"Chiến binh thầm lặng" trong những ổ dịch Covid-19
Bác sĩ trẻ luôn có mặt tại các điểm “nóng” dịch bệnh
Sinh năm 1989, sau 12 năm nỗ lực đèn sách, Trần Anh Tú chính thức trở thành sinh viên ngành Y học dự phòng, trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi ra trường, anh được làm việc đúng chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn tại khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Với những kiến thức đã học trong nhà trường và kỹ năng tích lũy được trong thời gian làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khiến anh không ngần ngại dấn thân vào những ổ dịch lớn nhỏ trên cả nước trong suốt hơn một năm qua.
Bác sĩ Trần Anh Tú (bên trái) và các đồng nghiệp làm việc liên tục tại các cơ sở địa phương |
Bắt đầu từ tâm dịch của cả nước ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), bác sĩ Anh Tú tình nguyện vào tổ công tác phòng, chống dịch, khoanh vùng dịch tễ đối với hơn 10.000 người dân địa phương. Đến tháng 4/2020, anh trực tiếp tham gia điều tra, hỗ trợ chống dịch tại Mê Linh (Hà Nội).
Từ Hà Nội, xung phong vào Đà Nẵng, bác sĩ Anh Tú tình nguyện tham gia đội điều tra giám sát dịch thuộc bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Đầu năm nay, anh tiếp tục nhận nhiệm vụ "xuyên Tết" tại vùng dịch Hải Dương.
Trong suốt gần 1 năm kể từ thời điểm bùng phát dịch bệnh, bác sĩ Trần Anh Tú cho biết, cuộc sống của anh và các đồng nghiệp gần như bị đảo lộn và thay đổi. Những bữa cơm, chiếc bánh mì ăn vội, các cuộc họp không biết bao giờ kết thúc, làm việc đến đêm khuya gần như gắn bó với anh và các đồng nghiệp từ hết ổ dịch này đến ổ dịch khác.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bác sĩ Trần Anh Tú luôn nhận nhiệm vụ với tâm thế sẵn sàng vì anh tâm niệm bác sĩ là những người lính trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19. Chiến dịch này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực của ngành Y tế, trong đó có vai trò cá nhân của từng y, bác sĩ.
Mặc dù đã có gần 7 năm lăn lộn trên nhiều "trận tuyến" phòng dịch, nắm chắc kiến thức chống dịch và ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng bác sĩ Trần Anh Tú vẫn “sợ” khi bước vào trận chiến chống dịch Covid-19. Lý do là bởi anh lần đầu tham gia chống dịch bệnh ở cộng đồng, cũng như hiểu rất rõ việc ra vào tâm của ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao và có thể trở thành nguồn lây truyền bệnh cho đồng nghiệp, người thân. Chính vì "nỗi sợ" này mà bác sĩ Trần Anh Tú luôn cẩn trọng, tự nâng cao các biện pháp phòng tránh, thực hiện khám, xét nghiệm sàng lọc thường xuyên để đảm bảo sức khỏe bản thân, nhanh chóng phát hiện nếu không may bị lây nhiễm bệnh.
Bác sĩ Trần Anh Tú luôn được các "đàn anh, đàn chị" đi trước chia sẻ, hướng dẫn tận tình nên nhanh chóng nhập cuộc, cùng các đồng nghiệp thu nhận được nhiều thông tin bổ ích từ công tác chống dịch tại thực địa. Anh nhận thấy rằng, càng có kinh nghiệm chống dịch, càng đi chống dịch nhiều thì lại càng thêm yêu nghề, yêu công việc dự phòng của mình. Đối mặt và vượt qua khó khăn trong công việc là cách để người trẻ tuổi trưởng thành nhanh hơn.
Trong bối cảnh cả nước phòng, chống dịch Covid-19, có những giai đoạn căng thẳng khi phát hiện ca lây nhiễm trong nước, bác sĩ Trần Anh Tú đã tích cực tận dụng công nghệ thông tin, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao hiệu quả công tác phòng dịch. Anh cũng tận tình hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ cơ sở.
Với vai trò là đồng tác giả, bác sĩ rần Anh Tú đã chia sẻ nhiều kiến thức mới trong 2 bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về dịch Covid-19 tại Việt Nam. Anh đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vì thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phân tích, xử lý thông tin dịch tễ, góp phần khoanh vùng, dập dịch Covid-19; Bên cạnh đó là bằng khen "Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu"; Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi năm 2020” và giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”...
Mặc quần áo bảo hộ thay "blouse trắng"
Chọn gắn bó với công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bác sĩ Tú tâm niệm đó là đam mê, chọn lựa ngay từ đầu. Cũng bởi Việt Nam là nước nhiệt đới, do đó đối tượng dịch tễ học chủ yếu là các bệnh truyền nhiễm, từ dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và mới đây là dịch Covid-19... Thực tế này đòi hỏi sự tham gia đông đảo của cán bộ y tế dự phòng dịch tễ, các bác sĩ về bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Anh Tú chia sẻ, do đặc thù công việc hễ dịch bệnh xảy ra là nhận lệnh lên đường ngay. Lần nào đi cũng chỉ kịp gấp mấy bộ đồ, vật dụng cá nhân. Giờ vợ con đã quen với việc anh vắng nhà thường xuyên, cũng may hiện nay có nhiều phương tiện liên lạc hơn trước nên gia đình bớt lo.
Anh bật mí công việc của mình ít khi khoác "blouse trắng", hầu hết là mặc quần áo bảo hộ, trang thiết bị đầy đủ, có khi là chiếc áo phông để dễ dàng cơ động lúc làm nhiệm vụ. Bác sĩ trẻ cho rằng chính tình yêu nghề giúp anh vượt qua khó khăn, cẩn trọng hơn trong từng việc nhỏ nhất để bảo vệ bản thân, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Các y, bác sĩ trong quá trình giám sát cộng đồng tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) |
Trải qua nhiều lần "căng mình" chống dịch, bác sĩ Trần Anh Tú chia sẻ, dịch Covid-19 là cơ hội để một bác sĩ dự phòng trẻ như anh đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch toàn dân, được trải nghiệm để có thêm kinh nghiệm đáng quý, trưởng thành hơn trong công tác. Với anh việc liên tục tích lũy kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, tiếp thu những kiến thức mới trên thế giới, đặc biệt là về dịch bệnh Covid-19 là việc ưu tiên hàng đầu.
Nhận xét về bác sĩ Anh Tú, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Trần Anh Tú là một bác sĩ trẻ tiêu biểu, nhiệt tình, nhiệt huyết, có kiến thức chuyên môn. Bác sĩ Trần Anh Tú đã tham gia chống dịch từ những ổ dịch đầu tiên tại Vĩnh Phúc cho đến ổ dịch Đà Nẵng, là người có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19, không ngại gian khổ để ngăn chặn dịch bệnh.
Năm 2020 và đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề, mang đến vô vàn khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để thanh niên Việt Nam mang sức trẻ đóng góp trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu trong đó có bác sĩ Trần Anh Tú. Họ đều là những con người nỗ lực không ngừng để đạt được thành công mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, phát huy tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” trên tất cả các lĩnh vực, mặt trận.