Cần rà soát, sửa đổi các luật về phòng, chống thiên tai
Theo các chuyên gia, nhu cầu cấp bách hiện nay là bảo vệ an toàn cho người dân trong đó có nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em
Bài liên quan
Tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai từ ngày 15-22/5 hàng năm
Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2019
Khơi mở nguồn lực, tăng tốc phát triển cho Hà Nội
Trồng cây, trồng rừng góp phần chủ động phòng chống thiên tai (*)
Ông Vũ Xuân Thành, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương Phòng chống Thiên tai cho rằng: Thực tiễn của diễn biến thiên tai, những tác động bất lợi của thời tiết do biến đổi khí hậu và yêu cầu thực tiễn về phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho thấy vẫn còn những yêu cầu cần giải quyết nhưng chưa được pháp luật hiện hành đề cập đầy đủ hoặc có đề cập nhưng không còn phù hợp. Đây là những khoảng trống cần được xem xét bổ sung. Do đó, việc rà soát, bổ sung điều chỉnh các Luật và văn bản quy phạm pháp luật nói chung trong đó có Luật Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ cần thiết để các văn bản đó hoàn thiện, đồng bộ hơn giúp nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động.
Nói về sự cần thiết của việc rà soát, sửa đổi các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai, TS. Bùi Nguyên Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão cho rằng: Do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai phát sinh những yêu cầu mới cần có những quy định phù hợp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi cũng nhằm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác mới ban hành, tạo thành hệ thống các văn bản pháp quy đầy đủ, đồng bộ. Nội luật hóa những cam kết quốc tế có liên quan đến các hoạt động phòng, chống thiên tai mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Dẫn chứng về tình hình thiên tai tại Việt Nam trong những năm qua, TS. Bùi Nguyên Hồng nói: Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại nước ta như: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy, động đất, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại,…Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng có những diễn biến bất thường và phức tạp hơn, đó là sự đa dạng về loại hình, gia tăng về cường độ và tần suất. Do đó, việc rà soát, sửa đổi những quy định còn bất cập liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết trong bối cảnh mới.
Chỉ ra những tồn tại trong vấn đề hiểu biết các chiến lược, văn bản pháp lý, chương trình quốc gia liên quan đến phòng, chống thiên tai tại Việt Nam, TS. lan Wilderspin - chuyên gia tư vấn độc lập khuyến nghị: Việt Nam cần rà soát tất cả các luật và văn bản pháp lý có liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai, xác định các vấn đề cần được ưu tiên điều chỉnh. Đồng thời, dự thảo các hướng dẫn ngắn gọn về quản lý rủi ro thiên tai cho các địa phương theo định hướng chuyển từ tập trung vào ứng phó thiên tai sang giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải thích rõ cơ chế phòng chống thiên tai để củng cố khung giám sát và đánh giá tổng hợp cho các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhằm theo dõi tiến độ.
Theo ý kiến của các chuyên gia, nhu cầu cấp bách hiện nay là bảo vệ an toàn cho người dân trong đó có nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em trước tác động của thiên tai. Các kết quả đạt được thông qua việc rà soát sẽ là cơ sở để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung những khoảng trống về luật pháp để điều chỉnh hiệu quả các hoạt động phòng, chống thiên tai chưa được pháp luật quy định, luật hóa những nội dung liên quan của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, điều chỉnh những nội dung liên quan đã được qui định trong các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về phòng chống thiên tai.