Bánh tẻ Phú Nhi: Thương hiệu OCOP nổi tiếng xứ Đoài
Làng nghề làm bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Bánh tẻ, có nơi gọi là bánh răng bừa vì có hình dáng giống cái răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong hay lá chuối và được luộc cho chín.
Theo người dân Phú Nhi, bánh tẻ có từ lâu đời. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Bánh tẻ Phú Nhi được nhắc đến từ khi khánh thành ngôi đình làng Phú Nhi (năm 1802 - niên hiệu Gia Long nguyên niên), Nhân dân làm bánh dâng cúng thành hoàng làng. Đây là loại bánh được đánh giá là một lễ vật rất đơn sơ, giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống thường ngày của Nhân dân và dần trở thành một món ăn, một tặng phẩm không thể thiếu trong các dịp tết, lễ hội truyền thống của quê hương Phú Nhi.
Bánh tẻ được nhiều người biết đến và trở thành đặc sản của làng Phú Nhi. Nguyên liệu làm bánh là những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống người nông dân như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành… và lá dong, lá chuối để gói bánh.
![]() |
Bánh tẻ Phú Nhi không chỉ là sản vật của xứ Đoài (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) mà đã là thương hiệu có tiếng tại Việt Nam, được du khách bốn phương biết đến |
Để bánh trắng, thơm ngon người làng chọn thứ gạo ngon chứ không phải gạo thường. Trước hết, gạo đem ngâm nước cho nở, xay thành bột rồi đem ngâm nước khoảng 3 - 4 ngày vào mùa Hè, 4 - 5 ngày vào mùa Đông. Trong thời gian ngâm phải thay nước hàng ngày, gạn bỏ nước cũ thay bằng nước mới, mỗi khi thay nước phải khuấy đều bột để bột không bị chua và nhão.
Khi đã đủ thời gian ngâm, múc bột ra, cho một ít muối vào, gạn sạch nước cũ để khử chua bột. Sau đó thứ bột này phải đun lên cho đặc lại, có độ dính như keo, vừa đun và quấy đều, đảo bằng cả hai tay cho bột mềm, mịn, tránh vón cục và đặc biệt là bột không được chín hoặc khê, công đoạn này người ta gọi là “ráo bột.” Khâu ráo bột cực kỳ quan trọng trong quá trình làm bánh, bánh có ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được ráo. Phú Nhi có bí quyết riêng trong khâu ráo bột nên bánh tẻ ở đây có hương vị độc đáo.
Tiếp đến là công đoạn làm nhân bánh. Nhân bánh tẻ làm đơn giản nhưng không thể làm qua loa, vì nhân là linh hồn của bánh. Thịt ba chỉ ngon băm nhỏ, hành khô bóc vỏ băm nhỏ, mộc nhĩ ngâm cho nở, thái chỉ. Tất cả trộn đều ướp gia vị vừa đủ, thêm chút hạt tiêu cho thơm. Sau khi hỗn hợp đã ngấm gia vị cho lên bếp xào chín.
![]() |
Để làm ra những chiếc bánh tẻ dẻo, thơm, ngon, phải nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và bí quyết riêng của người dân làng Phú Nhi |
Khi công đoạn làm nhân bánh và ráo bột đã xong, tiến hành gói bánh. Người Phú Nhi thường dùng lá dong và lá chuối để gói. Lấy một lượng vừa phải thứ bột cô đặc đó đặt lên một hoặc hai tờ lá dong công đoạn này gọi là “ra bột.” Lấy hỗn hợp thịt đặt lên lớp bột và ấn sâu xuống để bột phủ lên thịt, thường là theo hình thuôn dài, cuốn lá dong ngoài bánh, lớp lá ngoài cùng là lớp lá chuối. Bánh được buộc lại bằng lạt hoặc dây chuối khô, sau đó đem hấp khoảng 30 phút là chín.
Bánh ăn ngon nhất là khi vừa mới vớt ra. Bóc vỏ lá xanh, chiếc bánh trắng ngần, mùi thơm nhân thịt tỏa ra như chào mời thực khách. Bánh ăn nóng chấm với nước mắn ngon, thêm chút tiêu thì càng ngon hơn hoặc chấm với tương ăn rất ngon.
Bánh tẻ là thứ quà quê chân chất mộc mạc, thứ bánh mà ai cũng có thể thưởng thức. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Đây cũng là Làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây. Đó chính là niềm tự hào của người dân quê khi đã gìn giữ và phát triển đặc sản của quê hương thành sản phẩm làng nghề bán được trên thị trường.
![]() |
Ngày nay, bánh tẻ Phú Nhi nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội mà còn được nhiều người ở các tỉnh thành biết đến |
Năm 2010, Làng nghề Phú Nhi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu "Bánh tẻ Phú Nhi". Đó là một triển vọng và cơ hội để những người dân trong làng có thể tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống.
Hiện trong làng có đến 100 hộ chuyên sản xuất bánh tẻ với mục đích kinh doanh. Có những gia đình sản xuất trung bình 1.000 – 2.000 chiếc mỗi ngày. Bánh tẻ Phú Nhi được làm hàng ngày, các hộ dân trong làng đã năng động mở rộng thị trường phân phối bánh tẻ đến khắp Hà Nội, tham gia các lễ hội ẩm thực của Thủ đô. Ngoài ra, bánh tẻ còn được bán online cho khách hàng khắp nơi, bánh tẻ cũng là món quà quê tại các điểm du lịch của Đường Lâm như chùa Mía, đình Mông Phụ, đền Và..
Ngày nay, bánh tẻ Phú Nhi nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội mà còn được nhiều người ở các tỉnh thành biết đến. Mỗi khi đến Phú Nhi, người ta coi đây là thứ quà quê giá trị để mang về biếu, tặng.
![]() |
Hội thi Bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi lần thứ 2 năm 2025 sẽ được UBND phường Phú Thịnh tổ chức vào sáng ngày 1/3/2025 |
Được sự quan tâm đầu tư, khuyến khích của Thị ủy – HĐND – UBND thị xã Sơn Tây, Hội thi Bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi lần thứ 2 năm 2025 sẽ được UBND phường Phú Thịnh tổ chức vào sáng ngày 1/3/2025 (thứ bảy), tức ngày 2/2 âm lịch tại sân khấu Phố đi bộ thị xã Sơn Tây.
Theo đó, 10 đội thi sẽ trải qua 3 phần thi gồm: Lời chào hội thi, Khéo tay làm bánh và Bánh đẹp – bánh ngon. Đặc biệt, trong hội thi năm nay, một mâm bánh khổng lồ sẽ được dâng hương tại đình Phú Nhi và diễu hành ra phố đi bộ. Đồng chí Trương Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh cho biết: “Hội thi được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống; nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất bánh tẻ trong làng và là dịp quảng bá sản phầm bánh tẻ truyền thống từng bước đưa sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Lễ công bố MICHELIN Guide Hà Nội - TP HCM - Đà Nẵng sẽ diễn ra vào ngày 5/6

Festival Phở 2025: Di sản phở Việt bước vào kỷ nguyên số

Khám phá Ninh Thuận tại Tuần lễ Văn hóa, Ẩm thực 2025

Người Azerbaijan yêu thích ẩm thực Việt ngay từ lần đầu tiên thưởng thức

Quảng bá du lịch ẩm thực tại lễ hội Đà Nẵng Food Tour 2025

Câu chuyện kết nối cộng đồng qua ẩm thực của Bác 2 Voi

NOBU đánh dấu lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam với dạ tiệc Four Hands

Golden Farm nổi bật với thiết kế gian hàng ấn tượng

Những điểm hẹn ẩm thực mùa xuân
