Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tỷ lệ lao động xuất khẩu bỏ trốn đã giảm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Bài liên quan
Không thể để “bộ não” của người Việt ở nước ngoài
Chính phủ kiên quyết không đầu tư các dự án nâng cấp đường độc đạo theo BOT
Hôm nay (15/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng 15 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn tại Phiên họp thứ 36
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) phản ánh về thực trạng, nhiều người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài đang phải trả chi phí cao hơn so với mức trung bình của các nước ASEAN. Bên cạnh đó, tình trạng người lao động bỏ trốn vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ trách nhiệm của Bộ và các giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, về cơ bản, Bộ và các cơ quan liên quan đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Trong những năm trở lại đây, số lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động đã tăng nhanh. Năm 2007 có khoảng 100.000 người đi xuất khẩu lao động, năm 2017 con số này là 127.000 người và đến năm 2018 đã tăng lên mức 143.000 người. Địa bàn xuất khẩu lao động được mở rộng thêm nhiều nước như Australia, Rumania, Séc... Các lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng thuận lợi hơn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam. Việc đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài từ thụ động đã trở nên chủ động hơn.
Về vấn đề môi giới xuất khẩu lao động, Bộ trưởng khẳng định, Bộ đã siết chặt các quy định về môi giới và cơ bản, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều thực hiện đúng. Chi phí đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đang cao hơn một số nước là đúng, vì tại nhiều nước, doanh nghiệp chỉ thực hiện xong việc môi giới là xong, còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, ngoài việc môi giới vẫn có trách nhiệm quản lý và tham gia xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình người lao động ở nước ngoài.
Về tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại, Bộ trưởng cho biết, thực trạng này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Thời điểm cao nhất là vào năm 2016, với tỷ lệ khoảng 55% lao động ở lại. Phía Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp như yêu cầu đóng quỹ ở Việt Nam và phối hợp với phía Hàn Quốc siết chặt quản lý lao động.
“Đây là lỗi của cả hai bên. Lỗi về phía chúng ta cũng có, nhưng lỗi từ phía doanh nghiệp nước bạn cũng có. Thậm chí, có doanh nghiệp nước bạn còn đào hầm cho người lao động bỏ trốn và ở lại. Tuy nhiên, qua 3 năm quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, tỷ lệ này đã giảm mạnh từ 55% xuống còn 33%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.