Bình Dương sẽ có nhiều thay đổi, phát triển mới hướng tới xây dựng thành phố thông minh
Thị trường bất động sản Bình Dương: Cơ hội đầu tư mới |
- Xin ông chia sẻ về những đóng góp của Sở Xây dựng Bình Dương suốt thời gian qua?
Sau 23 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Bình Dương, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao về vật chất và tinh thần. Ngay sau khi tái lập tỉnh, lãnh đạo tỉnh có chủ trương rất đúng đắn đó là phát triển theo hướng công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại với cơ cấu hợp lý tạo sự thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.
Cùng với quá trình phát triển của công nghiệp, tỉnh có nhiều chính sách về quy hoạch hợp lý để định hướng, phát triển đô thị. So với khi mới tái lập, diện mạo đô thị Bình Dương đã có nhiều thay đổi. Tỉ lệ đô thị hóa lúc tái lập tỉnh năm 1997 khoảng 24%, đến năm 2010 là 32% và đến năm 2020 là khoảng 82%. So với trung bình cả nước theo thống kê của Bộ Xây dựng là khoảng 39%. Tỉnh Bình Dương là một tỉnh thành có tốc độ đô thị hóa cao và nhanh.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương |
Phát triển đô thị tại tỉnh là một quá trình lâu dài, diễn tiến qua nhiều nhiệm kì, đến nay đã đạt được một số kết quả rất tốt. Có thể kể đến hệ thống hạ tầng kĩ thuật gồm đường đô thị, cấp thoát nước đô thị, chiếu sáng đô thị, cây xanh, công viên trong đô thị được đầu tư một cách đồng bộ. Hệ thống dự án công trình hạ tầng xã hội: công trình giáo dục, công trình y tế, công trình văn hóa, các khu vui chơi, các công trình thương mại, dịch vụ, siêu thị… được đầu tư, có kiến trúc rất khang trang, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ngoài ra phải kể đến trong quá trình phát triển đô thị Bình Dương đã thu hút được rất nhiều dự án phát triển đô thị, khu nhà ở cũng như chung cư cao tầng. Tất cả dự án đó đều được quy hoạch chi tiết chặt chẽ, đầu tư bài bản, góp phần làm tăng thêm tính kết nối về hạ tầng kĩ thuật cũng như hạ tầng xã hội trong nội khu của các khu đô thị, kết nối với bên ngoài, khu hạ tầng khung của tỉnh. Từ đó góp phần phát triển hệ thống đô thị của Bình Dương ngày càng khang trang hơn, đẹp hơn, mang lại tiện ích cho người dân trong quá trình sử dụng, sinh sống tại Bình Dương.
Những công trình xây dựng mang đến diện mạo đô thị mới khang trang, hiện đại cho Bình Dương |
Đến nay tỉnh Bình Dương với hệ thống đô thị rất tốt. Tỉnh Bình Dương có 5 đô thị trực thuộc. Đó là đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Thủ Dầu Một đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 1. Bộ Xây dựng công nhận đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên là đô thị loại 3.
Tất cả đô thị của tỉnh khi được công nhận, xếp loại thì có điểm khá cao so với quy định chung của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có những chỉ tiêu còn vượt mức cao nhất so với quy định chung. Điều đó để chứng minh rằng hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội của Bình Dương từ khi tái lập tỉnh đã được đầu tư một cách rất bài bản, mang tính hệ thống để có diện mạo đô thị như ngày hôm nay.
- Để đạt được kết quả tốt như vậy, Bình Dương đã áp dụng những giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?
Đạt được kết quả như trên, ngay từ đầu tỉnh đã có những chính sách, định hướng quy hoạch rất tốt. Cụ thể như: các quy hoạch vùng, quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch chung của các đô thị trực thuộc như: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát đều được lập, thẩm định, phê duyệt. 100% các phường đều được quy hoạch phân khu, kể cả các xã nông thôn mới trực thuộc huyện, thị xã đều được quy hoạch nông thôn mới.
Từ việc định hướng, chính sách, quy hoạch tốt góp phần là cơ sở để thu hút, định hướng phát triển đầu tư cũng như thu hút đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh quy hoạch, tỉnh còn có chương trình phát triển đô thị của cả tỉnh Bình Dương. Cộng với 5 chương trình phát triển của đô thị trực thuộc. Từ 5 chương trình này các địa phương cũng chủ động xây dựng cho mình các kế hoạch để từng bước đầu tư hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, từng bước tiếp cận loại đô thị mình muốn hướng tới để cùng với tỉnh tham mưu, trình Bộ Xây dựng, cơ quan có thẩm quyền công nhận danh hiệu đô thị mà kết quả là Thủ Dầu Một được công nhân là đô thị loại 1, 4 đô thị còn lại là đô thị loại 3.
Đây là quá trình phấn đấu lâu dài của tỉnh Bình Dương qua hơn 20 năm từ khi tái lập tỉnh cho đến nay.
- Ông có thể kể về những công trình mang đến gương mặt mới cho đô thị Bình Dương?
Bình Dương có rất nhiều công trình mang lại bộ mặt mới cho đô thị hiện đại nhưng có thể kể đến một số công trình theo chúng tôi là nổi bật.
Đó là khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương trong đó có khu đô thị quy mô 1000ha hiện đang được triển khai một cách đồng bộ, có quy hoạch lộ trình phát triển. Điểm nhấn của khu đô thị này là công trình Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương có dáng dấp kiến trúc hiện đại, quy mô với hệ thống hạ tầng kĩ thuật xung quanh đồng bộ, có nhiều trung tâm như trung tâm hội nghị triển lãm, công trình hạ tầng vui chơi cho nhân dân phục vụ nhân dân sống xung quanh đây.
Ngoài ra khu đô thị này cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư cũng như các dự án như Sun Casa, các chung cư cao tầng của Becamex - Tokyu…
Hệ thống các công trình khác như chung cư dọc đại lộ Bình Dương đã và đang hình thành như Habitas, các dự án trung tâm thương mại như: Aeon Mall, Lotte cũng đang tạo điểm nhấn cho các đô thị,.
Hiện tỉnh cũng đang thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, có khả năng tài chính cao để phát triển một số đô thị mang tính chất đô thị nén như: ở Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một.
- Xin ông chia sẻ cho độc giả Tuổi trẻ Thủ đô được biết kế hoạch triển khai xây dựng thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương?
Sau quá trình phát triển công nghiệp như vậy, đến năm 2016, trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lãnh đạo tỉnh Bình Dương có chủ trương nghiên cứu và phê duyệt đề án thành phố thông minh Bình Dương 2016-2021. Trong đề án này Sở Xây dựng được ủy ban tỉnh giao đầu tư một số đề án. Đó là dự án hệ thống thông tin địa lý ngành xây dựng (GIS của ngành xây dựng).
Dự án này hoàn thành năm 2019 và đang được vận hành, sử dụng. Dự án tập hợp được tất cả dự án quy hoạch, chuyển từ dữ liệu bản vẽ thành dữ liệu sỗ tất cả cac quy hoạch xây dựng trên địa bàn của tỉnh, lồng ghép vào nhau một cách hợp lý. Ngoài ra hệ thống hạ tầng kĩ thuật như công trình đường đô thị, cấp thoát nước đô thị, chiếu sáng, công viên, cây xanh… đều được cập nhật và số hóa vào dự án này.
Với cơ sở dữ liệu quy mô đồ sộ và mang lại tiện ích cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện cũng như doanh nghiệp quan tâm có thể khai thác thông tin từ dự án này để phục vụ công tác chuyên môn của mình. Ngoài ra, để cho tiện lợi trong việc cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân, Sở Xây dựng cũng đã xây dựng nhiều phần mềm ứng dụng.
Ví dụ như trên trang web của sở có phần mềm để người dân truy cập vào để biết thông tin đối với quy hoạch mình muốn biết hoặc thửa đất của mình. Sở cũng xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động rất tiện lợi cho người dân có thể truy cập thông tin quy hoạch về đất đai trên vùng mà mình muốn tìm.
Những ứng dụng này cũng góp phần vào công tác quản lý nhà nước của ngành Xây dựng trên lĩnh vực hạ tầng kĩ thuật, quy hoạch mà trong thời gian qua.
Trong thời gian sắp tới, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở ngành địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng, Chính phủ phê duyệt theo kế hoạch đã đề ra. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, hợp phần của Sở Xây dựng được giao về hạ tầng kĩ thuật và quy hoạch đô thị chúng tôi cố gắng rà soát, tích hợp tất cả những quy hoạch đã có, đồng thời bổ sung điều chỉnh một số nội dung góp phần vào phát triển hệ thống đô thị của Bình Dương trong giai đoạn sắp tới cũng như góp phần khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong thời gian vừa qua khi các quy hoạch chưa đồng bộ, gây ra sự chồng chéo trong quản lý nhà nước.
Về Đề án thành phố thông minh, vừa qua Thường trực Tỉnh ủy đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo về vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Trong trường hợp đề án này được thông qua, triển khai tôi nghĩ tỉnh Bình Dương sẽ có nhiều thay đổi, phát triển mới trong việc xây dựng thành phố thông minh trong tương lai.
- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!