Bài 5: Thêm yêu Hà Nội từ những điều tử tế, nhân văn
Hà Nội và những điều tử tế Bài 2: Quán cà phê vận hành bằng “trái tim” Bài 3: Chiến dịch 0 đồng trả lại “màu xanh” cho Hà Nội Bài 4: Giọt máu nghĩa tình của những tấm lòng cao quý |
Bản sắc riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến
Thủ đô Hà Nội đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ, xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô trong công cuộc đổi mới. Ngày 28/3/1992, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" ở Thủ đô. Thành phố xác định đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô vững mạnh.
Chia sẻ về phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" của Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng nói, làm việc tốt cho cộng đồng là nhân lên niềm vui và hạnh phúc cho chính mình.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời “Hà Nội, Thủ đô của cả nước, ngày càng có nhiều người tốt, việc tốt”, theo gợi ý của Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, từ năm 1992, Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt". Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, hơn 30 năm qua, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" của thành phố được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo Nhân dân.
Từ thực tế những việc làm tử tế ngày càng được nhân rộng trong xã hội, có thể khẳng định rằng, phong trào "Người tốt, việc tốt" của Thủ đô đã trở thành nếp sống văn hóa, bản sắc riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
Theo anh Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thời gian qua thành phố đã ban hành nhiều văn bản về đẩy mạnh tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô về phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" nâng cao, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị.
Việc tích cực phản ánh gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua đã không ngừng lan tỏa, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực"...
Anh Nguyễn Phương Linh |
Nhận thức rõ việc lan tỏa, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, Đoàn Thanh niên trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiên trì quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” thông qua việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Đặc biệt, Đoàn trường đẩy mạnh trên mạng xã hội, để tin tốt át tin xấu.
Đồng thời, Đoàn Thanh niên trường cũng đa dạng hóa, hiện đại hóa phương thức, các hình thức tuyên truyền về điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Những hoạt động này tác động sâu sắc đến nhận thức của đoàn viên, sinh viên. Từ đó, các bạn trẻ cũng có những việc làm đẹp, hành động thiết thực đóng góp cho cộng đồng.
Khơi dậy, phát huy truyền thống, tinh thần nhân ái
Để phong trào “Người tốt, việc tốt” được lan tỏa sâu rộng, bạn Nguyễn Văn Song Phúc, Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Trong cuộc sống thường ngày, những tấm gương người tốt, việc tốt đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đến đoàn viên, thanh niên cũng như mọi tầng lớp Nhân dân.
Bạn Nguyễn Văn Song Phúc |
Phong trào trào “Người tốt, việc tốt” ngày càng phát triển về chất và lượng, lan tỏa sâu rộng trong tất cả các mặt cả đời sống xã hội, từ đó, khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn hiến, văn minh, hiện đại".
Để thúc đẩy phong trào “Người tốt, việc tốt” trong giới trẻ, theo Phúc, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của tổ chức Đoàn trong việc thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của từng địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng và học tập các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên hệ thống thông tin truyền thông các cấp; Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt từ thành phố tới cơ sở. Đồng thời, các cấp lãnh đạo kịp thời có hình thức thích hợp biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước và phong trào “Người tốt, việc tốt” nhằm lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng cũng như trong các việc làm tốt, hành động đẹp, mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả, sáng tạo của người trẻ.
Tôn vinh, lan tỏa những tấm gương sáng
Thường xuyên theo dõi các chương trình, bài viết về “việc tử tế”, Phạm Thu Phương (24 tuổi, sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền) cho biết, khi được xem những hoạt động tình nguyện, những hội nhóm giúp đỡ cộng đồng, phong trào “Người tốt, việc tốt” trong các video hay đọc các tin tức trên báo chí, cô gái trẻ thực sự rất xúc động và tự hào. Đây cũng là nguồn cảm hứng giúp Phương tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng hơn.
Bạn Phạm Thu Phương |
“Tất cả họ đều có điểm chung rất giống nhau - đó là đều được hun đúc tinh thần cộng đồng từ chính gia đình, người thân của mình để làm những điều có ích, mang lại giá trị cho xã hội. Một điều mà mình nghĩ thực sự đáng tôn vinh hơn cả là có nhiều người dù hành động của họ là hành động anh hùng, việc làm của họ thực sự đem tới những lợi ích cho xã hội và cảm hứng cho cộng đồng nhưng ai cũng khiêm tốn cho rằng việc mình làm chỉ là việc nhỏ và làm việc tốt thì không mong được báo đáp”, Thu Phương chia sẻ.
Theo cô gái, việc nhân rộng những mô hình có hiệu quả hay tấm gương người tốt, việc tốt sẽ giúp phát huy tinh thần cộng đồng, trở thành sợi dây kết nối toàn xã hội tiếp tục sống tốt, sống đẹp, có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, truyền được cảm hứng mạnh mẽ về những việc làm, hành động tử tế.
Là một người trẻ, Thu Phương ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều đó giúp cô trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Bạn trẻ mong rằng, cộng đồng sẽ tiếp tục phát hiện, tôn vinh những tấm gương hào hiệp, những việc làm, hành động tử tế của mỗi cá nhân trong cuộc sống đời thường, để nhân lên những điều tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội.