm tăng cường bố trí nhân lực tại bộ phận “một cửa” Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn để cung cấp, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng, nếu mỗi người dân có một định danh số và một chữ ký số, chúng ta sẽ tiến dần tới một xã hội không giấy tờ. Theo đó, phần lớn các thủ tục có thể thực hiện qua mạng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy tương đương giấy tờ in. Khi các hoạt động kinh tế, xã hội đều được thực hiện qua mạng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các ứng dụng số cũng như đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu số. Đó sẽ là một cuộc cách mạng về chuyển đổi số toàn diện cho tất cả người dân.