Bình Thuận - Bài 3: Tuyến đường tránh 50 tỷ đồng “hỏng rồi vá, vá lại hỏng”, lỗi do ai?
Tuyến đường liên tục hỏng và phải sữa chữa.
Bài liên quan
Bình Thuận - Bài 1: Tuyến đường tránh 50 tỷ đồng vá tới vá lui, hỏng vẫn hoàn hỏng
Bình Thuận - Bài 2: Đi tìm nguyên nhân đường tránh Quốc lộ 55 “hỏng rồi vá, vá lại hỏng”
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin phản ánh của người dân về chất lượng tệ hại tuyến đường tránh Quốc lộ 55 qua thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) dài gần 5 km, bề rộng nền đường 21m, được đầu tư xây dựng hơn 50 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư Xây dựng 886 - Thành Nam (trụ sở TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tập đoàn Rạng Đông (trụ sở TP Phan Thiết, Bình Thuận) là đơn vị thi công.
Khi đưa vào sử dụng, người dân kỳ vọng vào một tuyến đường chất lượng, giảm tải áp lực giao thông, thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, chỉ mới sử dụng được một thời gian ngắn, tuyến đường đã nhanh chóng xuống cấp, được sửa chữa nhiều lần nhưng cảnh ổ gà, ổ voi liên tục tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, khiến người dân vô cùng ngao ngán.
Tuyến đường liên tục hỏng và phải sữa chữa. |
Theo tìm hiểu, dự án tuyến đường tránh thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) từ Km94+170 đến Km98+521 dài khoảng 4,3Km. Trong đó, đoạn Km94+170-Km96+300 dài khoảng 2,1km do Công ty Cổ phần Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) thi công, chiều rộng mặt đường 12m, chiều rộng nền đường 16m. Đoạn từ Km96+300-Km98+521 dài khoản 2,2km do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 886 – Thành Nam thi công.
Chủ đầu tư dự án là Sở Giao thông vận tải Bình Thuận; đơn vị Tư vấn giám sát là Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam. Còn đơn vị Tư vấn thiết kế là liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông 1 - CIENCO 1 và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533.
Nhìn nhận về nguyên nhân xuống cấp của tuyến đường tránh Quốc lộ 55 (huyện Hàm Tân), một cán bộ thuộc Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn cần phải mời các chuyên gia khảo sát và có ý kiến độc lập để tìm ra nguyên nhân chính xác, việc xử lý sự cố mới triệt để, còn các trám vá hiện chỉ là giải pháp tình thế.
Cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị tư vấn. |
“Tuyến đường mới đưa vào sử dụng vài năm mà sửa chữa liên tục có thể là do thi công ẩu từ phần nền đến móng và mặt đường. Nếu làm đúng thiết kế, đầm chặt thì không lún và mặt đường không ổ gà, ổ voi như vậy. Ngoài ra, khi làm mặt đường, đơn vị thi công có thể đã đưa các thành phần không đúng vào pha trộn, nhiệt độ từ khi trộn đến khi thảm không đảm bảo; lu làn không đủ lượt”, vị cán bộ đánh giá.
Nói về trách nhiệm, theo vị này đầu tiên phải kể đến là chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công. “Dự án đường giao thông hay nhà ở cũng vậy, chủ đầu tư phải có trách nhiệm quản lý, đôn đốc. Còn nhà thầu thi công phải đảm bảo chất lượng, đúng thiết kế đã được phê duyệt; đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát cũng không thể không có trách nhiệm. Còn nếu đã nghiệm thu xong và đưa vào sử dụng thì cũng phải truy trách nhiệm đơn vị nghiệm thu”, vị này nhận định.
Trụ sở Tập đoàn Rạng Đông. |
Vị này cũng nhấn mạnh: “Các dự án đường xuống cấp tới 90% là do nhà thầu thi công ẩu, vì thế trước khi chọn nhà thầu phải tìm hiểu kỹ năng lực chuyên môn. Nếu lựa chọn không kỹ, khi thi công xong, nghiệm thu cũng qua loa rồi được bàn giao đưa vào sử dụng thì chuyện sữa chữa liên tục là điều tất nhiên, lúc đó lại mất thêm tiền của nhà nước”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn Rạng Đông (một trong hai nhà thầu thi công của tuyến đường tránh Quốc lộ 55) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Bình Thuận, gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Tập đoàn.
Tập đoàn Rạng Đông được thành lập từ đầu năm 1991, hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, khai khoáng, bất động sản, kinh doanh resort. Nói đến Tập đoàn Rạng Đông, nhiều người dân và doanh nghiệp địa phương cho rằng đây là “con cưng” của tỉnh Bình Thuận, bởi tập đoàn này đang được các cấp chính quyền “ưu ái” cho thực hiện rất nhiều án bất động sản, BOT, khai khoáng với quy mô rất lớn, trong đó lùm xùm đang nổi lên là dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với diện lên tới hơn 60 ha nằm ven biển.
(Còn nữa...)
D.Hưng - Văn Huy - Quang Chương - Phạm Mạnh
Bài liên quan
Dự án KĐT Du lịch biển Phan Thiết – Bài 5: Cần xem xét lại Báo cáo của Thanh tra Chính Phủ
Dự án KĐT Du lịch biển Phan Thiết – Bài 4: Có dấu hiệu thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng