Báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững
Quang cảnh buổi tọa đàm diễn ra sáng nay |
Tọa đàm do Hội Nhà báo thành phố, Sở Thông tin - Truyền thông thành phố và Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) phối hợp tổ chức tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ, đồng hành của Công ty FSI, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT.
Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí TP Hồ Chí Minh và Trung ương đóng trên địa bàn TP, các nhà báo, phóng viên.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian gần đây, không riêng Việt Nam mà toàn thế giới đã khẳng định chuyển đổi số là một xu thế không thể thay đổi. Đặc biệt đối với tính chất, đặc thù của hoạt động báo chí, tốc độ, hiệu quả, chất lượng thông tin là những yếu tố quyết định cho sự thành công của một cơ quan báo chí.
Theo ông Dương Anh Đức, thành phố vừa trải qua thời gian giãn cách xã hội lâu nhất trong lịch sử. Trong thời gian đó, chúng ta gặp nhiều khó khăn nhưng cũng là thời cơ, cơ hội để những ai nắm bắt được lợi thế công nghệ có thể bứt phá. Ông tin rằng nhiều tờ báo, cơ quan báo chí, phóng viên đã cảm nhận được hết sức rõ ràng vai trò, tác dụng của công nghệ số, cũng như nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại tọa đàm |
“Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ nói chung vào công tác hoạt động mà còn phải thay đổi cả quy trình làm việc, tư duy, suy nghĩ. Phải có một măng-sét mới để có thể thích ứng. Ý thức được điều này sẽ có quyết tâm thực hiện một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất quá trình chuyển đổi số”, ông Dương Anh Đức nói.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững. Chúng ta đang ở thời đại thông tin, khi thông tin được phát sinh ra từng giây, một tờ báo đăng lên sớm một chút, muộn một chút có thể thay đổi hẳn về số lượng người đọc.
Thông tin thay đổi một vài từ cũng có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa thông điệp muốn chuyển tải. Như vậy, cùng với công nghệ thì ảnh hưởng của các cơ quan báo chí cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số phải được thực hiện căn cơ, toàn diện từ tòa soạn, lãnh đạo và phóng viên.
Mặt khác, tọa đàm cũng cho thấy, nếu làm chủ được các công nghệ số, xây dựng được quy trình ứng dụng công nghệ số vào trong hoạt động của mình thì báo chí không những tăng được tốc độ xuất bản mà còn có thể phân tích, tổng hợp đánh giá thông tin với mức độ nhanh, quan trọng. Lãnh đạo, Ban biên tập có thể kiểm soát nhanh, tốt và đầy đủ những nội dung mà cơ quan báo chí của mình sản xuất ra.
Ngược lại, với khối lượng thông tin khổng lồ và tốc độ sản xuất thông tin “cạnh tranh” như hiện nay, nếu vẫn bám theo tư duy cũ, công nghệ cũ, cách làm cũ thì chắc chắn sẽ không theo kịp xu thế thời đại và tụt hậu phía sau là điều tất yếu.