Cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán nhà ở xã hội qua "cò"
Ma trận thông tin giả mạo
Mới đây, một nhóm khách hàng tại Hà Nội đã rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang" khi mua suất nhà ở xã hội thông qua công ty môi giới. Theo thống kê của 24 khách hàng, tổng số tiền họ đã nộp cho công ty này lên tới gần 19 tỷ đồng.
Các suất mua nhà ở xã hội được rao bán thuộc các dự án có vị trí thuận lợi tại Hà Nội, bao gồm: Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và Hạ Đình (214 Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì). Đáng chú ý, dự án nhà ở xã hội Hạ Đình mới chỉ khởi công gần đây và vẫn chưa đủ điều kiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà.
Anh N.H.T, người đặt mua dự án NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm thông qua Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Nhật Phát (ở Khu Đô thị Văn Khê, quận Hà Đông) cho biết, anh được biết thông tin qua mạng xã hội nên đã vay mượn tiền ngân hàng để đặt cọc hơn 1 tỉ đồng cho công ty nhưng sau đó liên hệ lại thì thấy tắt máy, đến công ty thì thấy đóng cửa.
Được biết, đến thời điểm hiện tại dự án NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm mới khởi công gần đây và vẫn còn chưa đủ điều kiện để thu nộp hồ sơ. Trong khi đó, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có liên quan đều khẳng định, họ không có bất cứ liên quan nào tới các sàn, đơn vị trung gian, môi giới.
![]() |
Một đơn vị mở dịch vụ làm hồ sơ ngay trước dự án nhà ở xã hội N01 Hạ Đình (Ảnh: Trương Thanh) |
Còn tại dự án Rice City Long Châu (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), không chỉ choáng váng vì mức phí "lót tay", nhiều người còn "hoa mắt" trước ma trận thông tin giả mạo.
Cụ thể, khi tìm kiếm từ khóa về dự án Rice City Long Châu trên mạng, ngay lập tức kết quả trả về sẽ là hàng loạt website tự nhận là của chủ đầu tư. Từ tên miền, giao diện, đến thông tin dự án, mọi thứ gần như được sao chép y nguyên từ website gốc. Thậm chí, khi chủ đầu tư còn chưa công bố giá bán, những trang này đã tự tin đưa ra mức giá dự kiến khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2.
Trên facebook, nhiều tài khoản cũng tự nhận đang sở hữu các căn hộ thuộc "suất ngoại giao" tại dự án Rice City Long Châu. Khi mua những căn này, khách hàng sẽ không phải lo đến việc bốc thăm may rủi. Tuy nhiên, họ sẽ phải chi một khoản phí được gắn mác "tư vấn dịch vụ", khoảng từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng.
Những vụ việc, thông tin trên tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tình trạng lừa đảo trong giao dịch nhà ở xã hội thông qua các đơn vị trung gian, đặt ra yêu cầu cấp thiết về quản lý chặt chẽ và minh bạch hơn trong lĩnh vực này.
Người dân nên thận trọng trước các thông tin
Thực tế cho thấy, khi các dự án vào giai đoạn xây dựng, thu nộp hồ sơ nhà ở xã hội, các chủ đầu tư đã khuyến cáo người dân có nhu cầu nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thống như từ Sở Xây dựng hay chủ đầu tư dự án nhưng những vụ việc mất tiền do tin theo môi giới vẫn đang diễn ra, bất chấp các quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (UDIC) cho biết: Gần đây, một số trang thông tin bất động sản và các hội nhóm giao dịch bất động sản thường xuyên đăng tải thông tin về việc giao cọc, mua bán, có suất căn hộ ngoại giao, mở bán dự án nhà ở xã hội UDIC 214 Nguyễn Xiển, đều là những thông tin sai lệch nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.
"Dự án Nhà ở xã hội tại ô đất NO1 Hạ Đình chưa đủ điều kiện để nhận Hồ sơ đăng ký mua nhà hay nhận đặt cọc, giữ chỗ cho người dân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Mọi hành vi của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào nhân danh Liên danh Chủ đầu tư dự án thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tư vấn, đặt cọc, giữ chỗ, giao dịch mua bán căn hộ tại dự án Nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình đều là giả mạo, vi phạm pháp luật", đại diện chủ đầu tư khẳng định.
![]() |
Người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thống như từ Sở Xây dựng hay chủ đầu tư dự án |
Luật sư Lê Thị Thùy, Giám đốc Công ty Luật TNHH Fric (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, để tránh bị lừa đảo khi mua nhà ở xã hội, người dân cần trang bị kiến thức pháp lý và thận trọng trong mọi giao dịch. Trước hết, cần xác minh tính pháp lý của dự án thông qua Sở Xây dựng địa phương hoặc Bộ Xây dựng để bảo đảm dự án đã được cấp phép hợp pháp.
Bên cạnh đó, người mua nên làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, không thông qua trung gian mập mờ và chỉ ký hợp đồng có công chứng rõ ràng; Tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa có hợp đồng hợp pháp, đặc biệt nếu môi giới yêu cầu đặt cọc mà không có giấy tờ đảm bảo.
Đồng thời, cần kiểm tra kỹ quy trình mua bán, bởi nhà ở xã hội không thể giao dịch tùy tiện hay "chạy suất" ngoài quy định. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng, bao gồm Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng hoặc cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.
Trong trường hợp không may bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi. Trước tiên, cần thu thập đầy đủ bằng chứng, bao gồm hợp đồng, biên lai chuyển tiền, tin nhắn và email trao đổi với môi giới để làm cơ sở khiếu nại hoặc tố cáo.
Tiếp đó, người mua có thể gửi đơn khiếu nại lên chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản hoặc Sở Xây dựng địa phương để yêu cầu giải quyết. Nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cần tố giác ngay đến Cơ quan Công an, Viện kiểm sát Nhân dân hoặc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Bộ Công an.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đúng quy định, ngăn chặn và hạn chế tối đa các đối tượng môi giới trái quy định của pháp luật, ngày 12/3/2025 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thực hiện đúng quy định, trình tự thủ tục mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023, Nghị định 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31/7/2024 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 5/11/2019 của UBND thành phố về việc ban hành quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông tin đến người dân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được biết để nộp hồ sơ theo đúng quy định. Công an thành phố tăng cường thực hiện việc chỉ đạo công an cấp xã (nơi có dự án nhà ở xã hội) rà soát, nắm bắt xử lý các đối tượng môi giới lợi dụng nhận kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trái quy định của pháp luật. Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn xác nhận hồ sơ kê khai xác nhận về điều kiện nhà ở của người dân đảm bảo thuận tiện, đúng quy định của pháp luật. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để xác nhận cho người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội các điều kiện về nhà ở, thu nhập, điều kiện vay vốn ưu đãi; Thực hiện đầy đủ trách nhiệm tại Điều 14 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 5/11/2019 của UBND Thành phố. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra việc mua, bán, thuê nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn; trường hợp phát hiện vi phạm phải kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý theo quy định. Thông tin, phổ biến, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn được biết để tránh bị các đối tượng giả mạo chủ đầu tư lừa đảo, thông tin sai lệch về nhận kê khai, nộp hồ sơ trái quy định pháp luật… |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tràng Định (Lạng Sơn): Bắt 3 đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép

Tỉnh táo trước chiêu lừa đóng tiền điện

Xử phạt vụ xe cứu thương chở nghệ sĩ đi ra mắt phim

Triệt phá xưởng sản xuất ma túy quy mô lớn thu 1,4 tấn ketamin

Xử lý vi phạm IUU, khởi tố vụ tàu cá xuất cảnh trái phép

Dùng sổ đỏ giả lừa bán đất rừng chiếm đoạt gần 900 triệu đồng

Làm giả tài liệu tham gia đấu thầu, Phó Giám đốc lĩnh án

Nông Cống (Thanh Hóa): Bắt giữ 2 đối tượng trộm cắp xe máy

Chi Lăng (Lạng Sơn): Kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo “vali tiền đô”
