Bài 5: Bài học và niềm tự hào
Hà Nội- trung tâm văn hóa của cả nước
Bài liên quan
Bài 1: Loại bỏ đáng kể những thói quen xấu của người Hà Nội
Bài 2: Đẩy mạnh giám sát hành vi không văn minh khi chống dịch Covid-19
Bài 3: Sẻ chia, giúp đỡ cùng vượt qua dịch Covid-19
Bài 4: Thay đổi những ác cảm, định kiến
Nền tảng văn hóa chuẩn mực
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội lại là trung tâm văn hóa của cả nước. Dù là Thủ đô, nơi đặt trung tâm chính trị, Hà Nội không nhất thiết phải dẫn đầu cả nước về kinh tế mà đặt vấn đề văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm.
Bởi lẽ, Hà Nội có những điều kiện cần và đủ để thực hiện mong mỏi ấy. Nền tảng văn hóa chuẩn mực được xây dựng từ ngàn năm qua với nhiều thế kỉ là đế đô đã vững chắc, dày dặn, dạt dào như nước sông Hồng chảy qua Thăng Long, như máu chảy trong huyết quản chúng ta.
Bao lần trước vó ngựa quân Nguyên Mông, Thăng Long “vườn không nhà trống”, trật tự di tản tuyệt đối ra các vùng lân cận. Quân giặc tưởng chiếm được kinh thành là thắng lợi hoàn toàn nhưng phải chịu thất bại nặng nề. Nếu nhân dân không có tinh thần đoàn kết, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, giúp đỡ nhau thì khó có thể thực hiện được cuộc di cư khổng lồ như thế.
Đến thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, không chỉ tản cư kháng chiến mà người Hà Nội cũng phá nhà, dỡ cánh cửa chất xếp ra đường để “tiêu thổ kháng chiến”. Bao nhiêu bàn ghế, sập gụ tủ chè quý hiếm cũng chẳng đáng là gì so với độc lập tự do.
Người Hà Nội đã ai vào việc nấy, người lao động vẫn lao động, người sản xuất vẫn sản xuất, người trông trẻ hết mình vì con người khác, thầy cô giáo vừa dạy vừa quản lí chăm lo đời sống học sinh. Những ngôi nhà chủ vội ra đi có khi không khóa cửa nhưng khi trở về đồ đạc vẫn còn nguyên.
Trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 này, việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, khuyến cáo của chính quyền, ngành y tế cho thấy tinh thần tự giác cao của những công dân Thủ đô. Ngoài những ngày đầu khi công bố có người Hà Nội đầu tiên bị nhiễm Covid-19, siêu thị, tụ điểm ca nhạc, rạp chiếu phim vắng vẻ. Người ta hạn chế tụ tập thành những đám đông, tích cực giữ gìn sức khỏe cho bản thân để tránh lây nhiễm từ cộng đồng và cho cộng đồng.
Bên cạnh những thói quen xấu như khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, làm mất vệ sinh chung… được dẹp bỏ do ý thức lên cao, nhiều người Hà Nội còn chung tay lan tỏa lối ứng xử đẹp ra với cộng đồng.
Em Nguyễn Ngọc Trinh, học lớp 4C1 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội |
Em Nguyễn Ngọc Trinh, học lớp 4C1 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là người tiên phong dùng số tiền lì xì Tết của mình để nhờ Thành đoàn Hà Nội mua sản phẩm chống dịch gửi tới người dân.
Tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhiều học sinh đã viết thư, vẽ tranh nhắn gửi lời động viên tới các bạn học sinh đang bị cách ly tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Các em đã dùng toàn bộ số tiền lì xì của mình để nhờ bố mẹ, nhờ cô Tổng phụ trách và các thầy cô trong nhà trường liên hệ với các cơ sở sản xuất khẩu trang, may những chiếc khẩu trang có biểu tượng do chính mình thiết kế và mua nước rửa tay khử trùng để gửi tặng các bạn học sinh nơi đây làm “vũ khí chống dịch”.
Các em học sinh trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội viết thư, vẽ tranh nhắn gửi lời động viên tới các bạn học sinh đang bị cách ly tại tỉnh Vĩnh Phúc. |
Hành động đẹp của các em nhỏ thúc đẩy những người lớn cần phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Chị Lê Thị Thắm, có con đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), đã quyết định may hơn chục ngàn chiếc khẩu trang phát miễn phí cho các em học sinh và người dân trong vùng.
Còn biết bao tấm gương, nghĩa cử suốt những ngày qua khiến chúng ta cảm động, thán phục. Từ thế hệ măng non cho đến những người đang làm ra của cải vật chất, tùy theo điều kiện của mình mà góp sức, chung tay.
Điều đó cho thấy truyền thống nhân văn tiếp nối giữa các thế hệ của người Hà Nội vẫn như dòng chảy bền bỉ, xuyên suốt chưa bao giờ dừng lại. Nếu như không có một nền tảng văn hóa vững chắc, không có đạo đức và lối ứng xử “thương người như thể thương thân” thì làm sao họ chia sẻ tiền bạc, thời gian, công sức để giúp người cũng là giúp mình?
Niềm tự hào gửi tới tương lai
Người Hà Nội từ ngàn năm nay từ tứ xứ hội tụ về, mang theo tinh hoa từ các vùng miền nhưng cũng có sẵn “gen” hòa nhập và thích nghi, biết dựa vào nhau mà sống nhưng cũng biết giữ khoảng cách để tạo nên sự riêng tư.
Là người thành phố, sống trong đô thị lớn, người Hà Nội không quá xuề xòa kiểu “ngồi lê đôi mách”, “xía mũi vào chuyện của người khác”. Bình thường, ai nấy đều rút lui về cuộc sống cá nhân để khỏi ảnh hưởng tới người khác.
Những ngày này, khi Hà Nội đã có những người nhiễm Covid-19, sự tôn trọng không gian và cuộc sống riêng của nhau cũng giúp ích rất nhiều cho việc hạn chế virus lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ dửng dưng với những gì diễn ra xung quanh.
Hiểu rằng, nỗ lực của mỗi cá nhân làm thành nỗ lực của cả tập thể, người Hà Nội biết thể hiện sự quan tâm, sẻ chia bằng những việc làm cụ thể, đúng nơi đúng lúc. Các cá nhân tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo về vệ sinh phòng dịch, san sẻ, giúp đỡ người khác khi có thể.
Mỗi gia đình đều là nơi giám sát, nhắc nhở các thành viên của mình, giữ gìn vệ sinh ngõ xóm, nâng cao thể trạng cho các thành viên. Đây cũng là nơi kịp thời điều chỉnh những suy nghĩ, thái độ, ứng xử lệch lạc, thiếu văn minh với cộng đồng.
Nhà trường, các cơ quan, công sở cũng là một trong những “lá chắn” làm tốt nhiệm vụ của mình để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát. Có được tất cả những điều đó đều xuất phát từ nhận thức của người dân.
Nhận thức được đầy đủ nguy cơ, thách thức, mỗi người mới ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc diệt dịch này. Từ nhận thức, ý thức cao sẽ dẫn tới những hành động, ứng xử xuất phát từ tâm nguyện đóng góp cho cộng đồng mong đẩy lùi nhanh dịch bệnh.
Với nền tảng văn hóa trong mình, với truyền thống "gạn đục khơi trong", người Hà Nội còn quyết liệt và tỉnh táo để chắt lọc, đào thải những yếu tố xấu như tâm lí nghi ngờ, đổ lỗi, kì thị của một bộ phận cá nhân thiếu hiểu biết. Chính sự đấu tranh, lên án của chúng ta cũng giúp người dân bớt hoang mang và vững tin vào nỗ lực của chính quyền.
Luôn giữ lại trong mình những gì tốt đẹp nhất, qua cơn dịch giã lần này, người Hà Nội xứng đáng làm chủ cuộc sống văn minh, sở hữu nét văn minh của riêng thế hệ mình trong thời hiện tại. Không những thế, Hà Nội cũng trở thành một điểm tựa, một lá cờ đầu cho cả nước trông theo khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn ra phức tạp, khó lường.
Thời gian chống dịch chưa phải là dài so với các cuộc “trường kì kháng chiến” trước kia song ai cũng biết rằng, nếu mỗi cá nhân không chấp hành nghiêm chỉnh, không có lối sống, lối ứng xử đúng mực thì thêm một mối nguy cho cộng đồng. Dù vậy, chúng ta cũng đã có được bài học, sự đúc rút kinh nghiệm vô cùng quý báu.
Chúng ta phải bình tĩnh, tuyệt đối tin tưởng ở chính quyền bởi đây là vấn đề của thành phố, quốc gia và toàn cầu. Hãy làm hết sức mình để bảo vệ bản thân cũng đã là tham gia tích cực vào phòng chống dịch bệnh. Khi có điều kiện chúng ta chung tay giúp đỡ cộng đồng bằng những việc làm thiết thực. Không a dua a tòng, tung tin đồn thất thiệt như một số cá nhân thiếu ý thức đã mắc phải.
Với hành trang văn hóa giàu có của mình, với sự “tập dượt” và tỏa sáng như những ngày chống dịch vừa qua, người Hà Nội chắc chắn đã “lấy điểm” trở lại với dư luận cả nước, khẳng định vị thế dẫn đầu về văn hóa của mình. Đây cũng là niềm tự hào, là vốn quý báu vô bờ mà chúng ta có thể trao lại cho con cháu sau này cùng tiếp nối và phát triển.