Cần xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng không gian chung ở các nơi công cộng
"Giành" lại không gian cho người đi bộ
Những ngày qua, một số cơ quan báo chí cũng như mạng xã hội đã phản ánh về tình trạng chiếm dụng ghế đá công cộng tại khu vực ven hồ Tây để kinh doanh, bán hàng, thậm chí “muốn ngồi ghế đá là phải trả tiền nước”. Tình trạng này diễn ra gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước những phản ánh này, chính quyền sở tại đã ra quân "giành" lại không gian chung cho người dân, đồng thời cũng đảm bảo mĩ quan đô thị.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: "Những ngày cuối tuần, đặc biệt là thời điểm buổi chiều, lượng khách, người dân đổ về khu vực ven Hồ Tây rất đông. Một số hàng quán ven đường trên địa bàn phường Nhật Tân và phường lân cận đã kê thêm bàn ghế ven khu vực hồ Tây để cho khách ngồi, xả rác ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường đô thị.
Lực lượng chức năng tiến hành tổ chức ký cam kết, vận động người dân hoạt động kinh doanh đúng quy định |
Đáng nói, thời gian qua, trên địa bàn phường Nhật Tân xảy ra tình trạng người dân sử dụng ghế công cộng, tự ý kê thêm bàn nhựa, thậm chí là ghi rõ tên quán trên ghế để đánh dấu.
Trước tình trạng trên, lực lượng Công an phường Nhật Tân đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan ra kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhiều hộ kinh doanh vi phạm đã bị xử phạt hành chính với số tiền 2,5 triệu đồng/trường hợp.
Việc một số hộ kinh doanh quán nước, cà phê tận dụng vỉa hè, ngõ nhỏ để kê bàn ghế bán hàng không chỉ gây mất mĩ quan đô thị, ảnh hưởng đến người dân tới tham quan, ngắm cảnh mà còn gây khó khăn cho công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực xung quanh.
Chị Đỗ Thị Hồng Oanh, lao công phụ trách quét dọn hai tuyến phố Vệ Hồ và Nhật Chiêu (quận Tây Hồ) cho biết: "Bình thường bàn ghế ở đây kê dày đặc, túi nilon, đũa dùng một lần, ống hút nhựa ken đặc dưới đất, tôi không thể quét nổi, chỉ còn cách nhặt từng cái lên. Nay phường đã yêu cầu các nhà dân phải thu hồi toàn bộ ghế đá đặt tự phát ở ven hồ, vì thế chúng tôi quét dọn và làm công việc của mình cũng dễ hơn hẳn, chỉ cần dùng chổi quét là sạch, chứ không phải đi nhặt từng cái nữa".
Có thể thấy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh quanh khu vực hồ Tây đã diễn ra trong thời gian dài và có tính chất lặp đi lặp lại. Dù các đơn vị chức năng đã đưa nhiều biện pháp khắc phục nhưng ý thức của một số bộ phận kinh doanh còn kém nên khiến việc xử lý chưa thực sự hiệu quả.
Lực lượng chức năng yêu cầu các hộ kinh doanh vi phạm lấn chiếm vỉa hè trả lại mặt bằng theo quy định |
Để lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hàng tuần, UBND phường Nhật Tân phối hợp với đội Thanh tra giao thông quận, Đội Cảnh sát Trật tự quận, Công an phường ra quân trên các tuyến phố như Nhật Chiêu, Lạc Long Quân, Âu Cơ là các tuyến phố chính trên địa bàn phường.
Theo đó, tổ công tác đã tiến hành tổ chức ký cam kết, vận động người dân hoạt động kinh doanh đúng trong khu vực của mình. Đồng thời, lực lượng chức năng xử phạt, thu hồi các biển hiệu, biển quảng cáo, bàn ghế để sai quy định, tháo dỡ mái che mái vẩy, các công trình xây dựng trái phép, bục bệ gây mất mỹ quan đô thị.
Tăng cường xử lý, gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương
Nhiều năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp chính quyền từ quận tới cơ sở tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm này. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc ra quân rầm rộ, thì "đâu lại vào đấy".
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản 2834/UBND-ĐT yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp hiện trạng sử dụng các công viên, vườn hoa. Qua đó, đánh giá, xác định các trường hợp lấn chiếm, chiếm dụng công viên, vườn hoa, chuyển công năng sử dụng để kinh doanh không đúng quy định; Có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm, khắc phục, hoàn trả, sử dụng đúng mục đích.
Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở vi phạm lấn chiếm công cộng khu vực ven hồ Tây |
Trao đổi vấn đề này, nhiều người dân sinh sống gần các địa điểm công cộng này đều tỏ ra bức xúc, trong khi các địa điểm vui chơi giải trí, vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn nơi thiếu, nơi chưa được đầu tư tương xứng, thì tình trạng chiếm dụng sử dụng làm các điểm đỗ xe sai quy định vẫn ngang nhiên diễn ra, mà không được xử lý đến nơi đến chốn.
Trong định hướng quy hoạch phát triển diện tích các điểm vui chơi giải trí công cộng của thành phố đặt mục tiêu xây dựng các công viên đô thị đạt diện tích trung bình 3,92 m2/người, vườn hoa ở cấp đơn vị đạt 1 m2/người. Tuy nhiên, thực tế, để đạt được mục tiêu này đang cần đến nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan liên quan.
Có thể thấy rằng, câu chuyện chiếm dụng các địa điểm công cộng nêu trên không mới tại Thủ đô, vì đã và đang tồn tại lâu nay ở nhiều quận nội đô, song chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù các địa phương đã có những cố gắng xử lý vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, gia tăng sau những dịp lễ, Tết.
Do đó, các cơ quan chức năng của thành phố ngoài việc cần tăng cường xử lý, gắn trách nhiệm với chính quyền các phường sở tại để vi phạm phải được xử lý dứt điểm, tránh tình trạng thiếu hiệu quả như hiện nay.