"Bốc đầu xe khoe Facebook" không phải là "chiến tích"
Gần đây nhất, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vừa ra quyết định xử phạt 4,75 triệu đồng nam thanh niên bốc đầu xe máy trên địa bàn.
Công an thành phố Hà Nội nhận được phản ánh của người dân về việc tài khoản Tiktok đăng tải clip 2 nam thanh niên "bốc đầu" xe máy, không đội mũ bảo hiểm gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực huyện Chương Mỹ.
Tiến hành xác minh, Công an huyện Chương Mỹ đã làm rõ người điều khiển xe trong clip là P.X.C (sinh năm 2003, ở Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội) và người ngồi sau là N.H.V (sinh năm 2004, ở Mỹ Lương, Chương Mỹ, Hà Nội).
Thanh niên 2K ở Chương Mỹ vừa bị "phạt nguội" vì đăng clip bốc đầu xe máy lên Facebook |
Công an huyện Chương Mỹ đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với P.X.C về các lỗi: Điều khiển xe mô tô không biển kiểm soát; Không đội mũ bảo hiểm; Điều khiển xe mô tô chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh; Điều khiển xe mô tô không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển. Tổng mức tiền phạt đối với P.X.C là 4,75 triệu đồng.
Trường hợp như C không phải hiếm gặp. Chỉ tính thời gian gần đây nhất, lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội đã xử phạt nhiều trường hợp tương tự.
Điển hình là ngày 10/6, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt nam thanh niên T.B.T.L (sinh năm 2003, ở Ngọc Lâm) điều khiển xe máy “bốc đầu” khi tham gia giao thông trên địa bàn với số tiền 4,2 triệu đồng.
Còn ngày 16/6, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt Đ.G.H (sinh năm 2008, ở phường Phúc La) liên quan đến việc điều khiển xe máy “bốc đầu” khi tham gia giao thông trên địa bàn.
Trong "danh sách" bị phạt "nguội" qua hình ảnh, Công an huyện Hoài Đức cũng đã triệu tập, xử phạt nam thanh niên ở xã Lại Yên vì đăng video khoe bốc đầu xe máy với tổng số tiền 4,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng.
Đáng nói, có những trường hợp đã bị xử lý về hành vi "bốc đầu xe khoe Facebook" như H.G.M (sinh năm 2003, ở Phú Nghĩa, Chương Mỹ) nhưng chỉ vài tháng sau Công an huyện Chương Mỹ lại phải triệu tập M khi clip vi phạm giao thông của M được đăng tải trên mạng xã hội.
Có thể nhận thấy, điểm chung của những trường hợp này là các "tổ lái" đều còn rất trẻ. Các nam thanh niên này nhờ bạn đi cùng ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông rồi đăng lên tài khoản mạng xã hội để khoe với bạn bè.
Theo phân tích của các nhà tâm lý, ở tuổi này, các em dễ bị tác động từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi và gây ra những hành vi vi phạm pháp luật như: Gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, trộm cắp, đua xe mạo hiểm…
Đây là lúc các em rất cần sự hướng dẫn của người thân trong gia đình, nhà trường... Chính sự quan tâm đó sẽ giúp các em nhanh chóng có được những định hướng tích cực, dần thay đổi hành vi trong xã hội. Theo đó, cha mẹ, anh chị em trong gia đình nên khuyến khích các em tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy, nhất là nâng cao văn hóa ứng xử, chọn lọc nội dung khi sử dụng mạng xã hội...
Bạn Lê Minh Sơn, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Theo mình, thời nay giới trẻ đang ngày càng có xu hướng thích thể hiện bản thân mình hơn. Họ tung "chiến tích" lên mạng xã hội để người khác chú ý đến mình, muốn để cho người ta thấy mình không bị nhạt nhòa trong xã hội. Một phần nữa là họ muốn thể hiện cái tôi quá đà, lệch lạc trong tư duy lối sống; Phần còn lại do giáo dục không hoàn thiện của gia đình, nhà trường, xã hội khiến giới trẻ bức bối, muốn thể hiện hết mình bất chấp mọi thứ”.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng đội tuyên truyền giải quyết khám nghiệm tai nạn, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, những hành vi như bốc đầu xe, đua xe... vi phạm Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Vì thế, lực lượng chức năng phát hiện trực tiếp hay gián tiếp đều xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những trường hợp "khoe chiến tích vi phạm" trên mạng xã hội thường là các bạn trẻ. Vì thế, cách tốt nhất để kiềm chế, hạn chế thấp nhất tình trạng này là tuyên truyền sâu rộng về các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông mà giới trẻ thường gặp phải. Những lỗi này không chỉ tiền mất mà tật còn mang; Nhẹ thì mất tiền của bản thân, gia đình, nặng thì mất mạng, tàn phế...