Chia sẻ khó khăn với công nhân trong nỗi lo nuôi dạy con
Thu nhập thấp khiến vợ chồng công nhân nén lòng gửi con về quê
Trong 10 năm (2014 - 2024), các khu công nghiệp và khu chế xuất tiếp tục được thành lập và phát triển ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp cần một lượng lớn người lao động và trong quá trình đô thị hóa cũng tạo ra luồng di cư lao động lớn.
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát năm 2024 của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 5 địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Long An cho thấy chỉ có 3,2% người lao động có tích lũy. Số còn lại phải chi tiêu tằn tiện, không đủ trang trải cuộc sống, chiếm 72,2%.
Ảnh minh hoạ |
Với mức thu nhập không cao, người công nhân còn phải tính toán, dành dụm các khoản chi tiêu để dành ra một phần nhỏ thu nhập gửi về quê hương, nuôi cha mẹ già.
Đặc trưng của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu là công nhân trẻ nhập cư, mức sống thấp, thời gian làm tăng ca, đời sống còn nhiều bấp bênh. Các gia đình công nhân nhập cư chủ yếu sống trong các nhà trọ, thiếu nhà trẻ, lớp học gần nơi sinh sống và làm việc.
Do đó, việc lựa chọn trường lớp tại các thành phố lớn với mức học phí cao khiến các bậc phụ huynh là công nhân nhập cư gặp nhiều khó khăn, cũng như không thể có điều kiện cho con theo học.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (Công nhân dệt may, Khu Công nghiệp Thăng Long) chia sẻ: "Tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi hiện nay chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng, trong đó phải trừ đi chi phí thuê nhà trọ, tiền điện nước, khoản tiền ăn uống hàng ngày cũng rất lớn. Nếu cho hai con theo học các trường công lập trên địa bàn gần Khu Công nghiệp Thăng Long, tôi sẽ phải để ra khoảng 5 triệu đồng tiền học phí và các chi phí khác tại trường.
Do đó, tôi cũng đành gửi hai con về quê để ông bà chăm sóc và đăng ký học ở quê. Con cái xa bố mẹ thiếu thốn cả về tình thương và vật chất nhưng vợ chồng tôi còn phải dành dụm tiền lo cho ông bà, thêm khoản tiết kiệm hàng tháng phòng khi ốm đau".
Sắp có Đề án hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con cái
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã đề ra chương trình hành động số 04 ngày 17/5/2024. Chương trình này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết những vấn đề mới và khó khăn trong hoạt động công đoàn.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động một loạt chương trình, chiến lược, đề án quan trọng, trong đó có Đề án về hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con do Ban Nữ công thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham mưu và triển khai.
Ảnh minh hoạ |
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương nhấn mạnh, trước khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành, chưa có một ưu tiên cụ thể nào hướng đến trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại nơi có nhiều lao động và tại các khu công nghiệp.
Đồng chí Thái Thu Xương nhấn mạnh, những năm qua, tại các tỉnh, thành phố, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bổ đến hầu hết các địa bàn dân cư. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn, công đoàn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội đã nâng cao nhận thức và rất quan tâm công tác trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em;...
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề đặt ra trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, như: độ bao phủ chưa toàn diện của chính sách về trẻ em đến con công nhân, hệ quả của tình trạng công nhân lao động ít có điều kiện, thời gian ở bên chăm sóc con cái; công tác xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình với trẻ em; kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy trẻ và bảo vệ trẻ em trong các môi trường tương tác (bao gồm cả môi trường mạng).
Từ những thực tiễn nêu trên, cần thiết có một đề án riêng để hỗ trợ công nhân lao động trong các khu công nghiệp chăm sóc, nuôi dạy con, với mục tiêu cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con của công nhân, lao động; giải quyết một số bất cập đối với công nhân lao động trong việc chăm sóc, nuôi dạy con hiện nay.
Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con” đặt ra chỉ tiêu đến năm 2028: 100% con công nhân lao động nơi có tổ chức công đoàn được chăm lo thông qua các hoạt động nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, động viên khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt, vượt khó vươn lên trong học tập.
Phấn đấu mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất có ít nhất 1 nhóm trẻ độc lập tư thục được công đoàn hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với nhóm trẻ độc lập tư thục.