Biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo được trùng tu theo đúng gam màu gốc
Biệt thự Pháp hoang lạnh trên phố đẹp nhất Hà Nội Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ Số hóa 3D 222 biệt thự cổ ở Hà Nội |
Chiều 15/4, xung quanh việc bảo tồn, sửa chữa biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới.
PV: Thưa ông, biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo được trùng tu dựa trên nguyên tắc như thế nào?
TS Emmanuel Cerise: Trước tiên, phải khẳng định rằng, đây là một công trình xây dựng của tư nhân cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Hà Nội, do đó không có hồ sơ lưu lại giống như những công trình công cộng. Chúng tôi gần như không tìm thấy tài liệu lưu trữ của công trình này.
Chính vì thế, trong quá trình tìm hiểu các đặc điểm của công trình, chúng tôi dựa trên nghiên cứu mang tính chất đánh giá hiện trạng và thám sát những vật liệu của công trình..
Ban đầu, chúng tôi đã mời một chuyên gia về bảo tồn công trình cổ của Pháp để thực hiện nghiên cứu. Sau đó, khi giải tỏa được những nhà xung quanh, chúng tôi thực hiện thám sát các vật liệu của công trình.
TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam trả lời phóng viên |
PV: Ông đánh giá như thế nào về diện mạo của biệt thự khi đã sắp hoàn thành?
TS Emmanuel Cerise: Tôi phải khẳng định rằng, đây là công trình có diện mạo rất đặc biệt, bởi vì: Thứ nhất, biệt thự nằm trong khuôn viên mà chúng ta có thể giải tỏa được hoàn toàn những công trình xây cơi nới trước đây để khôi phục được toàn bộ.
Thứ hai, nó nằm trong một khu phố tấp nập nên tạo ấn tượng rất lớn đối với người dân. Khi đã phá bỏ các công trình cơi nới rồi thì diện mạo biệt thự rất rõ.
Trong quá trình trùng tu, chúng tôi cố gắng tôn trọng đặc điểm của công trình đã nghiên cứu được. Chẳng hạn, chúng tôi sử dụng 2 màu sơn đỏ. Mảng đỏ là làm giả các lớp gạch giống y hệt thời kỳ đó, trên tinh thần tôn trọng tôn trọng đặc điểm gốc. Tôi cho rằng, đây là cách làm táo bạo, diện mạo gốc ra sao thì chúng tôi làm như vậy.
Những mẫu gạch để trùng tu được trưng bày tại biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội |
PV: Màu sơn của biệt thự này đã là màu sơn cuối cùng chưa thưa ông?
TS Emmanuel Cerise: Hiện nay dự án chưa đến giai đoạn trùng tu cuối cùng. Tuy nhiên, gam màu chúng tôi sử dụng đúng công trình gốc ban đầu. Ở đây, chúng ta nhìn thấy 2 tầng. Ở tầng trên, chúng tôi chưa kẻ chỉ gạch nên nhìn bị ấn tượng quá nhưng ở tầng dưới, chúng tôi kẻ đúng chỉ gạch như đặc điểm gốc của công trình ban đầu nên gam màu đỏ dịu mắt hơn rất nhiều. Đây chính là những gam màu gốc.
Trong thời gian gần đây, có một số dự án về tôn tạo, trùng tu công trình cổ của Pháp mà chúng ta có xu hướng lựa chọn gam màu nhạt đi, cố tình thể hiện rằng nó nhuốm màu thời gian nhưng đó không phải là cách bảo tồn thực sự.
Nếu chúng ta bảo tồn thì phải tôn trọng đặc điểm gốc khi nó mới được xây dựng, còn khi cố tình làm cho nó nhạt nhòa một chút đi thì sau thời gian nữa, tác động của mặt trời, ánh nắng, mưa gió… công trình lại nhạt tiếp. Lúc đó, không còn đúng như đặc điểm vốn có của nó.
Thời gian tới, gam màu của biệt thự có thể có một chút điều chỉnh nhưng về cơ bản chúng tôi không thay đổi, chúng tôi tôn trọng gam màu gốc của công trình.
Các khung cửa, màu vạch ở tầng 1 của công trình |
Tôi cũng xin khẳng định thêm một lần nữa là khi thực hiện dự án bảo tồn này, chúng tôi cũng không tìm được tư liệu gốc của công trình. Nếu như có tìm được thì tài liệu đó chắc chắn là tài liệu đen trắng, không thể hiện màu sơn.
Tuy nhiên, may mắn là trong quá trình khám sát các lớp vữa tìm thấy lớp vữa gốc của nó là có gam màu đỏ. Tất nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng, sau gần 100 năm thì bản thân các lớp màu đó cũng đã có thay đổi nhất định rồi.
Toàn bộ công trình nhìn từ bên ngoài |
Nếu dựa trên một số bức ảnh cổ về Hà Nội, có thể thấy có một số bức ảnh chụp một số công trình có phối vạch vàng và đỏ như thế này và có các đường chỉ kẻ giả gạch. Chẳng hạn như dự án của Trường Trưng Vương, trước đây là màu giống thế này nhưng khi bảo tồn thì có thay đổi chút.
Có những bức ảnh màu mà nhiếp ảnh gia người Pháp chụp từ nằm 1915. Kỹ thuật chụp thời đó trên kính màu, không phải phim và mức độ phản ánh về tông màu thì chỉ tương đối chứ không tuyệt đối như nhìn bằng mắt thường. Tuy nhiên, tôi khẳng định thời đó, có nhiều công trình được phối màu theo kiểu này.
Các chuyên gia Pháp và lãnh đạo thành phố Hà Nội tại ngôi biệt thự đang được trùng tu |
PV: Sau quá trình trùng tu, đến giờ chúng ta phục hồi được bao nhiêu phần trăm công trình?
TS Emmanuel Cerise: Ở đây, phải nói thêm một chút, dự án là này trùng thu biệt thự cổ chứ không phải là khôi phục. Nếu khôi phục là phải đưa nó trở về đúng thực trạng ban đầu từ thời điểm nó được xây dựng. Tuy nhiên, ở dự này, có một số bộ phận của biệt thự mà gần như không thể khôi phục được nữa. Ví dụ, cầu thang trong ống thang là đã bị phá bỏ rất lâu, bắt buộc chúng tôi phải trùng tu. Phần sàn gỗ cũng bị hư hại gần hết. Nền sân thì đào thám sát trước cửa vào, nền cũ thấp hơn 45cm.
Nếu chúng ta khôi phục lại thì có nghĩa chúng ta đang đứng thấp hơn bây giờ, nền không phù hợp với cốt nền hiện tại. Rất nhiều dự án về trùng tu biêt thự cổ mà chúng ta rất khó đánh giá đạt bao nhiêu phần trăm mà còn do hiện trạng khi chúng ta bắt tay vào trùng tu. Chúng ta bảo tồn dựa trên những gì còn lại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài) có tổng diện tích 993m2, trong đó mặt sàn 400m2, còn lại là thảm cỏ, lối đi, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo được nghiên cứu từ năm 2016 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile de France, quận Hoàn Kiếm và cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile de France. Tháng 4/2022 dự án được khởi công và dự kiến khi hoàn thành khi hoàn thành sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm Giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội. |