Cách làm hay giúp người lao động nộp bảo hiểm xã hội kịp thời
Nông trường 720 - Binh đoàn 16 là đơn vị thực hiện nhiệm vụ kinh tế quốc phòng đóng quân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng thuộc phạm vi của Luật bảo hiểm rất đa dạng, gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan binh sỹ, công nhân viên quốc phòng và lao động hợp đồng.
Cán bộ Nông trường 720 hướng dẫn người lao động chăm sóc hồ tiêu và lồng ghép tuyên truyền thực hiện các quy định về bảo hiểm |
Có đồng chí đã trải qua nhiều cương vị, chức trách và đơn vị công tác. Do điều động luân chuyển nên việc quản lý hồ sơ còn bị thất lạc, mất mát và thiếu đồng bộ, gây không ít khó khăn cho công tác thẩm định và giải quyết các chế độ bảo hiểm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác bảo hiểm là quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chính sách bảo hiểm trong quân đội là một trong những mặt, những khâu quan trọng để xây dựng nhân tố con người, một trong những yếu tố quyết định đến khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của quân đội.
Đảng ủy - Ban Giám đốc Nông trường và các cấp ủy đảng trong đảng bộ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc quán triệt Luật bảo hiểm, các nghị định của Chính phủ và các chỉ thị, hướng dẫn của bảo hiểm Bộ Quốc phòng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, đề cao trách nhiệm trong triển khai tổ chức thực hiện.
Trong lãnh đạo nhiệm vụ hàng năm, song song với lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, Đảng uỷ luôn đặt nhiệm vụ lãnh đạo về thực hiện chế độ bảo hiểm lên ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đồng thời ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác bảo hiểm.
Trung tá Vũ Văn Giang - Phó Giám đốc Nông trường, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở cho biết: “Đảng ủy, Ban Giám đốc Nông trường, Công đoàn cơ sở luôn tìm mọi biện pháp để bảo đảm các chính sách xã hội kịp thời, giúp người lao động yên tâm công tác”.
Cán bộ Nông trường 720 tuyên truyền về chính sách bảo hiểm cho người dân |
Thực hiện chỉ đạo của cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng đã tích cực trong xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức các lớp tập huấn, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hướng dẫn triển khai thực hiện thống nhất trong toàn cơ quan.
Cấp ủy, chỉ huy đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm ở đơn vị, phân công cán bộ phụ trách, cụ thể hóa kế hoạch của cấp trên, xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình, đồng thời tập trung chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời rút kinh nghiệm.
Những năm qua, công tác bảo hiểm của đơn vị đã đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng công tác bảo hiểm ngày càng nâng cao, thiết thực góp phần chăm lo bảo đảm đời sống, chính sách cho đối tượng cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, công nhân; Phối hợp với địa phương làm thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và đúng thời gian, kịp thời cho các đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định được sử dụng thẻ đúng tuyến.
Đồng chí Hà Thị Anh - Chủ tịch Công đoàn bộ phận đội sản xuất 3 tâm sự: “Người lao động rất yên tâm nhờ được sự tạo điều kiện giúp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm hàng tháng, việc trả lại tiền đơn vị đã đóng cho người lao động tiến hành khi có sản phẩm thu hoạch”.
Công tác phối kết hợp giữa cơ quan chính trị, ban chấp hành công đoàn, cơ quan lao động tiền lương và bệnh xá luôn được gắn kết chặt chẽ. Hàng tháng trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đều có chương trình hành động chung, nội dung chương trình hành động đều phân rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp, việc lập danh sách các đối tượng nghỉ ốm, nghỉ thai sản, tai nạn lao động đều có xác nhận của các cơ quan liên quan; Không có biểu hiện kê khai khống trong bảo hiểm cũng như không để sót các đối tượng được hưởng quyền lợi.
Công tác sơ tổng kết luôn được làm thường xuyên, lồng ghép vào các đợt phát động thi đua của đơn vị, lấy chỉ tiêu về thu nộp và chấp hành các quy định về bảo hiểm là một trong những tiêu chí của phong trào thi đua.
Anh Nguyễn Hữu Công, công nhân mới vào đơn vị chia sẻ: “Với hai bàn tay trắng, được tuyển vào làm công nhân, tôi được đơn vị tạo điều kiện nhận khoán vườn cà phê, cho ứng vật tư, phân bón, giúp tôi thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm hàng tháng. Khi cà phê thu hoạch, ngoài nộp phần sản lượng giao khoán, tôi bán lại cho nông trường không bị tư thương ép giá, đồng thời hoàn trả lại các khoản nông trường đã ứng giúp tôi. Tôi rất yên tâm công tác”.
Mặc dù công tác thu nộp bảo hiểm ở một số đơn vị có lao động hưởng lương từ sản phẩm hết sức khó khăn, đặc biệt là sản phẩm theo mùa vụ, giai đoạn. Đối với nông trường 720 là đơn vị sử dụng người lao động chủ yếu vào việc tham gia nhận khoán vườn cây. Lực lượng này trình độ văn hóa đại đa số mới hết phổ thông cơ sở, một số là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ mới qua tiểu học. Thu nhập của người lao động dựa vào nguồn thu từ sản phẩm vượt khoán vườn cây cà phê, vườn điều.
Để kịp thời thu, nộp bảo hiểm đúng quy định, đơn vị đã bàn bạc thống nhất với người lao động thông qua hội nghị người lao động được người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở ký kết bằng thỏa ước lao động tập thể.
Theo đó, hàng tháng người sử dụng lao động sẽ ứng tiền đóng bảo hiểm cho người lao động, khi người lao động có sản phẩm thu hoạch sẽ thanh toán bằng cách bán lại cho đơn vị. Cách làm này giúp người lao động kịp thời đóng được bảo hiểm, yên tâm công tác gắn bó đơn vị, đồng thời đơn vị cũng quản lý sản phẩm được chặt chẽ.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” đó là phương châm hành động của cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Nông trường 720 - Binh đoàn 16 góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận sản xuất, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân xóa đói, thoát nghèo, xây dựng tình quân dân “cá - nước” ngày càng bền chặt nơi núi rừng cao nguyên hùng vĩ.