Chàng trai quê lúa mắc kẹt ở Thủ đô nhiệt huyết tham gia phòng, chống dịch
Xuyên đêm canh chốt
Hải kể, khi nhận được thông tin tổ chức Đoàn nơi đang ở trọ phát động, kêu gọi thanh niên hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch cùng địa phương, cậu liền viết đơn tình xin nguyện tham gia. Ngay sau khi được điều động vào đội thanh niên tình nguyện của phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội Phạm Văn Hải làm việc không quản ngày đêm trong suốt thời gian dài trên mặt trận chống “giặc Covid-19”. Cậu làm nhiệm vụ trực chốt kiểm dịch, bảo vệ tại các điểm tiêm chủng, xét nghiệm.
Chàng trai trẻ cho biết, cậu thường nhận ca trực đêm từ 3h đến 7h sáng. Dù thời gian rất nhạy cảm nhưng Hải nghĩ, khung giờ này nhiều nguy hiểm hơn, mình là con trai nên trực còn để các bạn nữ làm ca khác.
Phạm Văn Hải năm nay tròn 20 tuổi |
Những ngày trực đêm, cậu cùng các bạn thanh niên trực chốt có rất nhiều câu chuyện và trải nghiệm. Chàng sinh viên kể: “Chúng mình gặp nhiều trường hợp “rất dị”. Có không ít thanh niên cố tình chống đối để qua chốt, người say rượu, thậm chí có người hầm hố, bạo lực. Ban đầu, mình cũng sợ lắm nhưng nhóm bảo nhau bình tĩnh giải quyết, trước hết chúng mình giải thích, thuyết phục họ chấp hành quy định, nếu đối tượng nào manh động thì báo cáo với lực lượng công an để cùng giải quyết. Một, hai, ba lần… rồi chúng mình cũng quen với những tình huống đó, thế là mọi việc cũng êm xuôi, đâu vào đấy”.
Trong chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng toàn dân, hòa vào chiến dịch 7 ngày cao điểm “Hỗ trợ tiêm chủng - Truy tìm F0” của tuổi trẻ Thủ đô, Phạm Văn Hải tất bật làm nhiệm vụ cùng các cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên. Cậu thường bắt đầu làm việc từ 6h30 sáng cho đến khi nào hết khối lượng công việc rất lớn trong một ngày, không quản ngày đêm.
Chàng trai chia sẻ, cậu nguyện góp sức trẻ vì tình yêu Tổ quốc |
Phạm Văn Hải bày tỏ: “Mình là người bị “mắc kẹt” tại Thủ đô. Không thể trở về quê Thái Bình trong lúc Covid-19 phức tạp. Mình chỉ loanh quanh ở nhà trọ nên nghĩ đến việc tình nguyện chống dịch cho đỡ lãng phí sức trẻ. Trong lúc ấy, Đoàn Thanh niên phường kêu gọi thanh niên tình nguyện, thế nên mình tham gia ngay. Dù tình nguyện, dốc sức chống dịch ở Thủ đô hay ở quê Thái Bình thì cũng đều là đất nước Việt Nam. Hà Nội giống như quê hương thứ hai của mình vậy”.
Những ngày không thể quên của tuổi 20
Niềm hạnh phúc của Hải thật giản dị, cũng chính là những ấn tượng mà cậu bảo không thể nào quên khi được tham gia các hoạt động với đoàn viên, thanh niên tại nơi cư trú ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dù là người tỉnh ngoài, bị kẹt lại vì dịch bệnh nhưng cậu hết mình cống hiến cho sự bình yên của người dân Thủ đô.
Hải cùng các bạn tình nguyện không quản ngày đêm trực chốt bảo vệ "vùng xanh" |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp trên “quê lúa” Thái Bình, bước chân vào giảng đường đại học chốn Hà thành phồn hoa, chàng sinh viên xuất thân từ cuộc sống khó khăn sớm vừa học, vừa đi làm thêm phụ giúp gia đình tự trang trải sinh hoạt. Có lẽ bởi vậy mà cậu suy nghĩ trưởng thành, tấm lòng thêm nhân ái, bao dung, sẵn sàng sẻ chia với cộng đồng. Hà Nội “trở ốm” khi Covid-19 hoành hành, Phạm Văn Hải nhanh chóng đóng góp sức lực cùng chính quyền và Nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Chàng trai sinh năm 2001 cười: “Mình cũng chỉ là một trong số rất nhiều sinh viên, người lao động mắc kẹt tại Thủ đô do dịch Covid-19, tham gia tình nguyện, hòa cùng sức trẻ Thủ đô, góp phần phòng, chống dịch. Tuy vậy, với mình, những ngày tháng này mãi mãi sẽ là kỷ niệm không thể quên của tuổi 20 và “thấm” sâu sắc hai chữ “tình người” trong đại dịch”.
Hiện nay, cậu cũng bắt đầu vào năm học mới. Vừa học, Hải vẫn tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương và hoạt động Đoàn - Hội tại nơi cư trú. “Làm nhiều việc tuy vất vả nhưng mình thấy, ai cũng cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, với mong muốn một ngày không xa, Thủ đô và đất nước ta sẽ chiến thắng dịch bệnh. Những ý nghĩ ấy và tấm gương mọi người xung quanh đã tiếp thêm động lực cho mình cống hiến sức trẻ”, Phạm Văn Hải bày tỏ.