Bảo vệ từ sớm, từ xa quyền, lợi ích của người lao động
Xây dựng Công đoàn Thủ đô thực sự là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động Để người lao động yên tâm ở lại hệ thống an sinh Khi Công đoàn là “bạn”… |
Chiều 30/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn chuyên đề số 4 với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động”, trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Ban hành trên 300 văn bản góp ý xây dựng chính sách
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động được xác định là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thiết thực trong việc chăm lo, bảo vệ từ sớm, từ xa và trên diện rộng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn |
Văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp: “Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cán bộ công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”.
Đặc biệt, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp, trong đó có giải pháp: tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; đã tập hợp kiến nghị, phát huy trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn.
Công đoàn Việt Nam đã ban hành trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, nổi bật là công đoàn đại diện cho người lao động tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thi đua - Khen hưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Nhà ở (sửa đổi)…
Trong những năm gần đây, việc phát huy vai trò người lao động, đoàn viên công đoàn tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có bước chuyển mới. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật được coi trọng. Các chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động đối thoại với người lao động… đã tạo hiệu ứng tốt, là kênh quan trọng góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn người lao động lần thứ nhất nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”. Đây được coi là cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đặc biệt do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, lắng nghe ý kiến đại diện người lao động cả nước.
Quang cảnh diễn đàn |
Bên cạnh thành tích nổi bật, chất lượng tham mưu, đề xuất tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có lúc, có nơi chưa đáp ứng tốt nhất ý chí, nguyện vọng của người lao động.
Vì vậy, tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn các đại biểu có nhiều ý kiến về nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động. Trong đó, tập trung để làm rõ 3 vấn đề cơ bản. Một là, tầm quan trọng của việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và vai trò của Công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo quyền lợi của người lao động. Hai là, Công đoàn phải tập trung vào hoạt động cụ thể nào, vận dụng kinh nghiệm, kỹ năng gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm quyền lợi người lao động. Ba là, những vấn đề lớn nào của người lao động cần đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Tăng cường phối hợp với tổ chức xã hội, nghề nghiệp
Tham luận tại diễn đàn, TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để huy động đoàn viên công đoàn tham gia xây dựng chính sách pháp luật cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, Công đoàn Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đối với người lao động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để các chủ trương, chỉ đạo và những thông tin cần thiết của tổ chức Công đoàn đến được với số đông người lao động trong công tác xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên cần được tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế sâu rộng.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội tham luận tại diễn đàn |
Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, trong quy trình xây dựng pháp luật.
Đồng thời, tổ chức Công đoàn cần triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật, ngay trong quá trình đề nghị xây dựng; coi trọng giải pháp tổ chức các cuộc họp tham vấn quy định thủ tục hành chính trước khi tổ chức thẩm định để nâng cao chất lượng ý kiến thẩm định hoặc tổ chức các cuộc họp tham vấn sau khi tổ chức thẩm định để làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.
Tại diễn đàn, ThS. Đỗ Thị Bích Thủy, chuyên gia về huy động cộng đồng cho rằng đã chia sẻ về các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả của công đoàn các cấp trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật với vai trò đại diện cho quyền lợi của người lao động.
ThS. Đỗ Thị Bích Thủy cho rằng, Công đoàn cần đổi mới công tác giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật lao động để kịp thời phản ánh các vướng mắc. Việc giám sát không chỉ thực hiện qua các hoạt động định kỳ tham gia kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp mà còn cần thông qua việc thu nhận ý kiến phản ánh về các vướng mắc trong thực hiện chính sách từ phía người lao động và doanh nghiệp, định kỳ hoặc khi có vướng mắc nảy sinh.
"Những ý kiến này cần được ghi nhận, sau đó tổng hợp và phân tích để xác định xem đâu là vướng mắc liên quan đến thực thi tại cơ sở, đâu là vướng mắc liên quan đến chính sách để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Việc thu thập và ghi nhận ý kiến của người lao động và doanh nghiệp do công đoàn cơ sở thực hiện, qua các kênh như hộp thư góp ý, phản ánh trực tiếp của người lao động, hoặc hoạt động lấy ý kiến phản hồi hàng tháng/quý. Các ý kiến thu nhận ở cơ sở trước tiên cần được phân loại. Những vướng mắc liên quan đến thực hiện chính sách ngay tại doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở sẽ đứng ra làm việc với doanh nghiệp để giải quyết, trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đối thoại. Những vướng mắc có liên quan đến chính sách cần được tổng hợp và chuyển lên công đoàn cấp trên", ThS. Đỗ Thị Bích Thủy nhấn mạnh.
ThS. Đỗ Thị Bích Thủy, chuyên gia về huy động cộng đồng chia sẻ tại diễn đàn |
Bên cạnh đó, Công đoàn nên phát triển hệ thống dữ liệu nối mạng toàn quốc và phân cấp quản lý theo địa phương (cấp tỉnh), cho phép cán bộ công đoàn cơ sở nhanh chóng cập nhật ý kiến thu thập từ người lao động, báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động tại cơ sở, chia sẻ các trường hợp cụ thể và cách giải quyết… Hệ thống dữ liệu như vậy sẽ giúp công đoàn cấp tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những phân tích kịp thời, chính xác hơn làm cơ sở cho việc kiến nghị, đề xuất chính sách, pháp luật.
Tổ chức Công đoàn cần tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ công đoàn các cấp để tham gia xây dựng chính sách. Để có thể đưa ra các ý kiến liên quan đến chính sách, cán bộ công đoàn cơ sở cần nắm vững các quy định, chính sách và luật hiện đang áp dụng trong lĩnh vực lao động, có khả năng phân tích và đánh giá hiệu quả thực tế của chính sách lao động trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, Công đoàn Việt Nam cũng cần tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; lấy ý kiến chuyên gia trong quá trình giám sát và xây dựng chính sách pháp luật về lao động, đặc biệt trong việc thu thập ý kiến của người lao động và doanh nghiệp.
"Công đoàn có thể tăng cường chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về lao động thông qua đẩy mạnh hoạt động tham vấn người lao động và cán bộ công đoàn cơ sở về dự thảo chính sách có liên quan. Như vậy, Công đoàn vừa đảm bảo thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình trong việc huy động sự tham gia của người lao động và cán bộ công đoàn trong xây dựng chính sách pháp luật, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đúng với tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời đảm bảo dự thảo chính sách, pháp luật phù hợp với thực tế tại cơ sở, đảm bảo quyền lợi của người lao động", ThS. Đỗ Thị Bích Thủy nhấn mạnh.