Biên khu Việt Quế - thể nghiệm mới từ một góc khuất
1. Lâu nay, trong mảng sách viết về chiến tranh, gần như chưa mấy ai thỏa mãn: Nào là tầm vóc cuộc chiến tranh rất lớn nhưng văn chương chưa thể hiện hết được; nào là còn có những vùng cấm mà do hoàn cảnh cuộc chiến, văn nghệ phục vụ chính trị nên hoặc là văn chương còn mang tính minh họa, hoặc những mất mát hy sinh chưa đề cập được nhiều; ngay cả khi Nỗi buồn chiến tranh ra đời, được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn thì dư luận bạn đọc cũng chưa hẳn đã đồng tình vì cho rằng nếu viết về chiến tranh mà bi ai như thế thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng được kẻ thù!
Trong một bài viết cách đây không lâu, tôi có đặt vấn đề: Viết về chiến tranh là để chống chiến tranh bởi vì con người ta sinh ra là để được sống và mong có cuộc sống hạnh phúc trên nền tảng của một đất nước độc lập, phồn vinh, một xã hội ổn định. Và những cuốn sách viết về chiến tranh nên tiếp cận vấn đề trên tinh thần đó.
Đương nhiên viết về chiến tranh hay viết về bất cứ đề tài gì thì đối tượng mà nhà văn quan tâm và qua đó làm sáng lên được tư tưởng nghệ thuật của người viết: trước tiên là phải viết về con người và qua con người - nhân vật, người đọc sẽ thấy được dù là có viết về hôm qua vẫn là để nói cho cái hôm nay.
Tiểu thuyết Biên khu Việt Quế của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh |
2. Trở lại với những vấn đề cụ thể về đề tài chiến tranh, tôi cho rằng còn những góc khuất mà nhà văn chưa đề cập đến, cho dù đó không phải là vùng cấm. Chẳng hạn, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian cuối những năm bốn mươi. Thời chúng tôi mới lớn lên, chúng tôi chỉ có được biết là Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã giúp chúng ta rất nhiều để chúng ta có điều kiện tiến hành cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Nhà nước cộng hòa non trẻ.
Tinh thần quốc tế vô sản trong các sáng tác thơ văn viết về vấn đề này đã cho người đọc thấy được sự trong sáng của mối quan hệ, chí ít là trong tình cảm của phía chúng ta: Người tiếp nhận - khi được các nước anh em giúp đỡ. Đó là tinh thần quốc tế vô sản cao cả khi có thể giúp anh em được việc gì thì giúp trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của mình.
Biên khu Việt Quế của Phạm Vân Anh, một nữ nhà văn quân đội 8X, là cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị vừa được xuất bản, mở ra cho hậu thế biết thêm một góc khuất mới của cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta vào năm 1949. Có lẽ cũng nên trở lại với bối cảnh lịch sử của đất nước ta sau ngày cách mạng tháng Tám thành công với đủ các loại thù trong giặc ngoài...
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh, Chi hội phó Chi hội Nhà văn quân đội cùng Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã - nguyên mẫu nhân vật trong Biên khu Việt Quế, tại buổi ra mắt tiểu thuyết |
Gần đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho in cuốn Những bức thư Hồ Chí Minh gửi nước Mỹ, chúng ta càng hiểu và cảm thông hơn những khó khăn và sự lựa chọn không thể khác của Đảng - đại diện cho dân tộc ta lúc bấy giờ.
Chính là tinh thần quốc tế vô sản với ý nghĩa đầy đủ của nó vào buổi đầu thâm nhập và được những người cộng sản lứa đầu của Đảng ta (và có thể của cả Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thời kỳ ấy) lĩnh hội và thực thi, được nhiều công dân hai nước ở những miền biên viễn yêu nước, yêu cuộc sống ổn định tin tưởng lĩnh hội.
Tác giả của Biên khu Việt Quế đã viết về vấn đề này trong một thời điểm lịch sử không dài: 4 tháng, lúc đó cách mạng Trung Quốc chưa hoàn toàn thành công. “Theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tư lệnh Biên khu Việt Quế, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phái một lực lượng vũ trang sang giúp Trung Quốc mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn nhằm xây dựng một khu giải phóng ở liền biên giới Đông Bắc nước ta, thông ra biển, nhằm khuếch trương lục lượng đón đại quân Nam Hạ giúp cách mạng Trung quốc xây dựng, củng cố khu Điền Quế - Việt Quế”.
Cuốn sách được tổ chức thành bảy chương: Chương 1 có tên Đêm biên khu - là mở đầu cuốn tiểu thuyết với những đêm hành quân băng rừng leo núi, ăn uống cực kỳ kham khổ, đói khát lại sơn lam chướng khí... làm sao vừa để đảm bảo bí mật, thời gian, vừa tránh đụng độ với giặc nhất là khi bọn thám báo đánh hơi thấy bộ đội hành quân lên phía Bắc, máy bay rè rè trên đầu sẵn sàng ném bom, nhả đạn hoặc hành quân vượt đường số 4... mà hành trang trên vai người lính thì vửa lỉnh kỉnh, lại vừa nặng, vừa thiếu vũ khí.
Kết thúc là chương 7 - Vượt trùng mây: Hoàn thành nhiệm vụ, quân đoàn Việt Nam trở về nước. Những cuộc chia tay giữa bộ đội Việt Nam và nhân dân bản địa, giữa bộ đội Việt Nam và quân Giảỉ phóng Trung Quốc diễn ra vô cùng lưu luyến, nghĩa tình… Đấy cũng là thời điếm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời.
Vĩ thanh là cuộc hội ngộ sau 60 năm của những người chiến sỹ Việt Nam và Trung Quốc năm xưa. Xen giữa các chương trên là 5 chương Viễn chinh, Quân bạn, Trận Trúc Sơn, Tao ngộ chiến, Vây đồn diệt viện, tác giả thể hiện các trận đánh của quân đội Việt Nam trong điều kiện khác biệt về thung thổ, văn hóa, con người nhưng lại có chung tình yêu nước, ý thức trách nhiệm, tinh thần quốc tế vô sản với quân đội và nhân dân nước bạn...
Phải nói là cuốn sách được thiết kế bài bản. Tác giả đã dồn nén vào trong trên 220 trang sách của mình rất nhiều vấn đề về chiến tranh, hòa bình, về lòng dân, ý Đảng, về thiên nhiên, về các số phận con người bản địa, con người lưu lạc muốn trở về quê hương bản quán... trong ý thức muốn tái hiện một quãng thời gian đẹp của lịch sử quan hệ hợp tác - hữu nghị, khi mà dẫu đất nước Việt Nam cũng đang trong chiến tranh, đang trong giai đoạn vừa cầm cự vừa phòng ngự nhưng vì bạn cần, vẫn đưa quân sang chi viện và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc mới trở về.
Tác giả không ngại nói đến những gian khổ mà bộ đội ta đã trải qua, không ngại nói về những hy sinh mất mát mà bộ đội ta phải chịu đựng; thậm chí đã thể hiện sự hy sinh của Phó Tiểu đoàn trưởng Trần Bình, xây dựng Lý Ban tưởng đã chết lại được sống lại bằng tình yêu thương chăm sóc của người phụ nữ Việt kiều; về sự thay đổi của Trịnh Phong, người đàn ông Trung Quốc mà Biên Cương mang ơn, đã không thiết sống khi con chết, chán đời, nên quay lưng với lý tưởng ban đầu và cuối cùng chọn cách tự sát để không còn cảm giác nhục nhã của người gián tiếp gây tội ác với những người mà mình từng thương yêu...
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh, Chi hội phó Chi hội Nhà văn quân đội tặng cuốn tiểu thuyết Biên khu Việt Quế tới ông Bành Thế Đoàn, Tham tám văn hóa, đại diện Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam |
Tôi đọc ra ở đây nhiều tình huống mà Phạm Vân Anh tạo ra như một cách thể hiện tính đa dạng của cuộc sống, cho dù là cuộc sống chiến tranh, cho dù không gian, thời gian khá “chật hẹp” để cần thiết có được sự vùng vẫy của ý tưởng.
Cũng cần phải nói thêm rằng, cái mạnh của cây bút này trong việc tạo dựng không gian chiến trường với những trận đánh lớn nhỏ cho dù chị sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh đương đại nước ta đã kết thúc và thời của chị mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước cũng có những bất đồng.
Vượt qua những rào cản đó, chị đã có những thành công nhất định trong việc tái hiện một góc khuất mà lâu nay khi viết về chiến tranh, hầu như chưa có ai viết đến. Và chị viết với nhiệt tâm của một người tha thiết mong có một mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, một cuộc sống no đủ, hòa bình, yên ổn cho nhân dân. Trong quá trình thể hiện nhân vật, chị không quên đưa họ trở về với quá khứ, đặt họ trong những mối quan hệ khác nhau nhằm tạo ra bề dày, chiều sâu cho họ song với việc đặt ra nhiều vấn đề, dung lượng dành cho mỗi vần đề không có nhiều nên có thể chị đã không có điều kiện để đi sâu.
Tất nhiên giữa ý đồ nghệ thuật và cái được thể hiện không phải lúc nào cũng đồng khít. Trong quá trình thể hiện có những khi việc kể và tả còn lấn át việc đi sâu vào tâm lý nhân vật. Đây là điều rất nên tránh, nhất là ở vào thời điểm hiện nay khi lý thuyết văn học phương Tây đã du nhập và trở thành cần thiết cho không chỉ với giới nghiên cứu, phê bình.
Khi tâm lý con người được khám phá thì nhân vật mới có được chiều sâu. Có thể những con người có thật ngoài đời đã chi phối cảm quan của người viết tiểu thuyết trong chị? Và những gian khổ mà người lính chịu đựng vẫn tác động đến người đọc bằng những điều chị kể hơn là bằng những cách “ứng xử” từ tâm lý của nhân vật.
Lý Ban là một trường hợp; Trần Bình là một trường hợp khác. Âm hưởng sử thi là chủ đạo trong cuốn tiểu thuyết nhưng âm hưởng ấy sẽ nên khác với thời các nhà văn của Dấu Chân người lính, của Mẫn và Tôi, của Vùng trời…
Vượt qua được điều đó thật không dễ, nhất là khi là một người viết ở lứa tuổi chị. Và tôi không ngần ngại để ghi nhận và đánh giá cao sự dũng cảm của nhà văn mới ngoài 40 tuổi này khi chị cho ngòi bút của mình thể nghiệm ở một thể loại hoàn toàn mới với mình, trên nền cảm hứng sử thi ở một đề tài đã có chi chít những dấu chân.
Một thời điểm đẹp của lịch sử, của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Trung Quốc, của tinh thần quốc tế vô sản mà Phạm Vân Anh đã tái hiện nó sẽ cho các thế hệ sau thấy được một thời mối quan hệ ấy chân tình, không vụ lợi bởi con người bấy giờ đã đặt tinh thần quốc tế vô sản lên cao nhất. Cũng sẽ có thêm những cảm nhận về người cộng sản, về lòng dũng cảm, nghĩa khí và tinh thần dân tộc của những người lính thuộc hai đất nước thời bấy giờ.
Tôi trở lại với ý nghĩ của mình: viết về chiến tranh là để chống chiến tranh, là bảo vệ con người, bảo vệ cuộc sống hòa bình. Và có nhiều cách đi, cách thể hiện chủ đề này. Biên khu Việt Quế là một cách đi và phần nào thể hiện được điều đó.
Tiểu thuyết của chị vì thế, góp thêm vào đề tài chiến tranh một cách đi mới và ở vào thời điểm này là một tâm thế mới. Con đường văn nghiệp phía trước còn dài và đây là một thể nghiệm bước đầu của một cây bút xông xáo, nhiệt huyết... người từng ôm ẵm hàng chục giải thưởng ở các thể loại trong những năm qua.
Vì thế, cho phép ta hy vọng vào nhiều thành công mới trong những văn phẩm tương lai của chị.
Quan Nhân, trung tuần tháng 12/2023