Chợ cá lớn nhất thế giới chao đảo vì đại dịch
Chợ cá Toyosu là nơi bán đấu giá những con cá ngừ với chất lượng cao nhất (Ảnh: Reuters) |
Nhu cầu cá giảm mạnh
Các doanh nghiệp đã hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ có nhiều khởi sắc sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, các sự kiện lớn như họp cổ đông hay tiệc cưới vẫn bị trì hoãn trong khi nhiều người Nhật vẫn có tâm lý e dè với việc đi ăn nhà hàng.
Nhu cầu về cá tươi, đặc biệt là “vua của các loại sushi” - cá ngừ vây xanh đã giảm mạnh. Giá cá ngừ giảm 8,4% trong tháng 7 so với một năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức giảm 1,5% hằng năm của giá cá tươi nói chung theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản.
Ông Yasuyuki Shimahara, 47 tuổi, chủ nhà hàng chuyên về các món cá ngừ ở khu thương mại Kanda của Tokyo, cho biết: “Doanh thu của chúng tôi giảm 60% so với tháng 8 năm ngoái”.
Ông Kimio Amano, 46 tuổi, một nhà bán buôn tại chợ Toyosu nhận định mức tăng tiêu dùng của hộ gia đình không đủ để bù đắp cho việc kinh doanh thua lỗ ở những nơi khác.
Mặc dù nhu cầu cá ngừ từ các nhà hàng đã tăng nhẹ trở lại sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ nhưng các sự kiện lớn và hoạt động kinh doanh từ các quán ăn cao cấp, vẫn rất chậm, ông Amano cho biết.
Điều đó có nghĩa là ông đang mất dần các đơn đặt hàng lớn. Vì các sự kiện lớn như tiệc cưới, ông có thể bán 30 - 40kg cá ngừ, trong khi các nhà hàng sushi chỉ đặt từ 6 - 10kg, các hộ gia đình thì mua ít hơn nữa.
Nhà hàng chuyên về cá ngừ của ông Shimahara hầu như vắng khách (Ảnh: Reuters) |
Ông Amano là người bán cá ngừ tươi và đông lạnh chất lượng cao. Ông chia sẻ doanh thu của ông trong tháng qua đã giảm từ 30 - 40% do nhu cầu thấp từ các khách sạn và nhà hàng lớn tại sân bay Haneda, Tokyo. Tuy nhiên, ông cho biết gần đây đã có sự tăng nhẹ trong các đơn đặt hàng ở nước ngoài, đặc biệt là những đơn đặt hàng từ Nga đã quay trở lại mức trước đại dịch.
Lượng cá ngừ nhập khẩu vào Nhật Bản tăng 10% trong năm 2019, và nước này cũng nhập nhiều hơn 13% cá ngừ vây xanh trong bối cảnh các doanh nghiệp chuẩn bị cho nhu cầu Olympic 2020 (sự kiện giờ đã được dời sang năm 2021), theo tổ chức Nông lương Liên hợp quốc
Năm 2018, tổng kim ngạch cá ngừ toàn cầu trị giá 15,7 tỷ USD, trong khi Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp và nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, nhập khẩu cá ngừ của xứ sở mặt trời mọc đã giảm 18% trong sáu tháng đầu năm 2020 so với một năm trước đó. Với những người dân vẫn còn cảnh giác trong việc đi lại, triển vọng trên khó có thể sớm thay đổi.
Thay đổi để thích nghi
Ông Shimahara cho biết bắt đầu bán trực tuyến các hộp cá ngừ đông lạnh vào tháng 7 để bù đắp những tổn thất trong kinh doanh khi lượng khách mua sụt giảm. Đến nay, ông đã nhận được khoảng 200 đơn đặt hàng với giá 5.500 yên (khoảng 1,2 triệu VNĐ) và dự định bắt đầu bán 8.500 yên (khoảng 1,8 triệu VNĐ) cho một hộp cá ngừ thượng hạng vào cuối tháng 9.
Những người bán buôn kiểm tra chất lượng cá ngừ trong một cuộc đấu giá tại chợ cá Toyosu vào tháng trước (Ảnh: Reuters) |
Bên cạnh một số khách hàng mua những những hộp cá ngừ đông lạnh trực tuyến để làm quà tặng cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình, một số người khác lại tỏ ra ngại ngần vì quá trình rã đông thịt cá ngừ có thể mất tới hàng giờ đồng hồ.
Phó Giáo sư Toshio Katsukawa tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo, cho biết, các nhà hàng sushi ở Tokyo vốn là nơi khách du lịch đến phổ biến, đang ngày càng ít khách.
Cô Kana Kikuchi, nhân viên làm việc tại một công ty bảo hiểm nhân thọ, cho biết, người Nhật có xu hướng đi ăn sushi nhân những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, cuối tháng 8 vừa qua, cô đưa con gái đến nhà hàng cá ngừ của ông Shimahara vào một ngày bình thường chỉ để thể hiện sự ủng hộ. “Chúng tôi đến để nhà hàng có thể tiếp tục hoạt động”, cô nói.
Kikuchi cho biết cô không hay ăn cá ngừ ở nhà vì quá trình rã đông đầy thử thách. Để giúp những khách hàng như cô Kikuchi, ông Shimahara đã kèm thêm vào các hộp cá ngừ quyển sách hướng dẫn rã đông và cách thưởng thức món cá ngừ ngon nhất cho khách hàng.
Với diện tích lên đến 407.000m2, hơn 600 chủ vựa buôn bán, chợ cá Toyosu ở Tokyo được mệnh danh là chợ cá lớn nhất thế giới. Tiền thân của Toyosu là Tsukiji. Đây vốn là chợ cá lớn nhất thế giới đã đóng cửa vào ngày 6/10/2018 sau hơn 83 năm hoạt động và được di dời về địa điểm mới là chợ cá Toyosu. Hoạt động nổi bật nhất của chợ là phiên đấu giá cá ngừ vào mỗi sáng. Để chứng kiến phiên đấu giá cá ngừ, du khách cần đến chợ trước 5h30. Chỉ người có phận sự thì mới được vào khu đấu giá còn du khách chỉ được chứng kiến phiên đấu giá từ tầng 2.
|
Các công ty Nhật Bản chuyển hướng sang Đông Nam Á TTTĐ - Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản mở rộng quy mô ở Đông Nam Á và thu hẹp sản xuất tại Trung Quốc ... |
Sản phẩm của người Nhật Sự sạch sẽ và thái độ hối lỗi của người Nhật đã khiến một cậu bé Việt Nam nhanh chóng tiếp thu tới mức lại ... |
Cấm sử dụng điện thoại khi đi bộ trên đường tại Nhật Bản TTTĐ - Giới chức thành phố Yamato, gần thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã đệ trình dự luật nhằm ngăn mọi người sử dụng điện ... |
Nhật Bản: Chính phủ trợ cấp doanh nghiệp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc về chuỗi cung ứng TTTĐ - Nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng Iris Ohyama chuẩn bị trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên nhận được trợ cấp ... |
Nhật Bản muốn hồi sinh ngành công nghiệp đang hấp hối TTTĐ - Các ngư dân Nhật Bản đã ra khơi để đánh bắt cá voi thương mại lần đầu tiên trong hơn ba thập kỷ ... |