Chủ động phối hợp, nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật của thành phố
Đầu tư xây dựng dự án dầu khí: Nhiều bất cập trong văn bản pháp luật Cần công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật |
Sáng 25/2, Thường trực HĐND TP Hà Nội phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị liên tịch triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND TP năm 2022 và các năm tiếp theo; Thống nhất dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp chuyên đề tháng 3/2022 của HĐND TP.
Dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng...
Quang cảnh hội nghị |
Khắc phục tình trạng chậm, nợ văn bản pháp luật
Báo cáo về kết quả xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật năm 2021, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, theo danh mục năm 2021, HĐND TP ban hành 19 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm 36 nội dung theo đề nghị của UBND thành phố. Tuy nhiên, 8 nội dung các Sở, ngành xin hoãn, lùi thời gian hoặc chuyển sang xây dựng quyết định; 5 nội dung chưa trình HĐND theo tiến độ, nên so với danh mục, mới ban hành được 23 nội dung.
Nguyên nhân chậm do việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết của cơ quan chuyên môn chưa bám sát thời hạn theo kế hoạch. Một số dự thảo nghị quyết chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, quy trình xây dựng gấp, không bảo đảm thời hạn xin ý kiến, thẩm định, chỉnh lý hoàn thiện.
Để triển khai việc xây dựng danh mục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố năm 2022, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động rà soát, có văn bản đôn đốc các Sở, ban, ngành thành phố kiểm tra, tổng hợp danh mục đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND. Trên cơ sở thống nhất với các cơ quan thuộc HĐND, UBND thành phố sẽ phối hợp xây dựng, đề nghị HĐND thành phố ban hành các nghị quyết với 30 nội dung được chia theo kỳ họp giữa năm, cuối năm và không thường kỳ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, việc xây dựng danh mục nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND TP là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất thường xuyên hằng năm, nhằm tạo sự chủ động, bảo đảm thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự thảo, xây dựng nghị quyết...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị |
Đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP thời gian tới cần nâng cao trách nhiệm, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, bám sát tiến độ, quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư của Trung ương; Chủ động tham mưu đề xuất việc ban hành nghị quyết của HĐND TP, quyết định của UBND TP theo thẩm quyền được giao để kịp thời tổ chức thi hành trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành của thành phố cũng tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung, thực hiện các bước trong quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết, phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa trong công tác tổ chức lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra.
“Phải nghiêm túc khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; Khắc phục tình trạng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, không bảo đảm về thời hạn xin ý kiến, thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện, thời hạn báo cáo UBND TP tổ chức họp thông qua theo quy trình, quy định”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Tư pháp tiếp tục chủ động tham mưu UBND TP trong việc theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo danh mục nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND TP; Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, các ban của HĐND TP trong công tác góp ý, thẩm định, chuẩn bị hồ sơ các dự thảo nghị quyết của HĐND TP.
Văn phòng UBND TP cần làm tốt hơn nữa, chủ động hơn nữa trong theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị hồ sơ trình, kịp thời tổng hợp, kiểm tra và tham mưu tổ chức các kỳ họp của UBND TP; Phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP chuẩn bị tổ chức tốt các kỳ họp của HĐND TP, bảo đảm hồ sơ trình đầy đủ, gửi đến các đại biểu đúng thời hạn quy định.
“Việc chủ động, trách nhiệm, phối hợp tốt của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là yếu tố quan trọng để nâng cao hơn chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của thành phố”, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh thêm.
Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị dự họp đã thể hiện rõ trách nhiệm khi tham gia ý kiến.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận hội nghị |
Trên cơ sở rút kinh nghiệm những hạn chế về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, thực hiện kiểm tra, rà soát, thống nhất hoàn thiện kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm cho cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, kế hoạch hằng tháng, quý và dự kiến thời gian hoàn thành đối với các nội dung dự kiến trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đối với các nghị quyết cần ban hành mới phải làm rõ, cụ thể được tính cần thiết, căn cứ ban hành, định hướng nội dung cơ chế, chính sách, quy định và dự kiến lộ trình xây dựng nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, quy chế phối hợp và phân công công tác giữa các cơ quan, để nâng cao tính khả thi, hiệu quả của công tác lập và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng nghị quyết HĐND TP, góp phần nâng cao chất lượng của các nghị quyết quy phạm pháp luật do HĐNDTP ban hành.
Đặc biệt, các cơ quan cần chú trọng việc xin ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy về các nội dung cơ chế, chính sách, quy định mới đề xuất ban hành nghị quyết; Đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tham gia đóng góp vào các chủ trương, cơ chế, chính sách mới của thành phố, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện sau khi ban hành.
Về kế hoạch xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND TP giao Ban Pháp chế HĐND TP Sở Tư pháp là các cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các ban của HĐND TP, các Sở, ngành, cơ quan chuyên môn của UBND thành phố tham mưu Thường trực HĐND TP hoàn thiện kế hoạch định hướng xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đối với nội dung kỳ họp chuyên đề tháng 3/2022, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP phối hợp Văn phòng UBND TP rà soát, thống nhất nội dung tham mưu UBND TP gửi Thường trực HĐND TP về các nội dung dự kiến trình tại kỳ họp này, báo cáo Thường trực Thành ủy trước khi thống nhất ban hành thông báo về nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp.