Cần xử lý nghiêm hành vi mua bán trái phép giấy ra vào cơ quan, phù hiệu ô tô
Bức xúc trước những hành vi thách thức cơ quan chức năng
Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin chiếc xe ô tô Lexus dừng đỗ sai quy định trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên phố Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trên kính trước chiếc xe này gắn một giấy ra vào trụ sở 47 Phạm Văn Đồng (Bộ Công an) năm 2020, gây bức xúc trong dư luận vì hành vi hành vi thách thức cơ quan chức năng của tài xế.
Thông tin thêm về sự việc, đại diện Công an Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay, ngày 5/5, Công an Quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng thanh tra giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn. Khoảng hơn 10h, lực lượng chức năng phát hiện ô tô Lexus dừng đỗ sai quy định trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên phố Tràng Thi.
Giấy ra vào trụ sở Bộ Công an của chiếc xe (Ảnh: Công an cung cấp) |
Trên kính trước chiếc xe này gắn một giấy ra vào trụ sở 47 Phạm Văn Đồng (Bộ Công an) năm 2020. Khi tổ công tác yêu cầu làm việc, tài xế C nói “Có biết xe của ai không mà cẩu”, sau đó người này đi vào bệnh viện. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đưa ô tô Lexus về bãi tạm giữ.
Đại diện Công an Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng đã lập biên bản đối với anh P.K.C (36 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) về hành vi đỗ ô tô nơi có biển cấm đỗ.
Sau sự việc trên, rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm đặt ra. Cụ thể, ngoài hành vi thách thức cơ quan chức năng của tài xế C, thì cách thức sử dụng giấy ra vào cơ quan, trụ sở được quy định như thế nào? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm cho việc cấp giấy phép ra vào trụ sở cũng như người cho mượn giấy ra vào sẽ bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật?
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành vẫn chưa có những quy định chung, thống nhất về việc cấp và sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức.
"Đã có nhiều trường hợp khi vi phạm giao thông và bị xử lý thì chủ các phương tiện này đã tỏ ra “hống hách”, khoe khoang về bản thân và các mối quan hệ, chửi bới, lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng. Những hành vi này không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm tra và xử lý vi phạm mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan Công an, báo chí và các cơ quan Nhà nước bị sử dụng logo, phù hiệu, giấp phép ra vào trụ sở trái phép. Vì vậy, các cơ quan chức năng rất cần phải có những biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn để có thể hạn chế và xóa bỏ những hiện tượng tiêu cực này”, luật sư Hùng cho hay.
Chiếc xe ô tô Lexus dừng đỗ sai quy định trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên phố Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) |
Về việc cơ quan nào chịu trách nhiệm cho việc cấp giấy phép ra vào trụ sở và quy định xử lý, luật sư Hùng cho rằng: “Hiện nay, chúng ta chưa có các quy định chung về việc cấp, quản lý và sử dụng giấy phép ra vào trụ sở, cũng như trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc cấp và quản lý loại giấy phép này. Do đó, vấn đề này vẫn chủ yếu dựa vào các quy định nội bộ của các cơ quan, tổ chức. Loại giấy phép này cũng chỉ có hiệu lực đối với việc ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức đã ban hành”.
Tuy nhiên, luật sư Hùng cũng cho biết, việc để các giấp phép này “lọt” ra bên ngoài và bị sử dụng trái phép thì các cơ quan, tổ chức đã ban hành ra chúng cũng có một phần trách nhiệm rất lớn.
Mua bán trái phép giấy ra vào cơ quan, phù hiệu có thể bị phạt tù
Tình trạng một số chủ phương tiện giao thông sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào các trụ sở của các cơ quan Nhà nước sai mục đích hoặc làm giả các loại giấy tờ để đối phó với việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng không hề hiếm.
Nhiều trường hợp lái xe làm giả thẻ nhà báo hay biển hiệu, giấy ra vào cơ quan nhà nước đã bị xử lý. Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị từng phối hợp cùng thanh tra giao thông phát hiện một tài xế lái xe mua giấy ra vào trụ sở cơ quan nhà nước trên mạng để đối phó, "ra oai" với lực lượng chức năng, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm giao thông.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đưa ô tô Lexus về bãi tạm giữ |
Hiện pháp luật hiện hành chưa có quy định chung, thống nhất về việc cấp và sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức. Do đó, vấn đề này vẫn chủ yếu dựa vào nội quy, quy định của các cơ quan và loại giấy phép này cũng chỉ có hiệu lực đối với việc ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức đã ban hành. Chúng chỉ có giá trị nhận diện phương tiện, giúp cho lực lượng bảo vệ của các cơ quan này dễ dàng nhận biết và quản lý các phương tiện ra vào.
Logo, phù hiệu, giấp phép ra vào trụ sở cũng có thể được các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp ngắn hạn cho các phương tiện phục vụ cho các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội nhất định và sẽ hết giá trị khi kết thúc sự kiện đó. Chúng hoàn toàn không có giá trị pháp lý khi kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn giao thông.
Việc một số chủ phương tiện sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào sai mục đích nhằm đối phó việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông của lực lượng chức năng đã gây khó khăn cho việc kiểm tra và xử lý vi phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan liên quan. Do vậy, cần có những biện pháp để hạn chế hiện tượng này.
Theo Điều 342 Bộ luật Hình sự 2015, cá nhân có hành vi mua bán, chiếm đoạt trái phép các loại giấy phép là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội "Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" theo Điều 342 BLHS 2015.
Theo đó, người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính 10 triệu đồng trở lên…thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.