Sản phẩm của người Nhật
trẻ em nhật rất lễ phép với người lớn |
Trong đại dịch, người Nhật Bản vẫn không muốn làm việc ở nhà "Kỷ luật trong nụ cười", cuốn sách giáo dục con bằng tình yêu thương Sống xanh như những lá trà: Bí quyết và kinh nghiệm của người Nhật |
Đầu năm lớp 10, lớp học của con gái tôi xuất hiện một cậu bé trông to cao và có dáng điệu là lạ, chẳng ra nhút nhát cũng không ra bạo dạn. Cậu này nói giọng lơ lớ và từ tiếng Việt không biết nhiều, đặc biệt là các tiếng lóng thì mù tịt. Được mấy ngày thì cả lớp mới hay rằng cậu có mẹ làm Bộ Ngoại giao nên hầu như từ bé đã không sống ở Việt Nam, cứ vài năm New Zealand, vài năm Thụy Sỹ rồi những năm học cấp hai thì sống hoàn toàn ở Nhật Bản.
Từ ngày cậu bé chuyển về Việt Nam thì mỗi buổi chiều con gái tôi đi học về lại kể một chuyện lạ, khiến người nghe luôn trong tình trạng mắt chữ O miệng chữ A. Đầu tiên là việc cậu bé luôn giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học. Nghĩa là trong quá trình giảng bài, các thầy cô giáo thường đặt câu hỏi theo thói quen và sẽ chắc cú là chẳng ma nào giơ tay, thầy hỏi rồi thầy tự trả lời thôi, cùng lắm thì sẽ chỉ định một vài bạn khá giỏi cho không khí thêm sinh động. Cậu bé từ Nhật về giơ tay hầu hết trong mọi câu hỏi, dù câu trả lời không phải lúc nào cũng thật xuất sắc.
Dường như không mấy người Việt Nam, từ tấm bé, đủ can đảm đứng lên trước đám đông để nói một điều mà mình biết chắc chắn, để các bạn thấy rằng mình giỏi đến thế nào, nắm vững kiến thức ra sao. Có nhẽ vì sự kìm nén ấy chăng mà khi mạng xã hội bùng nổ, người ta vì không cần phải định danh nữa, cũng không cần phải đứng lên cho người khác thấy mặt, đã nhâu nhâu nhảy vào chửi bới bất cứ người nào, bất cứ việc gì mà chưa cần tới một giây định thần để xem xét bản chất câu chuyện cho kỹ càng, chỉ vì người ta chửi thì mình cũng chửi, mình có phải người đầu tiên và duy nhất đâu mà sợ. Người Việt luôn sợ hãi mình là người đầu tiên và duy nhất. Nhưng người Nhật đã dạy cho dân tộc họ cách ứng xử hoàn toàn khác, dù là bất cứ câu hỏi gì thì quyền lợi và nghĩa vụ của chúng ta là phải đứng lên để trả lời.
Việc thứ hai là sự sạch sẽ và thái độ hối lỗi của người Nhật đã khiến một cậu bé Việt Nam nhanh chóng tiếp thu tới mức lại khiến cả lớp há hốc miệng kinh ngạc. Là hôm ấy thầy giáo đề nghị một bạn trèo lên xem cái điều hòa tình trạng như thế nào mà không còn hơi mát nữa. Một cậu được thầy chỉ định đã trèo cả giày lên ghế của bạn ngồi bàn đầu rồi sau một hồi xem xét nói không sửa được. Cậu bé kỳ lạ kia mới xung phong lên coi sao. Cậu từ tốn cởi giày, lại lót thêm một tờ giấy trên ghế rồi mới trèo lên, sau đó tụt xuống, trịnh trọng xoay người đối diện với bạn cho mượn ghế, cúi gập người xin lỗi, sau đó rút tờ giấy và không quên phủi bụi chiếc ghế dù nó không bẩn vào đâu được nữa.
Để nói về sự sạch sẽ, gọn gàng và tính kỷ luật thì người Nhật thậm chí còn hơn cả người Singapore. Hồi tôi sang Osaka mấy ngày lại tình cờ thuê khách sạn ngay quận Nishinari, nơi được mệnh danh là “Vương quốc lưu lạc”, là quận nghèo khổ nhất nước Nhật nên hàng ngày bắt gặp vô số người vô gia cư. Song đến người vô gia cư Nhật Bản cũng vô cùng ngăn nắp, dù đêm ngủ họ chỉ lấy bìa các tông quây thành “nhà”. Đồ đạc của họ luôn được gấp và xếp gọn gàng cạnh “nhà”, đến đôi dép cũng phải đặt ngay ngắn trước “cửa”, mũi quay ra ngoài gót quay vào trong…
Sau này tôi còn được nghe mẹ cậu bé kể lại rằng, hàng ngày cậu đều phải đi bộ từ bến xe buýt về nhà, quãng đường cũng khá xa. Một lần nọ bố cậu bảo rằng: “Con có thể đi tắt một đoạn qua công viên thì sẽ về nhà nhanh hơn” – “Nhưng mà con không đủ tiền mua vé vào cửa, nếu ngày nào cũng phải mua vé thì tốn tiền lắm”. Bố cậu cười mà rằng: “Con chỉ đi qua đó một đoạn thôi. Vẫn có vô số người vào công viên tập thể dục mà có phải mất vé đâu” – “Không, như thế là lậu vé. Con không đi lậu vé”. Và cậu bé 16 tuổi tiếp tục đi bộ đường vòng dù rất xa, xa gấp ba lần thay vì đi tắt qua công viên.
Sự nguyên tắc, tính kỷ luật và lòng tự trọng của người Nhật đã tồn tại như một truyền thống, kể từ khi các Samurai tự mổ bụng lúc thất thủ để tránh rơi vào tay quân thù và bị làm nhục. Đây cũng là một cách để các võ sĩ đạo tự bảo vệ danh dự. Đến thế kỷ này, tinh thần trọng danh dự kiểu võ sĩ đạo vẫn tồn tại trong xã hội Nhật Bản khiến cả thế giới không ngừng ngạc nhiên. Hồi năm 2016, một cây cầu treo đang thi công nối liền hai thành phố Izmit và Yalova ven biển Marmara (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị đứt một đoạn cáp trong cuộn dây cáp dẫn đường tạm thời. Mặc dù không có bất kỳ tai nạn nào xảy ra và việc cáp đứt chỉ khiến giao thông trên biển bị gián đoạn nhưng kỹ sư người Nhật Kishi Ryoichi đã viết thư tuyệt mệnh, tự nhận trách nhiệm về sự cố này trước khi tự sát. Sự việc này làm khuynh đảo dư luận Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới.
Chuyện thứ ba về cậu bé “Nhật Bản” ấy cũng làm cả lớp không ngớt ngạc nhiên. Ấy là trong giờ ngủ trưa, những ngày đầu cậu đều thức chong chong. Có nhẽ vì người Nhật và những nước phương Tây cậu từng cư ngụ chẳng ngủ trưa bao giờ nên cậu bé không tài nào thay đổi được thói quen ấy. Tuy nhiên trong suốt cả tiếng đồng hồ cậu vẫn nằm im không nhúc nhích, hai tay đặt nghiêm ngắn lên bụng, mắt nhìn thẳng trần nhà. Bạn nằm bên cạnh vừa thức giấc sau một giấc ngủ dài thấy vậy mới ngạc nhiên bảo cậu không ngủ được thì ngồi dậy mà chơi chứ nằm thế làm gì cho khổ. Lập tức cậu bé đưa một ngón tay lên miệng ra dấu suỵt và thì thầm: “Nhưng mà các bạn đều đang ngủ cả, mình dậy sẽ làm mất giấc của các bạn ấy. Khẽ thôi, vẫn còn mấy bạn đang ngủ kìa”. Nói xong cậu lại nhìn thẳng trần nhà bất động như cả tiếng đồng hồ qua đã thế và ngày nào cũng thế.
Trẻ em Nhật Bản được rèn luyện tính ngăn nắp, sạch sẽ ngay từ khi còn rất nhỏ |
Cậu bé trở về từ Nhật Bản cũng có một thói quen khác người… Việt là rất hay khen ngợi, trong khi các bạn đồng môn hầu như đều có sở thích chê bai như phần lớn những người Việt khác, thậm chí đem việc cười giễu những đặc điểm ngoại hình béo, gầy, lùn, đen của người khác làm vui. Mỗi ngày đến lớp cậu bé thường đưa ra lời khen ngợi ít nhất là hai lần, đôi khi chỉ đơn giản là: “Ồ gọng kính mới của cậu đẹp quá!”, “Hôm nay trông cậu cười xinh hơn mọi ngày”, “Cậu giải bài giỏi thật đấy!”.
Nhiều người phương Tây cho rằng, người Nhật có những đặc điểm tính cách giống với phương Tây hơn là Á Đông, mà càng ngày tôi càng cảm nhận điều ấy thật chính xác. Có nhẽ chính vì vậy nên rất nhiều người Việt vào làm trong những công ty Nhật Bản không chịu được sức ép về tính kỷ luật, nguyên tắc, gọn gàng, ngăn nắp, nhiệt thành với công việc của họ mà đành phải “bỏ của chạy lấy người”. Nghĩa là phải từ bỏ một công việc với mức lương rất cao để chuyển sang những chỗ “thoải mái” hơn.
Tôi có một người bạn làm quản lý một khách sạn. Anh kể rằng một ngày nọ có nhóm khách đưa ra mong muốn rằng bữa tiệc của họ nên được phục vụ bằng loại tách chén gốm hoa xanh. Anh bạn tôi thấy đó là một mẫu gốm rất khó kiếm và trong nhà hàng đương nhiên không sẵn có, nhưng ông sếp người Nhật của anh đã đích thân lặn lội khắp các cửa hàng chuyên bán tách chén ở Hà Nội chỉ để tìm bằng được sản phẩm như khách yêu cầu. Đến sếp Nhật còn chịu khó như vậy thì nhân viên Việt Nam, những người đã truyền đời từ tổ tiên tính cách đại khái, qua loa, dễ bằng lòng… chịu làm sao thấu.
Một lần tôi có dịp đến lớp của con gái. Vài phút sau có một cậu bé thanh mảnh, đẹp trai và tươi cười vội vã tiến lại gần hỏi: “Cô có phải là mẹ bạn Khánh không ạ?” – “Đúng rồi cháu!” – “Cháu là Đức, rất vui được gặp cô hôm nay”. Cậu bé vừa nói vừa chủ động chìa tay ra bắt. Tôi đứng hình, há hốc miệng rồi lúng túng chìa tay ra bắt lại:“Cháu có phải cậu bé từ Nhật về đúng không?” – “Đúng rồi ạ”. Cậu bé chào xong vội vã đi làm việc khác để tôi được tự nhiên tiếp tục việc của mình. Khổ thế, từ thuở bé đến giờ tôi chưa thấy cô cậu nào, ngoài cậu con trai 11 tuổi của anh bạn giảng viên Charles Waugh người Mỹ, lại chủ động ra gặp phụ huynh để chào hỏi và chìa tay ra bắt. Tôi toàn gặp những cô bé cậu bé mà bố mẹ phải nhắc “Chào cô đi con” rồi mới lí nhí chào, hoặc cả những cô cậu học trò của tôi, đã 18, 19 tuổi rồi mà gặp giáo viên ngoài hành lang cứ trân mắt nhìn như người dưng..
Nhưng sau này, nghe con gái kể, cả lớp đã thi nhau dạy cho cậu bé một đống tiếng lóng, cộng thêm vô vàn thói quen xấu xí nữa thành thử ra cậu bé đáng yêu, một sản phẩm khá hoàn hảo của Nhật Bản, mất bao năm người Nhật mới đào tạo được ra thế, mà chỉ trong có vài tháng trời của học kỳ một đã bị Việt Nam hóa phần nào mất rồi. Nghe vậy, tôi cảm thấy vừa buồn cười, vừa tiếc.