Cần đào tạo lại cho người lao động thay vì chỉ hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp
Người hưởng và số tiền hưởng lớn nhất từ khi thành lập Quỹ BHTN
Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong khi đó thời gian qua, nguồn thu mở rộng, chi thấp, tích lũy nhiều năm cộng dồn khiến kết dư Quỹ BHTN lên hơn 89.000 tỷ đồng.
Xuất phát từ thực tế đó, nhằm phát huy hết vai trò của chính sách BHTN, giúp người lao động đảm bảo, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về việc chi trả một khoản tiền lớn trợ cấp thôi việc, người lao động mất việc làm, ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN.
Theo quyết định này, dựa trên thời gian đã đóng BHTN của người lao động tại thời điểm ngày 30/9/2021 nhưng chưa được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động được hưởng hỗ trợ một lần bằng tiền.
Cụ thể, người lao động có thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng, hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người; từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng, hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người; từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng, hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người; từ đủ 132 tháng trở lên được hưởng mức hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.
Đoàn người lao động không có việc làm buộc phải di chuyển từ phía Nam về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Theo quy định trên, anh Vàng Mí Chá (ở Đồng Văn, Hà Giang) được hỗ trợ 2,1 triệu đồng. Anh Chá chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải vào Bình Dương để làm công nhân. Nhưng thời gian vừa qua, dịch bệnh phức tạp, nên sau 2 tháng thất nghiệp, cuộc sống khó khăn, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi và nhiều công nhân khác được tạo điều kiện về quê. Mặc dù phải đi xe máy quãng đường dài, đi xuyên đêm, nhưng đi đến đâu chúng tôi cũng được giúp đỡ nhiệt tình, được phun khử khuẩn, đo nhiệt độ, khai báo y tế. Vui mừng hơn, nhờ chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt, tôi còn được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng do có thời gian hơn 2 năm tham gia BHTN tại công ty ở Bình Dương”.
Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đợt ba, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng (Lục Nam, Bắc Giang) ở Bắc Giang được hỗ trợ nhiệt tình để trở về quê. Anh Tùng chia sẻ: “Do vợ chồng tôi đều làm công nhân ở trong khu công nghiệp miền Nam nên khi dịch bệnh bùng phát, hai vợ chồng không còn cách nào khác lại phải trở về quê, mang theo con nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Tôi biết đây là khó khăn chung của cả nước, nên được tạo điều kiện về quê đã là niềm vui rất lớn rồi.
Vui mừng hơn là tháng 10, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lại tiếp tục được hỗ trợ tiền mặt để vượt qua khó khăn vì dịch bênh. Tôi và vợ tôi, mỗi người được 2,1 triệu đồng. Số tiền tuy không đủ trang trải tất cả chi phí sinh hoạt của gia đình nhưng là nguồn động viên rất lớn, giúp người lao động như vợ chồng tôi nói riêng, những người lao động bị mất việc làm do dịch nói chung có thêm niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn”.
Trao “cần câu” hơn là chỉ trợ cấp tiền một lần
Hiện nay theo quy định của Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Với quy định, nhiều năm qua đã có rất nhiều lao động thất nghiệp, mất việc làm được hưởng lợi.
Bên cạnh mặt tích cực, thì quy định trên lại “vô tình” tạo kẽ hở để lao động lợi dụng chính sách để hưởng BHTN, gây ra tình trạng biến động lao động khiến doanh nghiệp sử dụng lao động gặp khó khăn.
Thực trạng này diễn ra phổ biến ở lao động trẻ. Nhiều người lợi dụng chính sách chỉ đi làm đủ 12 tháng để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người thậm chí, lại đi xin việc làm tiếp 12 tháng rồi lại nghỉ.
Để tránh tình trạng người lao động lợi dụng chính sách, nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi luật theo hướng làm từ đủ 12 - 24 tháng được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 1 tháng.
Cùng với đó, về hướng lâu dài, cần chú trọng đến đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động thất nghiệp, có nguy cơ bị thất nghiệp, mất việc làm. Điều này để trao “cần câu” cho người lao động.
Thực tế, thời gian qua nhiều người lao động thất nghiệp chưa “mặn mà” với việc đào tạo nghề. Phần lớn họ cho rằng nghề có trong danh sách hỗ trợ không thiết thực, thời gian đào tạo ngắn, tiền hỗ trợ ít không đủ để chuyển đổi sang nghề phù hợp với thị trường; việc đào tạo còn chung chung, ồ ạt nên chưa thu hút người lao động.
Một tiết học thực hành ở khoa Công nghệ ô tô, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội |
Ông Phạm Xuân Khánh, Phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện nay nghề phù hợp với thị trường lao động sau khi hết dịch bệnh chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, làm đẹp, điện tử - điện lạnh…
Những ngành nghề gắn với kinh tế số và nghề đáp ứng được nhu cầu thực tế thì luôn luôn “hot” và thu nhập sẽ cao, cần nhiều lao động. Vì thế, năm học 2021 – 2022, nhà trường tập trung tuyển sinh, thu hút học sinh, sinh viên những ngành nghề này để đào tạo lao động có trình độ, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động.
Trước khi đăng ký, các bạn trẻ đều tìm hiểu rất kỹ về ngành nghề và nhu cầu nhân lực thực tế, với mong muốn học xong có việc làm ngay, nên đã chọn đúng những ngành mà thị trường đang rất cần. Nhiều bạn đã kiếm được việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường với mức thu nhập không hề nhỏ.
Đặc biệt, nhà trường có liên kết đào tạo đặt hàng với nhiều đơn vị, doanh nghiệp nên chắc chắn 100% ra trường sẽ làm việc tại doanh nghiệp với mức lương như mong muốn”.
Có thể thấy rằng, việc trợ cấp học nghề cho người lao động thất nghiệp là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhưng việc hỗ trợ cần sát hơn với thực tế, để chính sách phát huy hiệu quả, không phải làm cho có, làm chung chung, vừa tốn thời gian mà người cần giúp lại không được giúp.