Cần có chính sách điều tiết, cơ cấu lại thị trường bất động sản
Chiều 19/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Tại tổ 4 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế và TP Hải Phòng, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ vai trò điều tiết của Nhà nước, bảo đảm tính dẫn dắt định hướng của Nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Theo tờ trình của Chính phủ, so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo luật lần này quy định về điều tiết thị trường bất động sản và nội dung mới được quy định nhằm điều tiết, bình ổn thị trường bất động sản trong các trường hợp khi tăng trưởng "nóng", "đóng băng".
Bên cạnh đó, dự thảo có điều chỉnh, bổ sung quy định về nội dung quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; Xử lý vi phạm; Trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và địa phương.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, quy định của dự thảo luật về việc Nhà nước điều tiết khi có biến động là chưa đủ mạnh.
Đại biểu Minh dẫn chứng thực tế thị trường bất động sản ở một số quốc gia khác và cho biết như tại Trung Quốc hiện dư thừa hơn 30 triệu ngôi nhà chưa bán được hoặc có những căn nhà đã bán nhưng không có người ở… gây lãng phí.
Do đó, đại biểu Minh cho rằng cần có quy định về việc điều tiết của Nhà nước một cách tốt hơn và sớm hơn bởi nếu chỉ điều tiết khi thị trường có biến động là sẽ không kịp.
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) |
Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, dự thảo luật cũng cần có các quy định về phương pháp điều tiết của Nhà nước như có chính sách về thuế nhằm hạn chế tính trạng đầu cơ nhà ở, hay quy đinh về thủ tục hành chính để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lâu dài.
Ông Minh cũng cho biết thêm, khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở, các đại biểu quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, trong trường hợp Nhà nước có sự điều tiết tốt thì chỉ những người có nhu cầu thực sự mới mua nhà ở xã hội và sẽ không còn cảnh người không có nhu cầu nhưng vẫn mua để đầu cơ, mua bán sang tay, mua đi bán lại.
Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ sự cần thiết của việc có những quy định mang tính chất dẫn dắt, định hướng, bảo đảm vai trò của Nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Đại biểu Lê Thanh Vân dẫn chứng thực tế có những thời điểm khủng hoảng liên quan đến thị trường bất động sản có phần nguyên do sự dẫn dắt của Nhà nước chưa rõ ràng.
Theo ông Vân, thị trường bất động sản hiện nay sa vào phân khúc cao cấp bởi lợi nhuận thu được của nhà đầu tư, nhà phân phối và đầu cơ cá nhân lớn khiến giá bất động sản lên cao. Thị trường phát triển quá nóng, mật độ nhà cao cấp nhiều trong khi số lượng người thực sự cần không nhiều.
Mặt khác, giá trị tài sản lại lớn, dòng tiền của xã hội đổ nhiều vào đây. Trong khi đó, nhà ở bình dân, nhà cho công nhân, người có thu nhập thấp nhu cầu rất cao thì lại không được đầu tư nhiều. Như vậy, ông Vân cho rằng, ở đây thiếu sự điều tiết của chính sách vĩ mô.
Đồng quan điểm, đại biểu Tống Văn Băng (đoàn Hải Phòng) đề nghị đối với việc Nhà nước điều tiết thị trường bất động sản khi thị trường mất cân đối cung cầu thì cần làm rõ khi nào mất cân đối, phạm vi mất cân đối, giai đoạn mất cân đối và chênh lệch ở mức nào thì được xác định là mất cân đối của thị trường để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Cùng quan điểm với các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định cơ cấu lại thị trường bất động sản. Do đó, dự án luật phải thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thị trường bất động sản.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, nghị quyết yêu cầu cơ cấu lại thị trường bất động sản nghĩa là hiện nay cơ cấu thị trường chưa thực sự hợp lý. Vậy luật này góp phần cơ cấu lại thị trường này thế nào?
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện các phân khúc trong cơ cấu thị trường bất động sản không hợp lý trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương. Theo đó, phân khúc cao cấp thì quá nhiều, nhà ở xã hội đến nay mới coi trọng nhưng lại chưa có chính sách đột phá, do đó, cần có chính sách để điều tiết, cơ cấu lại thị trường.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ thực trạng hiện nay thị trường bất động sản có nhiều vấn đề như báo chí vẫn thường sử dụng các cụm từ “bong bóng bất động sản”, “thị trường bất động sản đóng băng” hay “thị trường phát triển nóng”…
"Vấn đề đặt ra là ban hành luật mới có phát huy được những kết quả đã đạt được, góp phần tháo gỡ vướng mắc để thị trường phát triển lành mạnh, lâu dài", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.