Chính phủ đề nghị tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sáng 25/5 (Ảnh Quốc hội)
Bài liên quan
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Theo quy định hiện hành thì chính sách thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31/12/2020.
Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.268 tỷ đồng/năm; Giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308 tỷ đồng/năm; Giai đoạn 2017 - 2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438 tỷ đồng/năm.
Ảnh minh họa |
Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, xây dựng Nông thôn mới. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2025. Đối với giai đoạn từ 2026 trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi.
Trong quá trình xây dựng dự án Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại các chính sách, các đối tượng để thực hiện mục tiêu miễn, giảm thuế SDĐNN nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tránh sử dụng đất lãng phí, để đất đai hoang hóa.
Theo báo cáo của Chính phủ, thực tế quá trình SDĐNN cho thấy có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất. Tuy nhiên, pháp luật về đất đai cũng chưa có khung pháp lý quy định thế nào là đất hoang hóa (ví dụ, đất không sử dụng 1 vụ, 2 vụ, 3 vụ hay thời gian bao lâu được gọi là đất hoang hóa; Trường hợp ngừng 1 vụ để cải tạo đất thì có được coi là đất hoang hóa hay không…).
Hơn nữa, Luật Đất đai 2013 đã quy định việc xác định một số loại đất nông nghiệp không được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định là những hành vi vi phạm pháp luật và phải thực hiện thu hồi đất (đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; Đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục; Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa).
Bên cạnh đó, việc để đất đai hoang hóa có nhiều nguyên nhân như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động, các rào cản trong quy định của pháp luật về đất đai nhằm tích tụ, tập trung ruộng đất...; Không phải do việc miễn thuế SDĐNN.
Vì vậy, Chính phủ cho rằng các đối tượng được miễn thuế SDĐNN như hiện hành là phù hợp. Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thu thuế đối với đất để hoang hóa khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng.
Chính phủ cũng cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách; Không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
“Đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế SDĐNN sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế SDĐNN để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế SDĐNN thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.