Bài 4: Thay đổi những ác cảm, định kiến
Người Hà Nội phát khẩu trang miễn phí để đông đảo nhân dân có thêm những phương tiện chống dịch Covid-19
Bài liên quan
Thủ tướng chỉ đạo "cuộc chiến" chống dịch Covid-19: Việt Nam sẽ chặn đứng dịch bệnh
Bài 1: Loại bỏ đáng kể những thói quen xấu của người Hà Nội
Bài 2: Đẩy mạnh giám sát hành vi không văn minh khi chống dịch Covid-19
Bài 3: Sẻ chia, giúp đỡ cùng vượt qua dịch Covid-19
Thói quen đổ lỗi, kì thị “không còn đất sống”
Đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho chính quyền, đó là một trong những tính xấu tồn tại trong một bộ phận người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam cũng như nhân loại nói chung. Trước bất kì hiện tượng, sự việc gì, những người này gần như ngay lập tức “tự biên tự diễn”, quy ngay trách nhiệm cho cá nhân, tập thể nào đó.
Khi số người nhiễm virus corona chủng mới ở Vĩnh Phúc gia tăng, một số người ở Hà Nội đã thì thào bảo nhau: do Vĩnh Phúc giấu dịch, do Vĩnh Phúc không chịu dùng biện pháp mạnh.
Cũng từ suy nghĩ này, nhiều người Vĩnh Phúc sinh sống tại Hà Nội, nhiều người Hà Nội tiếp xúc hay đi về Vĩnh Phúc đã bị một số người nhìn với ánh mắt e dè, đề phòng.
Đến khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, không ít người đổ lỗi tại người Vĩnh Phúc. Thậm chí có một phụ nữ ở Hà Nội còn lên mạng xã hội thóa mạ, chửi bới bệnh nhân N.T.D (Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) với những lời lẽ cay nghiệt, đổ tại chị hồn nhiên vô tư, đi lây nhiễm cho cả bố mẹ, chị em, cả cháu bé mới 3 tháng tuổi rồi lây sang bao người khác.
Từ việc đi sang Vũ Hán (Trung Quốc) tập huấn do công việc, về nhà vui Tết với bạn bè, người thân như bao nhiêu người Việt khác, nữ bệnh nhân này trở thành tội đồ, nhận không ít gạch đá chỉ trích từ những người cực đoan.
Cũng có một số người lại tỏ ra nghi ngờ tại sao tại Hà Nội và Việt Nam lại có thể chống dịch một cách thần kì như thế? Hà Nội sát ngay Vĩnh Phúc. Hà Nội mỗi ngày có bao nhiêu công dân quốc tế đến làm việc, du lịch hoặc trung chuyển, tại sao các trường hợp dương tính với virus corona chủng mới đều được điều trị khỏi?
Người ta nghi ngờ cả việc Hà Nội giấu dịch, Việt Nam giấu dịch để “lấy thành tích”. Cứ lối suy nghĩ “từ bụng ta suy ra bụng người” như vậy, công tác phòng chống dịch cũng có đôi chút bị cản trở bởi những người này.
Tuy nhiên, chỉ như chút rác rưởi quẩn lại trong dòng chảy vô cùng mạnh mẽ của toàn xã hội những ngày tháng chống dịch Covid miệt mài, những suy nghĩ lệch lạc, thiếu nhân văn, vô trách nhiệm như vậy sớm bị cuốn phăng đi, bị lên án, đào thải khỏi cộng đồng.
Người dân tự ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh khi đi phương tiện giao thông công cộng trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp |
Trong bài phát biểu “cực chất” cuối tháng 2/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chúng ta không giấu dịch. Trong thời buổi thông tin nhanh hơn chớp mắt này thì có giấu cũng không được. Ông công bố thẳng thắn rằng công tác chuẩn bị đối phó với dịch Covid-19 đã được lên phương án từ hai tháng trước với từng bước chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Bởi thế, với sự khiêm tốn và cầu thị, Phó Thủ tướng cho biết, thế giới nói Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh thì ông và những người có thẩm quyền vẫn chỉ mới tự nhận rằng chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình. Nếu Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc” thì ông cũng xin được ví đây là trận chiến mà chúng ta bước đầu thắng lợi. Chia sẻ này của ông khiến mọi người rất tâm đắc.
Bài phát biểu của ông đã được người dân, cư dân mạng chia sẻ nhiệt tình cùng với niềm vững tin vào tất cả những gì chính phủ Việt Nam đang làm để “không một ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến sinh tử này.
Những hình ảnh về bộ đội ta ăn lán, ngủ rừng, nằm ngoài trời hay bên chiếc lều dã chiến chốt chặn biên giới ngày đêm để gác biên 24/24h, trở thành chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu Tổ quốc trong ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 qua biên giới cũng được người dân lan truyền nhau đầy thương yêu, trìu mến.
Mọi lời lẽ, thái độ kì thị người Vĩnh Phúc, người không may nhiễm virus corona chủng mới trong cộng đồng hay trên mạng xã hội của một số người đều bị đám đông quay lưng, không hưởng ứng thậm chí là lên án. Status (trạng thái) thóa mạ bệnh nhân N.T.D của người phụ nữ trẻ ở Hà Nội nhận được những biểu tượng phẫn nộ.
Có rất nhiều comment (bình luận) thanh minh, bảo vệ N.T.D và không tán thành với quan điểm này của chị. Thậm chí chị còn bị nhiều người phản đối ngay trong status của mình.
Tất cả những điều đó cho thấy sự minh bạch, quyết liệt và tâm huyết của chính phủ đã có tác dụng to lớn. Với sự hiểu biết, thấu cảm của mình, nhân dân đã không còn hoang mang, lo lắng mà tích cực sát cánh cùng chính quyền chống dịch trên mọi mặt trận.
Khi Hà Nội có ca dương tính đầu tiên rồi những ca tiếp theo, một số biểu hiện thái quá vẫn xảy ra nhưng nhanh chóng ổn định trở lại. Sở di như vậy là bởi đa phần người dân tin tưởng vào Chính phủ, vào chính quyền thành phố, tin tưởng vào công cuộc chống dịch của chúng ta đồng bộ từ trên xuống dưới.
Đặt trọn niềm tin yêu vào những “thiên thần áo trắng”
Xưa nay, do tính chất công việc phải trực tiếp đối mặt với bệnh tật, tính mạng của người dân, các y, bác sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực y tế vẫn gặp phải ác cảm, định kiến. “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”, phải trải qua những ngày tháng chống dịch khẩn trương, quyết liệt như thế này mới thấy sự hi sinh, công sức của những “thiên thần áo trắng” rất đáng khâm phục.
Trong khi nghe nói đến virus corona, mọi người đều phải đề phòng cảnh giác. Ai hắt hơi, sổ mũi, ho hay kêu sốt là những người xung quanh đều nín thở. Sự tiếp xúc với thang máy, tay nắm cửa, các phương tiện công cộng, người bán hàng, giao tiếp với nhau phải hạn chế. Vậy mà y tá, bác sĩ phải ngày đêm trực tiếp khám chữa, chăm sóc cho người đã bị nhiễm bệnh.
Như vậy họ có nguy cơ rất cao là mắc loại dịch bệnh chết người này. Những lúc như thế này, không có họ người dân biết trông chờ ở đâu? Báo chí nêu gương có bác sĩ phải trốn nhà, nói dối người thân để đi lên chuyến bay đón người Việt ở Vũ Hán về.
Còn hàng nghìn, hàng vạn người làm trong các bệnh viện khắp cả nước, các tổ công tác phải điều trị cho người nhiễm virus corona tại các ổ dịch, bệnh viện có người nhiễm và nghi nhiễm, các trạm kiểm soát dịch. Suốt thời gian qua họ miệt mài không quản vất vả, nguy hiểm, chuyên tâm công tác với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đạt được những kết quả mà cả thế giới phải thán phục.
Ngay khi bệnh nhân thứ 17 được công bố, nhân dân cũng hiểu rằng những y, bác sĩ tại bệnh viện Hồng Ngọc là nơi bệnh nhân này đến khám bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Khi Hà Nội có những ca dương tính đầu tiên, áp lực sẽ là rất lớn cho cả nước cũng như ngành y tế bởi lẽ tốc độ lây lan của dịch này quá lớn và quá rộng.
Những "thiên thần áo trắng" nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 |
Thông qua đợt dịch bệnh này mọi người đã hiểu ra và trân trọng hơn sự hi sinh, cống hiến tận tình của những người làm trong ngành y. Ác cảm và định kiến xưa kia đã thực sự thay đổi một cách tích cực, thấm đẫm tình người và sự biết ơn.
Không những thế, người dân đã bày tỏ tình cảm của mình bằng những việc làm cụ thể đẻ biểu hiện tấm lòng biết ơn, là lời động viên chân thành đến những y bác sĩ đang căng mình trong tuyến đầu chống dịch. Báo VnExpress cho biết “Hàng chục nghìn hộp sữa, những chuyến xe chở mỳ tôm, bánh chưng, dưa hấu được người dân, doanh nghiệp chở đến Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh trong những ngày chống dịch”. Dù là doanh nghiệp có điều kiện hay chỉ là một nhân viên khách sạn bình thường tại Hà Nội đều đã thể hiện trách nhiệm chung trong cuộc chiến không của riêng ai này.
Việc người dân tiếp tế thực phẩm, khẩu trang, trang thiết bị cho bác sĩ, y tá tại các bệnh viện dã chiến để họ có thêm sức khỏe, sức đề kháng yên tâm làm nhiệm vụ đã cho thấy người dân thực sự tin tưởng và yêu mến những người làm công việc vừa hiểm nguy vừa quan trọng.
Bác sĩ Trần Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chia sẻ, những ngày qua các đồng nghiệp của chị phải mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống và thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc. Vì thế, "Sự ủng hộ bằng vật chất và tinh thần của các cá nhân, tổ chức đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi trong cuộc chiến này", bác sĩ Ninh nói.
Ai là người Việt mà chẳng thấy tràn đầy tình yêu và nghị lực, quyết tâm đoàn kết, lan tỏa yêu thương hơn nữa để chống dịch sau khi nghe những câu chuyện này.
(Còn nữa)