Bài 5: Đảng viên trẻ luôn sẵn sàng, không quản hiểm nguy
Đảng viên trẻ Đỗ Mạnh Cầm, lớp Y4F (Bác sĩ Y học Cổ truyền), trường Đại học Y Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Bí thư Chi bộ sinh viên khối Liên khoa
Bài liên quan
Bài 3: Chàng kỹ sư cơ khí làm giàu từ chăn nuôi
Đảng viên trẻ xung kích phát triển kinh tế
Bài 5: Đảng viên trẻ phải luôn tiên phong
Xung phong ra tuyến đầu
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều sinh viên trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội đã tình nguyện tham gia đội phản ứng nhanh với Covid-19, trong đó có nhiều đảng viên tiên phong ghi danh và tuyên truyền đến các bạn sinh viên khác.
Đỗ Mạnh Cầm học lớp Y4F (Bác sĩ Y học Cổ truyền), hiện đang là sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Y Hà Nội cho biết, ngay khi Đoàn trường phát động sinh viên đăng ký tham gia vào đội phản ứng nhanh với Covid-19, cậu đã tình nguyện ghi tên.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động cơ bản, nhận thấy sự vất vả của bố mẹ, từ nhỏ, bản thân Cầm đã có ý thức tự giác phấn đấu trong học tập. Ngoài những giải thưởng tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học, cậu còn luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn ngay từ cấp THPT. Cầm đã trở thành Đảng viên đầu tiên và duy nhất (tính tới thời điểm hiện tại) của tỉnh Nam Định được kết nạp khi còn là học sinh THPT.
Đỗ Mạnh Cầm |
Trong môi trường đại học, Cầm vẫn luôn phấn đấu rèn luyện chuyên môn, y đức và tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội. Hiện tại, cậu đang giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Bí thư Chi bộ sinh viên khối Liên khoa.
“Khi vào Đảng, tôi cảm thấy bản thân mình cần phải có trách nhiệm hơn, phải tích cực hơn trong việc học hành và hoạt động tại trường”, chàng trai trẻ nói.
Chia sẻ về việc tham gia đội phản ứng nhanh với Covid-19, Cầm cho biết: “Ngay sau Tết, tôi cũng thấy hơi sợ khi nghe thông tin về bệnh dịch, thậm chí không dám đi đâu. Tuy nhiên, nhà trường đã tổ chức những buổi truyền thông, mời các chuyên gia thế giới và đầu ngành về dịch tễ cùng tham dự, đến nay, sinh viên Y chúng tôi đã có đủ hiểu biết, kiến thức để phòng chống dịch và yên tâm tham gia mọi hoạt động. Chỉ cần có kiến thức và thực hiện theo đúng những gì đã học thì mình sẽ bảo vệ được bản thân và người xung quanh.
Tôi luôn nghĩ rằng, sinh viên trường Y cần phải gánh vác và đi đầu trong việc phòng chống bệnh dịch. Bản thân tôi luôn mong muốn hoàn thành trách nhiệm của một người cán bộ y tế. Đối với tôi, mục đích tham gia đội phản ứng nhanh là để góp sức đẩy lùi bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, nhận các nhiệm vụ phù hợp với năng lực và kiến thức của bản thân chia sẻ gánh nặng với đội ngũ cán bộ Y tế hiện nay”.
Ngoài ra, tình hình fake news (tin giả) gây hoang mang dư luận ngày càng nhiều, với sức lực của một người không thể chặn những nguồn tin đó. Vì vậy Cầm muốn tham gia đội phản ứng nhanh, lập thành một nhóm ngăn chặn những thông tin không xác thực đến với người đọc.
Là đảng viên, lại nằm trong Ban Thường vụ Đoàn trường, Cầm cũng nắm được nhanh nhất những chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Y tế, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường để phổ cập thông tin về chi bộ. Từ chi bộ sẽ lan tỏa về các lớp, tới các bạn sinh viên nhanh nhất.
Đảng viên thân thiện
Cũng theo Đỗ Mạnh Cầm, vào đại học rồi cậu mới để ý hơn đến hình ảnh của người đảng viên trong mắt của các bạn sinh viên. Trước đây, sinh viên cho rằng đảng viên là những người học giỏi, có thành tích cao. Sinh viên ngành Y vốn dĩ đã không hay cởi mở, những bạn thành tích cao chỉ phấn đấu học hành, nỗ lực vươn lên. Vì vậy Cầm nhận ra khoảng cách giữa đảng viên và sinh viên.
“Từ lúc giữ chức Bí thư chi bộ, tôi đã cố gắng làm thay đổi hình ảnh người đảng viên trong mắt các bạn sinh viên. Tôi yêu cầu đảng viên trẻ tham gia vào tất cả hoạt động của Đoàn, Hội. Không chỉ tình nguyện tại chỗ, chúng tôi còn đi tình nguyện khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa... Cứ như thế, các bạn đảng viên và sinh viên đã xích lại gần nhau hơn. Từ đó, chúng tôi dễ dàng truyền tải được nhiều thông tin tuyên truyền đến với bạn bè”.
Có thể nói, trước đây, các đảng viên trong trường chủ yếu chỉ sinh hoạt chi bộ và tập trung vào việc học, ít có vai trò trong hoạt động của nhà trường. Từ khi làm Bí thư chi bộ, Cầm đã yêu cầu đảng viên tham gia tất cả các hoạt động tình nguyện do Đoàn các cấp phát động; phối hợp cùng các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tổ chức các chương trình kỷ niệm những dịp lễ lớn như: Sinh nhật Bác, ngày thành lập Đảng, Đoàn… Trong nội dung kịch bản, Cầm đã đề xuất ngoài chương trình văn hóa, văn nghệ nên thêm nội dung cung cấp cho các bạn sinh viên những hiểu biết cần thiết liên quan đến quá trình phát triển Đảng…
Cứ như thế, khoảng cách giữa đảng viên và sinh viên đã gần gũi hơn và mọi thông tin chính thống từ nhà trường đến được với các sinh viên một cách nhẹ nhàng, nhanh và hiệu quả.