Cảnh báo nguy cơ tai nạn nghiêm trọng vì mất an toàn thang máy
Không ít rủi ro đã xảy ra
Thời gian qua, ở Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc khi sử dụng thang máy. Mới đây nhất, khoảng 18h ngày 25/5, một vụ rơi thang máy xảy ra tại ngõ 523 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội). Theo thông tin ban đầu có 2 người tử vong sau sự cố trên.
Cụ thể, khu vực trong ngõ 532 Kim Mã có nhiều nhà cao tầng xây với nhiều công năng, vừa ở vừa cho thuê. Thời điểm rơi thang máy trong toà nhà số 12, ngõ 523 Kim Mã nhiều người sử dụng thang máy khi có ý định từ tầng cao xuống tầng 1.
Hiện trường vụ rơi thang máy tại khu vực tầng 7 của ngôi nhà nơi có nhiều căn hộ cho thuê. Theo thông tin ban đầu, vụ việc khiến 2 người thương vong là công nhân sửa thang máy tại toà nhà trên.
Thang máy gặp sự cố đang trong quá trình sửa chữa |
Theo thông tin từ phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an TP Hà Nội, toà nhà số 12, ngõ 523 đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa. Thông tin ban đầu từ Công an quận Ba Đình, thời điểm xảy ra sự cố trượt cáp rơi xuống đáy hỗ pít thang máy và đè lên nạn nhân trong quá trình sửa chữa tại công trình khiến nạn nhân tử vong.
Được biết, trước đó, ngày 19/10/2021 cũng tại tại phường Kim Mã đã xảy ra một tai nạn thương tâm khiến một nạn nhân thiệt mạng do rơi từ tầng 7 xuống tầng 1 bên trong hầm thang máy.
Sự việc này đã khiến không ít người hoang mang, lo lắng mỗi khi bước vào trong thang máy.
Tháng 12/2020, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) thông tin vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại chung cư ở 275 Nguyễn Trãi khiến 1 người bị thương nặng.
Theo đó khoảng 18 giờ chiều hôm trước, ông Nguyễn Anh C (53 tuổi, cư dân tòa B) đi từ thang máy tại tòa B ra và bị bước hụt chân, rồi bị rơi từ tầng 2 xuống sàn dưới với độ cao từ 5 - 6m.
Ngay sau khi phát hiện vụ tai nạn, người dân đã gọi cấp cứu đưa nạn nhân đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, gãy chân, tay, mất nhiều máu...
Thang máy không được sửa chữa bảo dưỡng đúng cách có nguy cơ gây tai nạn cao |
Cuối tháng 11/2020, tại tòa chung cư 17 tầng B10A Nam Trung Yên (phường Trung Hòa) cũng xảy ra tai nạn do sự cố thang máy.
Theo đó, khi thang máy chứa hơn 10 người đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5 thì bất ngờ bị trôi tự do xuống mặt đất. Hậu quả, bà Lê Thị T (87 tuổi) bị gãy chân, một phụ nữ và cháu bé 4 tuổi bị chấn thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Từ những vụ việc trên cho thấy an toàn lao động, an toàn thang máy đang bị xem nhẹ. Người lao động và cả người dân luôn đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Đáng chú ý, với các vụ tai nạn lao động liên quan đến thang máy, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính do người quản lý lao động và bản thân người lao động chủ quan, lơ là công tác bảo hộ.
Cảnh báo lại vang lên
Thực tế cho thấy, hiểm họa mất an toàn lao động liên quan đến thang máy luôn rình rập người lao động, người dân trong quá trình xây dựng, sửa chữa.
Thang máy theo quy định phải được kiểm định định kỳ. Khi kiểm định, người ta sẽ thử các hệ thống đảm bảo an toàn như hệ thống phanh, hệ thống dừng khẩn cấp…
Mặc dù Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có quy định các cơ quan đăng kiểm phải dán tem kiểm định lên thiết bị được kiểm định ở vị trí dễ nhìn thấy. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không được thực hiện đầy đủ.
Để giảm thiểu tình trạng trên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã đưa ra Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thang máy thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Dự thảo nêu rõ mỗi thang máy phải có sổ theo dõi việc hiệu chỉnh, bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa định kỳ.
Đây là một trong những giải pháp của Nhà nước ta trong việc giảm thiểu tai nạn trong quá trình sử dụng và lao động trên thang máy.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ triển khai phương án cứu nạn tại khu vực mất an toàn thang máy |
Về góc độ cứu hộ cứu nạn, lực lượng chức năng đưa ra cách để người dân áp dụng những quy tắc vật lý đơn giản giúp có thể giảm thiểu lực tác động khi không may gặp sự cố rơi thang máy.
Theo đó, người gặp nạn cần:
Giữ bình tĩnh
Ngay cả khi thang máy rơi tự do, nạn nhân vẫn sẽ có ít nhất vài giây để phản xạ. Hãy dành thời gian này để tập trung cách ứng phó, thay vì hoảng loạn và tìm cách thoát ra ngoài.
Theo các chuyên gia, thang máy có hệ thống phanh khẩn cấp, nếu cabin rơi xuống với tốc độ cao thì sẽ bị phanh lại. Mỗi chiếc dây cáp đủ khỏe để có thể giữ được cabin.
Tuy nhiên nếu như phanh này không hoạt động, hoặc dây cáp bị đứt, sẽ xảy ra tình trạng thang chạy vượt tốc.
Ngay cả lúc này, người gặp nạn cần nhanh chóng nhấn tất cả các nút trên bảng điều khiển vì việc làm này nhằm kích hoạt bộ cung cấp điện khẩn cấp, có thể giúp thang máy không bị rơi thêm.
Tuyệt đối không cố gắng tìm cách ra ngoài
Khi gặp sự cố, người ta thường có tâm lý muốn thoát khỏi cabin nhanh nhất có thể. Tuy nhiên nếu quá hấp tấp, người gặp nạn sẽ đối mặt nguy cơ bị kẹt giữa thang máy và sàn nhà nếu thang máy đột ngột di chuyển sau khi dừng lại, hoặc nếu di chuyển quá nhanh.
Trong một số trường hợp, người cố gắng thoát ra có thể rơi vào khoảng không ở hầm thang máy, dẫn tới thiệt mạng.
Ngoài ra, cũng không nên leo ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin giống như trong một số bộ phim điện ảnh. Lý do là vì trên đó có nhiều thiết bị điện có thể có nguy cơ bị điện giật.
Kinh nghiệm cho thấy đa số trường hợp kẹt thang máy, ở bên trong cabin là an toàn nhất. Thực tế ghi nhận có khá ít trường hợp có người chết khi bị nhốt trong thang máy và gần như chúng ta sẽ thoát khỏi thang máy đóng kín mà không hề bị trầy xước.
Nằm thẳng trên sàn thang máy
Thang máy bị rơi tự do rất hiếm gặp. Tuy nhiên nếu đối mặt với tình huống này, cần tỉnh táo và ngay lập tức chuyển sang tư thế giúp cơ thể an toàn nhất khi tiếp đất, hoặc ít nhất là khi thang máy dừng lại.
Các nhà khoa học tại Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã chỉ ra cách tốt nhất để sống sót khi thang máy rơi tự do, là nhanh chóng nằm ngửa ra giữa sàn thang máy.
Cách làm này giúp phân tán lực tác động lên toàn bộ cơ thể. Trong khi đó, tay có thể dùng để gối đầu và che mặt để tránh hạn chế các mảnh vỡ và hạn chế va đập với thang máy, hoặc những người khác bên trong thang.
Cần tránh những tư thế:
Đứng thẳng, ngồi, nhảy nhót trong thang máy đều là những động tác cần tránh nếu xảy ra sự cố rơi tự do.
Nguyên nhân là do đứng thẳng có thể sẽ gây thương tích nghiêm trọng cho chân và cột sống. Ước tính, trọng lực đè xuống cơ thể sẽ tăng thêm gấp khoảng 10 lần nếu ở tư thế này.
Ngồi sẽ tốt hơn đứng. Lý do là vì phần mông sẽ là điểm tiếp đất an toàn hơn, giúp hấp thụ một phần lực G của tác động. Tuy nhiên, đây cũng không phải là tư thế lý tưởng, vì lực sẽ tác động mạnh tới cột sống khiến bạn chịu thương tổn.
Nhiều người cho rằng khi nhảy lên khỏi sàn thang máy ngay trước va chạm sẽ giúp bạn tăng cơ hội sống sót. Trên thực tế, cách làm này là phản khoa học, và chỉ trì hoãn được tác động trong giây lát. Tệ hơn, việc nhảy lên nhiều khả năng sẽ khiến bạn tiếp đất trong "tư thế squat" (hay còn gọi là ngồi xổm).