Cầu Thăng Long chính thức thông xe sau 5 tháng sửa chữa
Quảng Nam: Dự án cầu Cẩm Kim 240 tỷ đồng vẫn chưa thể thông xe do vướng mặt bằng Sẽ hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long và thông xe vào cuối năm 2020 |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu cắt băng thông xe cầu Thăng Long. |
Về phía thành phố Hà Nội dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau hơn 15 năm khai thác, phần mặt cầu Thăng Long đã xuất hiện các hư hỏng, xuống cấp. Mặc dù đã thực hiện sửa chữa lớn năm 2009 và nhiều lần sửa chữa cục bộ, song các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Trên cơ sở kết quả phân tích nguyên nhân hư hỏng, nghiên cứu so sánh các phương án, đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật và tổng hợp kinh nghiệm sửa chữa mặt cầu thép trên thế giới, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất của các nước, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lựa chọn giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng kết cấu mặt cầu liên hợp nhẹ sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng sau đó thảm bê tông nhựa polime.
Từ ngày 16/8/2020, mặt cầu Thăng Long bắt đầu được sửa chữa lớn bởi các nhà thầu và công nghệ trong nước. Tổng mức đầu tư sửa chữa gần 270 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ thông xe cầu Thăng Long |
Việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến vành đai 3 trên cao từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa TP Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và với các tỉnh thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông trong các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nằm trên đường vành đai 3 là một trong các tuyến đường huyết mạch với lưu lượng giao thông lớn. Việc sửa chữa cầu Thăng Long là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, bảo đảm đồng bộ, lưu thông thông suốt và an toàn giao thông trên tuyến đường vành đai 3, giảm tải cho cầu Nhật Tân và tuyến đường cửa ngõ của thành phố, tạo sự liên kết giữa các vùng.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ thông xe cầu Thăng Long |
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, các quận, huyện liên quan tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tổ chức khai thác dự án, trong đó có công tác kiểm soát tải trọng xe để bảo đảm tuyệt đối an toàn, nâng cao tuổi thọ công trình.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là dự án hết sức quan trọng, hoàn thành đúng vào dịp đầu năm 2021 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Cầu Thăng Long được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô, khi xây dựng hoàn thành cây cầu đã trở thành biểu tượng của thời kỳ đó. Người dân từ miền Nam ra đều lên cây cầu tham quan và là cầu hiện đại nhất Việt Nam, đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của Hà Nội và đất nước.
Tuy nhiên do cầu thiết kế lâu và có đặc tính riêng nên trong quá trình sử dụng mặt cầu bị biến dạng, nứt sụt lún ảnh hưởng an toàn công trình.
Cầu nối Hà Nội với sân bay Nội Bài nên không thể để cầu hư hỏng, ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô. Vì thế, nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa nhưng chưa thành công.
"Việc hoàn thành sửa chữa và thông xe cầu Thăng Long đúng vào dịp gần Tết Nguyên đán sẽ góp phần đảm bảo giảm ùn tắc giao thông, phân luồng giao thông hợp lý trên tuyến giao thông quan trọng này", Phó Thủ tướng nói.