Tag
Văn chương viết về Hà Nội - “vàng” đã lộ chờ bàn tay người tạo tác

Bài 4: Những tác dụng kì diệu của văn học

Văn hóa 26/07/2023 08:00
aa
TTTĐ - Văn học có đặc trưng riêng không chỉ lưu trữ mà còn thể hiện tâm hồn, văn hóa đặc trưng của vùng đất một thời. Không những thế, trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, văn học cũng có tác dụng to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội thông qua những cuốn sách chất lượng. Đó là lí do tại sao rất cần những tác phẩm thể hiện tâm tư, cái hay, cái đẹp của người Hà Nội những ngày ta đang sống.
Bài 1: Chưa nhiều tác phẩm lớn phản ánh đời sống, văn hóa người Hà Nội đương đại Bài 2: Lưu trữ, chắt lọc những kí ức Bài 3: Hiện thực ngồn ngộn chất liệu

Lưu trữ, điều chỉnh giá trị văn hóa

Ta còn nhớ những tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, “Món ngon Hà Nội”, “Gánh hàng hoa”… đã để lại trong lòng người đọc nhiều năm sau ấn tượng về nét thanh lịch, cầu kì, tinh tế của người Hà Nội xưa kia.

Gió bấc riêu riêu, mưa phùn Hà Nội
"Mưa riêu riêu, gió lành lạnh"

Ai không từng rung động trước những câu văn: “Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xăm có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…”.

Hay vào lúc tháng 9: “Nhìn ra thì thấy cái gì cũng vẫy chào, hẹn hò nhau, cái gì cũng tơ hồng quấn quít, cái gì cũng đủ lứa no đôi; Hồng thì có cốm đẹp duyên, bưởi thì có lòng ân ái, gió bấc có mưa phùn, cam vàng có quít xanh, ăn cái món rươi thế nào cũng phải có vỏ quít mới dậy mùi, thế thì tôi đố ai cầm lấy chén cơm mới đưa lên môi mà lại không nghĩ ngay đến chim ngói nhồi củ cải, thịt ba chỉ, hạt sen và miến?”.

Bài 4: Những tác dụng kì diệu của văn học
"Hồng thì có cốm đẹp duyên"

Ẩm thực Hà Nội vốn nổi tiếng là tinh hoa, đương nhiên cũng là bởi người Hà Nội sành ăn, cầu kì và tao nhã đúng chất kinh kì. Được người xa Hà Nội 11 năm như Vũ Bằng, viết với nỗi nhớ da diết người vợ tào khang, đứa con bé bỏng thì còn gì lắng đọng tâm tư hơn thế, cồn cào hơn thế.

Thông qua những trang văn ấy, có phải chỉ là món ngon, chỉ là nỗi nhớ, mà đó là nét sinh hoạt, là văn hóa của mỗi người, mỗi thời. Chả thế mà, tác giả Vũ Thế Long đã cất công viết nên cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” với tâm niệm thông qua hoạt động này mà tìm hiểu, khai thác một góc văn hóa người Hà Nội. Ông từng chia sẻ: “Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới”.

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội (Ảnh minh họa)
Mâm cỗ Tết của người Hà Nội (Ảnh minh họa)

Trong “Mùa lá rụng trong vườn”, mâm cơm Tết nhân vật Lý chuẩn bị “có vây, lại còn cả mọc nữa” cũng cho thấy ẩm thực cầu kì, sang trọng của một gia đình “chuẩn Hà Nội”. Hay những chi tiết nhỏ như thói quen bật bản nhạc “Vườn khuya”, chuẩn bị mùa hè thì ngâm nước mơ, tiết Hàn thực thì làm bánh trôi bánh chay có tinh dầu hoa bưởi, đêm Giao thừa thì gieo hạt mướp… cũng cho thấy nét sinh hoạt đời thường nhưng đậm chất văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Vấn đề mà tác phẩm nói đến sâu xa đằng sau những nếp sinh hoạt, thói quen, tính cách của con người biến chuyển cùng xã hội còn là sự thoái hóa, biến chất, đi xuống của đạo đức, của lề lối gia phong. Do đó, sự lên án ấy còn là lời cảnh báo để người đọc nhận ra, điều chỉnh kịp thời trước những lệch chuẩn ấy để tránh nhận những bài học, kết cục của gia đình, của bản thân như những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đề cập đến.

Hiện tại, rất nhiều loại hình nghệ thuật lên ngôi. Báo chí, nhiếp ảnh, mạng xã hội, tiktok… cũng góp phần ghi lại tất cả những điều đó chân thực và rõ nét. Nhưng văn học vẫn sẽ gợi nên cảm xúc nhất trong lòng người của nhiều thời sau bằng giá trị của ngôn ngữ.

Cái hay của văn học là khiến người ta đọc xong phải huy động trí tưởng tượng.

Vì tưởng tượng nên mỗi người sẽ có cảm nhận và hiện lên trong trí não mình những cảm xúc, hình ảnh khác nhau, tạo nên sự mơ màng, lắng đọng và những ấn tượng riêng.

Trả lời câu hỏi “Những chuyển biến trong văn hóa, con người Hà Nội ngày nay cần được đưa vào trang văn như thế nào?”, nhà văn Đỗ Phấn khẳng định: “Đây là câu hỏi rất lớn không chỉ cho thế hệ chúng tôi”.

Ông cho rằng: “Các bạn viết trẻ cũng cần phải có những chuẩn bị kĩ càng. Cái chuyển biến trong văn hóa và con người Hà Nội tuy chậm chạp nhiều khi không định hình.

Rất khó để nhận biết. Đó là một chuyển biến rất lớn của cả thời đại.

Người viết tất nhiên chẳng lí giải những chuyển biến ấy theo nghĩa cơ học làm gì. Nhà cửa, áo quần, xe cộ có đổi khác đấy nhưng chẳng có nghĩa gì nhiều trong việc biến đổi cốt cách của con người nơi đây. Sách vở nếu chỉ miêu tả những thay đổi ấy e rằng hơi thừa thãi. Việc ấy đã có báo chí đảm nhận hàng ngày rồi. Nhà văn là phải đi sâu vào bản chất của vấn đề để viết mang tính chất tổng kết hay dự báo về những biến chuyển ấy”.

Lan tỏa hình ảnh Thủ đô

Có rất nhiều hình thức lan tỏa văn hóa và mỗi hình thức đều có đối tượng riêng của mình. Văn học cũng vậy. Từng địa danh trong những cuốn sách sẽ đằm sâu trong trái tim hay thôi thúc những người đọc mộng mơ cất bước lên đường. Có ai từng đọc “Những cây cầu ở quận Madison”, nhất là khi nó chuyển thể thành phim mà không từng ao ước được đặt chân đến những cây cầu của tình yêu ấy.

Những ai đọc “Người tình” mà không từng muốn đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) hay nhà Bá Kiến (Hà Nam) cũng trở thành khu lưu niệm thu hút khách tham quan nhờ vào truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao. Hay từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” được dựng thành phim “Chuyện của Pao”, ngôi nhà được lấy bối cảnh quay phim (ở Đồng Văn, Hà Giang) cũng trở thành điểm du lịch, check-in vô cùng độc đáo, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước.

Bài 4: Những tác dụng kì diệu của văn học
"Ngôi nhà Bá Kiến" tại Hà Nam

Nói như thế để thấy, văn học cũng có sức lôi cuốn lượng độc giả riêng của mình và tạo ra những trường ảnh hưởng.

Ở Việt Nam, trường hợp “quảng bá” địa danh qua văn học một cách “tình cờ và bất ngờ” phải kể đến nhà thơ Huy Cận với “Các vị La Hán chùa Tây Phương”. Bài thơ lột tả được giá trị của các pho tượng đồng thời nói lên sự đổi thay của xã hội mang đến luồng sinh khí mới cho cả thời đại.

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Các vị La Hán chùa Tây Phương

Người Việt Nam ai ai chẳng thuộc những câu thơ được học từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Từ kí ức này, bao người muốn đến chùa lễ Phật, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tài hoa của các nghệ nhân tạc tượng khi xưa cũng như tìm hiểu kiến trúc độc đáo của ngôi chùa trên đỉnh Câu Lậu Sơn (Thạch Thất, Hà Nội). Để giờ đây, không chỉ riêng dịp “Nhớ ngày mồng sáu tháng ba/Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây” trở thành lễ hội lớn trong vùng mà quanh năm ngôi chùa này đông người đến hành hương, chiêm bái.

Chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội)
Chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội)

Còn rất nhiều cuốn sách sẽ ghim vào lòng người đọc và dấy lên trong họ tình yêu với mảnh đất xa xôi nhưng lại vô cùng gần gũi vì họ đã thấy thân thuộc với nó qua từng trang sách. Các nhà văn viết về Hà Nội gợi nên “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm” (Nguyễn Ngọc Tiến) hay “Hà Nội, quán xá phố phường" (Uông Triều) không chỉ là câu chuyện quanh chiếc hồ, các món ăn mà độc giả sẽ thấy được ở đó nét văn hóa Hà Nội thông qua từng sự đổi thay, từng nếp sinh hoạt trong từng trang viết. Ít nhiều, những người đọc được các cuốn sách này sẽ muốn đến ngắm lại hồ Tây hôm nay xem có dáng dấp gì của ngày xưa hay khám phá những món ăn, những hàng quán mà tác giả đã miêu tả.

Còn rất nhiều nhà văn đang tiếp tục viết về những cái hay, cái đẹp và cả những cái không đẹp của Hà Nội nhưng tất thảy đều hướng đến một điều: Lưu trữ, tìm hiểu, khai phá thêm những nét văn hóa của Thủ đô để gửi gắm vào trang sách.

Trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, những cuốn sách, những tác phẩm hay viết về mảnh đất này cũng sẽ là một "kênh" quảng bá hữu hiệu hình ảnh của Thủ đô, lôi cuốn độc giả đến với mảnh đất này. Vì thế, ở góc độ quản lý hay ở góc độ tác giả, đầu tư cho trang sách, đầu tư cho tác phẩm cũng chính là gieo giống tốt để gặt quả ngọt.

Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết đang viết cuốn “Làng làng, phố phố Hà Nội” về những điều lạ, điều chưa biết về Hà Nội.

Ví dụ, nhiều người viết rằng Hà Nội có làng làm thuyền nhưng không có thông tin thêm, diễn giải thêm cái làng đó ở đâu, như thế nào thì nay ông sẽ đào sâu, khai thác để đưa ra với người đọc. Hay cũng nhiều người viết Hà Nội có làng khoa bảng và người làng ấy tin vào phong thủy, đất học mà không đi sâu giải thích thêm tại sao làng ấy lại có nhiều người học giỏi như thế?

Tất cả những vấn đề ấy ông nhận ra rằng phải tìm tòi, nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn để tìm ra phẩm chất của người Hà Nội xưa và thông qua đó để nói lên bài học cho ngày hôm nay.

Phố phố, làng làng Hà Nội (Ảnh minh họa)
Phố phố, làng làng Hà Nội (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, thân phận người Hà Nội “khổ” nhất cả nước cũng được ông đưa ra diễn giải. Đó là vấn đề của thời hiện đại như khi nằm xuống người thân phải mua đất ở nơi khác để chôn. Còn trong lịch sử, Thăng Long, Hà Nội luôn là đích đến của giặc ngoại xâm. Người dân khi xưa phải chạy giặc, tản cư…

Làng thì rất ít người viết và có những thông tin khó kiểm chứng nên ông mong muốn đưa ra thêm một góc nhìn, một thông tin. Còn với phố, rất nhiều người viết phố cổ, phố cũ nhưng phố làng là như thế nào thì chưa ai viết. Con người bình thường trong phố ấy như thế nào trong bối cảnh văn hóa ngày nay để người đọc hình dung ra một Hà Nội trong chiều dài lịch sử là điều ông muốn đề cập.

Một nét lạ nữa của cuốn sách này là tất cả các bài về làng đều có chữ làng, tất cả các bài về phố đều có chữ phố làng ngoại ô, làng độc đáo, dân phố, người phố, ở phố sướng không… để hấp dẫn bạn đọc. Cũng như các tác phẩm của mình, Nguyễn Ngọc Tiến pha trộn sử địa, thông tin, tình cảm cá nhân vào đó. Đây là cuốn sách thứ 12 của nhà văn nhiều năm trời “đi dọc, đi ngang, đi xuyên” cày xới các vấn đề của Hà Nội.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Triển lãm 100 tài liệu về những ngày tiếp quản Hà Nội Văn hóa

Triển lãm 100 tài liệu về những ngày tiếp quản Hà Nội

TTTĐ - Ngày 3/10, triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản” chính thức mở cửa đón khách tham quan tại Nhà triển lãm (61 Tràng Tiền, Hà Nội).
Người dân và du khách hào hứng với triển lãm "Hà Nội trong tôi" Văn hóa

Người dân và du khách hào hứng với triển lãm "Hà Nội trong tôi"

TTTĐ - Hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tại khu vực Hồ Gươm, triển lãm ảnh ngoài trời “Hà Nội trong tôi” được tổ chức trên không gian đi bộ từ ngày 28/9 đến 29/10.
Trải nghiệm đầy tự hào trên vùng đất thiêng Điện Biên Phủ Nhịp điệu cuộc sống

Trải nghiệm đầy tự hào trên vùng đất thiêng Điện Biên Phủ

TTTĐ - Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên cường và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Tối mai (4/10), khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 Người Hà Nội

Tối mai (4/10), khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024

TTTĐ - Tối mai (4/10), tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội sẽ diễn ra đêm khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024.
Jacqueline Tiên Nguyễn tỏa sáng tại Milan & Paris Fashion Week Thời trang - Làm đẹp

Jacqueline Tiên Nguyễn tỏa sáng tại Milan & Paris Fashion Week

TTTĐ - Tuần lễ Thời trang Milan & Paris trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết với sự góp mặt của Jacqueline Thảo Tiên Nguyễn trên cương vị mới - CEO của DAFC. Hơn nữa, Jacqueline Tiên Nguyễn còn đồng hành cùng Marie Trâm Anh và Ashleigh Huỳnh càng làm tăng thêm sức hút của bộ ba mỹ nhân Việt.
Lắng nghe những cây bàng kể chuyện lịch sử hào hùng Văn hóa

Lắng nghe những cây bàng kể chuyện lịch sử hào hùng

TTTĐ - Thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Bàng ơi...!”. Loài cây bình dị này cũng là chứng nhân để kể lại những câu chuyện lịch sử hào hùng của Hà Nội và đất nước ta.
Hoàng thành Thăng Long tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc Văn hóa

Hoàng thành Thăng Long tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc

TTTĐ - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, triển lãm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Á vương Thái Bùi, Á hậu Tuyết Mai là đại sứ Fitness Supermodel Vietnam Văn hóa

Á vương Thái Bùi, Á hậu Tuyết Mai là đại sứ Fitness Supermodel Vietnam

TTTĐ - “Siêu mẫu thể hình Việt Nam - Fitness Supermodel Vietnam 2024” chính thức khởi động. Đây không chỉ là một cuộc thi nhan sắc mà còn là một sân chơi bổ ích dành cho các bạn trẻ toàn quốc đam mê rèn luyện thể thao với Gym - Fitness. Á vương Thái Bùi và Á hậu Tuyết Mai sẽ là hai gương mặt đại sứ với trọng trách truyền lửa và chia sẻ kinh nghiệm giúp các thí sinh năm nay.
Ra mắt cuốn sách thường niên “Truyện ngắn đặc sắc 2024” Văn hóa

Ra mắt cuốn sách thường niên “Truyện ngắn đặc sắc 2024”

TTTĐ - SBOOKS vừa tổ chức talkshow ra mắt sách "Truyện ngắn đặc sắc 2024" với sự tham gia của hai nhà văn Tống Phước Bảo và Võ Thu Hương.
Triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Văn hóa

Triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

TTTĐ - Triển lãm sách chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sẽ chính thức khai mạc vào hồi 9h30 ngày 9/10 và kết thúc vào ngày 13/10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam số 44 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Xem thêm