Báo chí Hà Nội đoàn kết, kiên trung, tạo đột phá
Báo chí Thủ đô đã làm tròn sứ mệnh
- PV: Thưa ông, trong hơn 2 năm qua, báo chí Thủ đô đã chung tay gánh vác cùng hệ thống chính trị nhiều công việc, nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Ông có thể chia sẻ rõ hơn những ghi nhận nỗ lực của báo chí Thủ đô trong thời gian qua?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng: Hội Nhà báo thành phố Hà Nội hiện có hơn 900 hội viên, phóng viên của 11 cơ quan báo chí. Cùng với báo chí cả nước, trong gần 2 năm qua, báo chí Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí vai trò xung kích, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những giải pháp và biện pháp quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Chính phủ và các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở về công tác phòng chống đại dịch COVID-19.
Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội trong buổi tập huấn về kỹ năng trình bày tác phẩm báo chí hiện đại |
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đã góp phần định hướng dư luận xã hội bằng những thông tin đa dạng, chính thống, chuẩn xác, chân thực từ mọi điểm nóng và tâm dịch trên địa bàn; Củng cố niềm tin, động viên các tầng lớp Nhân dân bình tĩnh, đoàn kết, chủ động phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chống dịch hiệu quả. Chỉ tính trong đợt 4 từ ngày 24/7 đến cuối tháng 12/2021, các cơ quan báo chí Hà Nội đã cung cấp hơn 2.000 tin, bài, phóng sự, phỏng vấn hiện trường.
Báo chí Thủ đô đã tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng, những vấn đề gây bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm; Tuyên truyền, lan tỏa gương “Người tốt - việc tốt”, những nhân tố mới, tấm gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực hoạt động gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đặc biệt, các đơn vị đã đăng tải số lượng thông tin lớn về thực hiện “mục tiêu kép” của thành phố trong việc vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì phát triển sản xuất kinh doanh đến gần 320 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn với hơn 30 vạn công nhân, người lao động. Báo chí Hà Nội đã thể hiện đậm nét vai trò cầu nối giữa Chính phủ, lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp và người lao động.
Cũng từ thông tin của báo chí, lãnh đạo và các Sở, ngành, thành phố đã cắt giảm 57 thủ tục, quy định không còn phù hợp, gây cản trở cho doanh nghiệp. Những lực đẩy này đã tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp Thủ đô nhanh chóng khôi phục và phát triển.
Có thể khẳng định báo chí Hà Nội đã làm tròn sứ mệnh, trách nhiệm với đất nước, với Nhân dân, không chỉ xung kích trên mặt trận tư tưởng thông tin, định hướng dư luận mà còn tạo diễn đàn dân chủ, cởi mở, tập hợp sức mạnh của toàn dân.
- PV: Chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến nền báo chí Việt Nam nói chung, báo chí Thủ đô nói riêng. Theo ông, báo chí Thủ đô cần làm gì để thích ứng và chuyển đổi số thành công?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng: Trong xu thế hội nhập và phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội, đặt ra yêu cầu tất yếu về chuyển đổi số đối với báo chí truyền thông, công tác hội gắn với phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các cơ quan báo chí.
Hội Nhà báo TP Hà Nội cũng đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số như tổ chức các lớp SEO cho báo mạng, sản xuất long-form, tòa soạn hội tụ…
Qua gần hai năm dịch bệnh hoành hành liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội, tuy có nhiều bất tiện, khó khăn trong quy trình tổ chức sản xuất do phải cách ly, hạn chế đông người, thay đổi hình thức giao ban, xét duyệt sản phẩm… nhưng các cơ quan báo chí Thủ đô đã chủ động biến nguy cơ, thử thách thành động lực để tạo lập thói quen mới; Phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin và các trang thiết bị tại chỗ, đảm bảo thông tin thường xuyên, liên tục, thông suốt, không đứt gãy. Đây là một bước tiến đáng kể của các cơ quan báo chí Thủ đô, trong đổi mới nếp nghĩ, cách làm.
Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội cùng đoàn phóng viên báo chí Hà Nội tác nghiệp tại Đồn Biên phòng Mũi Né, Bình Thuận |
Luôn giữ vững “tấm lòng son”
- PV: Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố đã diễn ra một số vụ việc vi phạm đạo đức nghề báo. Các cơ quan báo chí Thủ đô cũng như bản thân mỗi phóng viên, nhà báo cần làm gì để bảo vệ mình trước “cám dỗ” vật chất, thưa ông?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng: Để thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra cũng như thực hiện tốt Luật Báo chí có hiệu lực từ năm 2013 đến nay thì có ba nhiệm vụ chính mà các tòa soạn, liên chi hội phải thực hiện. Đó là tổ chức tòa soạn thực sự trở thành ngôi nhà chung để các hội viên gắn bó, cống hiến, thể hiện vai trò tiếng nói của mình.
Trong ngôi nhà đó cần có các yếu tố. Một là tạo được việc làm, đảm bảo đời sống, không gây sức ép để buộc họ phải tìm cách liên kết, móc nối nhau đi “đánh hội đồng”, vi phạm pháp luật.
Hai là vị trí vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí trong định hướng phát triển, phong cách hành nghề và các mối quan hệ xã hội, để các phóng viên, biên tập viên nhìn đó học tập.
Ba là sự đoàn kết, yêu thương của cả tập thể tòa soạn. Số lượng có thể ít hoặc nhiều nhưng ngôi nhà đó phải thực sự là “tổ ấm” để cưu mang họ. Đơn cử như với những phóng viên đi vào tâm dịch thì ở nhà hậu phương của họ được quan tâm ra sao? Cơ sở vật chất của họ ngoài hiện trường được tạo điều kiện thế nào? Tiền lương, nhuận bút của họ với những bài viết gửi về được trả xứng đáng không? Hay khi họ bị tai nạn nghề nghiệp thì họ nhận được sự bảo vệ, giúp đỡ của lãnh đạo và tập thể ra sao? Khi làm được như thế, những cán bộ, phóng viên khác nhìn vào đó mới dám xông pha vào những điểm nóng.
Bên cạnh đó, trong lộ trình quy hoạch báo chí sẽ có nhiều đầu báo bị thu hẹp lại thì sự quan tâm của thành phố, của cơ quan chủ quản về những định hướng, chủ trương chăm lo, sắp xếp việc làm cho những người “bị bật” ra khỏi quy hoạch như thế nào để họ ổn định cuộc sống. Đó là thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo ngành dọc đối với sự cống hiến của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
- PV: Cùng với các cơ quan báo chí khác, những năm qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã không ngừng đổi mới, tích cực đóng góp vào công cuộc định hướng, tuyên truyền xây dựng thành phố. Ông đánh giá như thế nào về sự đổi mới này?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng: Báo Tuổi trẻ Thủ đô là một trong những đơn vị được Hội Nhà báo thành phố đánh giá là có sức vươn rất nhanh với sự cải tiến về mặt nội dung, thể hiện sự chuyên nghiệp hóa và bắt kịp yêu cầu đặt ra từ thực tiễn của báo chí hiện đại. Trên báo điện tử, những bài viết được thiết kế trình bày dưới dạng Longform, Emagazine… đã cập nhật nhanh nhạy tin tức của Thủ đô và cả nước.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố để báo Tuổi trẻ Thủ đô xây dựng được thương hiệu riêng, tạo ảnh hưởng đối với bạn đọc trẻ cũng như độc giả cả nước chính từ những việc làm thiết thực như quyên góp xây nhà tình nghĩa ở Yên Bái, tổ chức trao nhiều phần quà ý nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, xây trường học, sân chơi tặng các em nhỏ vùng cao, đồng hành cùng người dân khó khăn thiên tai, bão lũ...
- PV: Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông muốn gửi gắm điều gì đến đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Tuổi trẻ Thủ đô nói riêng, các cơ quan báo chí Thủ đô nói chung?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng: Năm nay là năm thứ nhất, các cấp hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (Khóa XI) sửa đổi bổ sung. Vì vậy, Hội Nhà báo TP Hà Nội đề nghị các cơ quan báo chí Thủ đô thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, triển khai Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; Thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU ngày 31/8/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo thành phố trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tôi mong muốn các cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí Thủ đô luôn là người lính xung kích trên mặt trận thông tin, tư tưởng; Không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, quan điểm lập trường cũng như nghiệp vụ làm báo.
Trước những yêu cầu đặt ra của công nghệ 4. 0, nếu chúng ta không tu dưỡng rèn luyện, không bắt kịp với xu thế làm báo hiện đại thì chúng ta sẽ lạc hậu, bị mạng xã hội chèn ép và dẫn dắt. Vì vậy, bên cạnh sự tự giác rèn luyện của cá nhân phóng viên, nhà báo thì mỗi cơ sở Đảng ở các đơn vị báo chí phải thực sự là nơi để cho cán bộ, hội viên được gửi gắm tâm tư nguyện vọng, được rèn luyện và trưởng thành; Từ đó lan tỏa sức mạnh của Đảng cũng như gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với từng nhà báo, để họ phát huy những điểm mạnh và khắc phục điểm yếu; Không ngừng phấn đấu để trở thành những hội viên, phóng viên, nhà báo có ngòi bút sắc, có đạo đức trong sáng và có tư cách sống của người Thủ đô văn minh, văn hiến.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!