Cây cọ miền trung du
Bài liên quan
Phú Thọ: Năm 2018, thêm 14 nghệ nhân Hát Xoan
Phú Thọ: Sẽ vinh danh 18 thanh niên tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nhiều cọ nhất có lẽ là huyện Cẩm Khê, trải dọc bờ sông Thao suốt mấy chục cây số. Dày đặc nhất, xanh rợp nhất là địa hạt Phú Khê, Đông Phú, Thanh Nga, Sơn Nga, Phùng Xá, lan vào các làng lân cận bên trong.
Cọ trồng ven đường |
Ở miền trung du này, hình ảnh cây cọ đã ăn sâu vào tiềm thức, vào nếp sống, nếp nghĩ của từng người dân, từ những đứa trẻ mỗi sớm đến trường đi dưới tán cọ xanh mướt, cho đến các cô hàng ngày ngồi tuốt lá cọ làm nguyên liệu đan nón, các chú hái lá cọ về phơi, đan lại thành từng phên lợp lên mái nhà che chắn gió mưa… Cây cọ đã gắn bó với cuộc sống người dân nơi đây không biết tự bao giờ.
Cây cọ gắn bó với người dân Phú Thọ |
Cây cọ miền trung du đã đi vào thơ ca theo chiều dài đất nước, thành bài học trong sách giáo khoa, ăn sâu vào tiềm thức, tâm trí người Việt bao thế hệ. Đến nay, không ai là không biết đến những vần thơ từ thuở vỡ lòng mang theo hình ảnh cây cọ. Trong tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã phải thốt lên:
Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…
(Ta đi tới – 1954)
Lá cọ |
Có dịp tới Phú Thọ, bạn sẽ được thưởng thức món cơm cuốn lá cọ - một đặc sản vùng miền làm xao xuyến lòng người ăn. Món cơm cuốn lá cọ thật ra là một khúc biến tấu giản dị mà thơm ngon của cơm nếp, mà những người mẹ thường làm mỗi khi đứa con xa quê lâu ngày trở về. Cơm nếp vừa chín tới, vẫn còn nóng hổi, dẻo thơm trong nồi, đem xới ra, cuốn gọn trong cọng lá cọ non còn ánh màu xanh lá mạ ngon mắt. Cơm nếp cuộn trong lá cọ ăn khi còn hơi âm ấm, chấm với muối vừng, muối lạc đậm vị chân quê.
Mùa hè, cọ ra từng chùm quả lủng lẳng trông thật thích mắt, đến cuối tháng mười âm lịch, cọ chín, quả nào quả nấy đều tăm tắp, tròn căng bóng bẩy, màu sậm lại, khi ấy, các mẹ lại hái về xóc bỏ vỏ chát trong chậu nước rồi thả vào nồi nước liu riu, đậy vung lại và tiếp tục canh lửa nhỏ chừng mươi phút để chế biến món cọ ỏm. Còn gì thú bằng giữa ngày cuối thu trời se se lạnh, trên tay là miếng cọ ấm nóng, thịt cọ dày, màu vàng sẫm như mật ong, vừa mềm vừa tơi xốp, mũi được hít hà mùi hương thơm lựng, ăn vào thấy béo ngậy. Ngoài cọ ỏm, người dân nơi đây còn dùng quả cọ để kho cá, kho thịt, cọ làm cá hết mùi tanh, làm thịt đỡ ngấy, khiến món ăn đậm đà, bùi ngậy hơn.
Màu xanh quen thuộc của lá cọ non |
Lá cọ xếp gấp trải rộng rồi tia ra những dải dài, quy tụ cả về cục lá. Cọ lặng lẽ, tua tủa chùm rễ bám chắc vào đất sâu. Dù gió giật, bão rung, cứ mỗi tháng đều đặn một búp lá nõn xanh xòe một tầu lá mới, mỗi năm đủ 12 lần. Trong nắng gió, trong giá sương, cọ lặng lẽ. Nhưng khi mưa xuống là cọ reo vui. Người trung du có câu “Mưa rừng cọ, gió rừng thông”. Những hạt mưa dạo đầu lộp bộp. Mưa vào cơn, vào trận ào ạt râm ran triền miên. Tạnh mưa, rừng cọ hả hê, tầu cọ loang loáng sắc xanh dưới bầu trời tạnh ráo.
Rừng cọ Phú Khê rợp bóng. Ngày hè nắng chang chang mà dưới rừng cọ vẫn dịu mát, người chặt lá, bó lá, bó cành làm việc cả ngày không phải đội nón. Lá cọ lợp nhà bền và mát. Nhà gỗ tốt, thợ mộc lành nghề, dàn rui mè tre ngâm kỹ, lá cọ phấn dong nuôi hai ba năm lợp dầy, đến vài ba chục năm mới phải lợp lại, ấy là ngôi nhà truyền thống bề thế từ bao đời.
Nhà lợp mái bằng lá cọ |
Cọ thấp dễ gồi. Gồi cọ cao phải có những thợ gồi tài nghệ. Những cái đà vút tầm cây tre thẳng dựng nép theo thân cọ, thợ gồi đeo dao thoăn thoắt trèo lên, từng tầu lá buông rơi. Thợ giỏi không cần đà, cứ tay bám, chân bước, rướn người lên ngọn cọ. Hàng ngày, thanh niên trai tráng kìn kìn gánh lá cọ ra bến Me, bến Vực Câu, xếp ken xít trên bè chở về xuôi.
Cọ trồng ở khu dân cư |
Không chỉ thế, cây cọ còn đi sâu vào từng ngõ ngách nhỏ nhất của cuộc sống người dân nơi đây. Búp cọ làm áo tơi, làm nón, làm mũ lá. Mũ nón lá cọ dân dã, mộc mạc và chắc bền. Lá cọ non may nón ba tầm duyên dáng cùng cô gái quan họ hát ngân nga dịu dàng e ấp. Lá cọ con nắm cơm đi làm đồng, đi công tác xa…
Cây cọ là hình ảnh quen thuộc gắn bó với đời sống người dân Phú Thọ |
Nếu bạn đã từng được đi thăm rừng cọ bạt ngàn, từng nhìn thấy cọ lớn lên trên khô cằn sỏi đá, bằng cái nắng miền trung du phỏng rát chân trần thì khi đứng dưới tán cọ xanh tự lòng đã thấy yêu cây cọ lắm, chứ chưa nói gì đến việc sinh ra và lớn lên để hàng ngày được ăn thứ quả thơm bùi mọc ra từ gian khó ấy.
Rừng cọ |
Bởi vậy, người dân trung du mỗi khi đi đâu xa, nhắc tới hình ảnh cây cọ là lại nhớ về làng quê trong ánh mắt rưng rưng như cố dõi xa tìm lại hình ảnh cây cọ thân thương như một cách để tự trấn an lòng mình, cố ngăn nỗi nhớ đang chực vỡ oà trên khoé mắt bâng khuâng.