Bình Dương nỗ lực đẩy lùi tai nạn giao thông
Theo Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông của tỉnh Bình Dương có nhiều chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là kết quả của việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 234 vụ tai nạn giao thông, giảm 97 vụ (giảm 29,31%); Làm chết 110 người, giảm 54 người (giảm 32,93%); Làm bị thương 201 người, giảm 58 người (giảm 22,38%); Làm hư hỏng 404 phương tiện. Trong đó, 3 địa phương (TP Dĩ An, TP Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng) giảm trên 50% số người chết cho tai nạn giao thông.
Tình hình ùn tắc giao thông tại các nút giao lộ trên các tuyến đường trọng điểm của các địa phương có mật độ lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn như TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, TP Thuận An từng bước được khắc phục.
Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; Phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, luật phòng, chống tác hại của rượu bia, đặc biệt là tập trung tuyên truyền vào các dịp cao điểm như lễ, Tết; Vận động xây dựng nếp sống "Văn hóa giao thông".
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông như: Quá tốc độ; Vi phạm nồng độ cồn; ma túy; đi sai làn đường, phần đường; "Cơi nới" thành, thùng xe; Chở hàng quá khổ, quá tải; Chở quá số người quy định; đua xe trái phép. Đặc biệt. lực lượng chức năng xử lý nghiêm lỗi vi phạm nồng độ cồn để răn đe và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông; Qua đó, nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia, không lái xe".
Lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông. (Ảnh: Thảo Lam) |
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương, từ ngày 19/4 đến ngày 4/7/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã thực hiện 2.878 tổ công tác tuần tra kiểm soát với 17.352 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia. Qua kiểm, lực lượng chức năng tra phát hiện 25.857 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 79 tỷ đồng, tước 9.419 giấy phép lái xe (GPLX), bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 10.774 phương tiện các loại. Trong đó, 7.755 trường hợp vi phạm nồng độ cồn phạt tiền hơn 46 tỷ đồng; 3.547 trường hợp vi phạm tốc độ, phạt tiền hơn 10,5 tỷ đồng; 951 trường hợp vi phạm về "cơi nới" thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ, phạt tiền gần 6,2 tỷ đồng; 3.013 trường hợp tránh, vượt sai quy định.
Công an tỉnh Bình Dương đã thành lập Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông và Tổ tuần tra đặc biệt 171 nhằm tăng cường hỗ trợ lực lượng CSGT trong công tác tuần tra, giám sát, phòng, chống tội phạm trên các tuyến đường; kịp thời xử lý các sự cố giao thông, giảm ùn tắc.
Bên cạnh ý thức người chấp hành thì trách nhiệm người thực thi pháp luật góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông. Tỉnh đã ban hành quy định nghiêm cấm các sai phạm, tiêu cực của cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông.
Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; Tất cả các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng nể nang, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Tuy tai nạn giao thông giảm nhưng số người chết do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao ở một số địa phương như TP Thủ Dầu Một, huyện Bàu Bàng. Tai nạn giao thông xảy ra liên hoàn giữa nhiều phương tiện cùng lúc đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) TP Thủ Dầu Một cho biết, thời gian qua, địa phương đã kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức lại giao thông, xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn mất ATGT như "điểm đen" tại ngã ba đường Nguyễn Văn Lộng trên Quốc lộ 13. Tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông chủ yếu xảy ra trên tuyến đường Huỳnh Văn Cù.
Để giảm ùn tắc và các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường này, bà Cúc đề xuất mở rộng đường Huỳnh Văn Cù thêm hai làn xe (hiện tại mỗi phần đường chỉ có hai làn đường). Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần lắp bình tích điện đèn giao thông tại các giao lộ trọng điểm như: Huỳnh Văn Cù – Cách mạng Tháng 8, Mỹ Phước Tân Vạn – ĐT743, Mỹ Phước Tân Vạn – Huỳnh Văn Lũy, Mỹ Phước Tân Vạn – Phạm Ngọc Thạch để tránh mất đèn giao thông khi mất điện lưới; Tăng thời gian pha đèn xanh tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn – Huỳnh Văn Lũy vì lưu lượng xe trên tuyến đường Huỳnh Văn Lũy vào các giờ cao điểm là khá lớn, giảm ùn tắc…
Tại ngã tư Mỹ Phước Tân Vạn và Huỳnh Văn Lũy, lượng xe phía đường Huỳnh Văn Lũy rất đông, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm. (Ảnh: Thảo Lam) |
Theo Ban ATGT TP Dĩ An, để đảm bảo ATGT, tại các giao lộ, tuyến đường trọng điểm có lượng phương tiện lưu thông đông như: Cổng xe lửa 15, 16; Ngã tư Đường Mồi, cầu vượt Sóng Thần (đoạn có đường sắt đi qua); ngã ba Tân Vạn... luôn bố trí lực lượng công an điều tiết kịp thời, không để xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn tồn tại nhiều điểm giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Ban ATGT TP Dĩ An kiến nghị, sớm hoàn chỉnh thủ tục, bàn giao tuyến đường Quốc lộ 1K đoạn qua thành phố cho địa phương quản lý để kịp thời khắc phục, duy tu, sửa chữa, thay thế đèn chiếu sáng, sơn lại vạch kẻ đường,... để đảm bảo ATGT. Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn tại nút giao với Bùi Thị Xuân nên mở rộng lòng đường tạo thuận lợi cho người dân lưu thông; Sớm thống nhất phương án xử lý ngập nước tại các vị trí giao đường Cây Da, Hồ Đắc Di,... để tránh ùn tắc.
Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch, hàng ngày, lưu lượng xe giao thông qua lại giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, trên tuyến đường này đang tồn tại một số điểm ngập nước cục bộ rất nặng khi có mưa lớn hay thủy triều, gây nguy hiểm tính mạng cho người tham gia giao thông và thường xuyên gây ra ùn tắc giao thông. Đặc biệt trong những khung giờ cao điểm, gây tổn thất lớn về kinh tế, đặc biệt là điểm ngập nước trước siêu thị Lotte (Ngã tư Cầu Ông Bố) địa bàn TP Thuận An.
Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP. Thuận An nhiều điểm thường xuyên xảy ra ngập nước khi có trời mưa lớn. (Ảnh: Thảo Lam) |
Đại diện Công ty Becamex, đơn vị chủ đầu tư dự án đường Quốc lộ 13 cho biết, nhằm tạm thời khắc phục tình trạng này, công ty đã đầu tư phần mương hở để thu nước khu vực này về kênh Bình Hòa.
Thời gian tới, đơn vị sẽ nâng cấp và mở rộng hệ thống thoát nước của khu vực Ngã tư cầu Ông Bố. Đối với các điểm ngập dọc Quốc lộ 13 đoạn qua phường Vĩnh Phú, công ty đã xử lý và nạo vét, khơi thông hệ thống cống ngang, hố ga thu nước mặt đường của khu vực. Theo khảo sát, cao độ ở đoạn đường này có xu hướng thấp hơn mực nước thủy triều sông Sài Gòn, khi có mưa lớn kết hợp thủy triều đã thường xuyên dẫn đến tình trạng ngập nước toàn tuyến. Do đó, để khắc phục triệt để điểm ngập nước này, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng liên quan.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh, để tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới cần tập trung thiết lập trật tự kỷ cương trong chấp hành pháp luật về tham gia giao thông; Xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông trong nhân dân.
Tỉnh tăng cường tần suất tuần tra kiểm soát dịp cao điểm; Xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông; Đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống cống thoát nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chống ngập để khắc phục tình trạng ngập nước cục bộ trên đường khi trời mưa.