Bài 4: Cần môi trường pháp lý chặt chẽ và sự ràng buộc rõ ràng
Bài liên quan
“Sát thủ giấu mặt” trên đường phố - Bài 3: Cần điều chỉnh luật tăng tính răn đe
“Sát thủ giấu mặt” trên đường phố - Bài 2: Tiền mất mà tật vẫn mang
“Sát thủ giấu mặt” trên đường phố - Bài 1: Những con số biết nói
Phải kiểm soát bằng pháp luật
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tai nạn giao thông do rượu bia vẫn tiếp diễn và có phần gia tăng trong thời gian gần đây là do chế tài xử phạt chưa đủ răn đe đối với các tài xế.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung vào công cụ hành chính là phạt tiền, phạt xong hồ sơ lái xe lại như mới. Như vậy, tác dụng giáo dục răn đe chưa cao. Bởi vậy, để công tác thực thi pháp luật có hiệu quả, vấn đề mấu chốt là phải quản lý tái phạm và xử phạt lũy tiến với các vi phạm tái phạm, cưỡng chế thực thi nếu cần thiết.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: “Văn hóa rượu bia đang lây lan mạnh ở nước ta, từ chuyện vui, buồn, đến hiếu, hỉ... nhiều người đều sử dụng rượu bia. Trong khi các nước trên thế giới đều có những ràng buộc nhất định trong việc tiếp cận rượu bia của người dân, từ thuế, phí, hạn chế độ tuổi… thì ở Việt Nam, điều kiện tiếp cận với rượu bia của người dân quá dễ dàng. Nhiều người uống rượu bia vẫn lái xe tham gia giao thông. Họ không nghĩ đến hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra và không quan tâm đến sự an toàn của bản thân cũng như mọi người xung quanh”.
Dẫn chứng cho điều này, thượng tá Nguyễn Quang Nhật đã đưa ra những con số đáng báo động. Cụ thể, trong năm 2018, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; riêng 4 tháng đầu năm 2019, xử lý gần 50.000 trường hợp. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ôtô, xe máy và sẽ triển khai xuyên suốt trong năm. Tuy nhiên, hiện công tác kiểm tra xử lý vi phạm còn gặp khó khăn, bởi phức tạp hơn nhiều so với việc xử lý vi phạm giao thông bình thường. Hiện nay, Cảnh sát giao thông đang áp dụng biện pháp kiểm soát nồng độ cồn quốc tế, tương đương các nước, kiểm soát định tính trước rồi mới kiểm soát định lượng. Tức là bước đầu, lực lượng chức năng chỉ cần xác định tài xế có sử dụng rượu bia, sau đó mới chuyển sang kiểm soát nồng độ cồn cụ thể là bao nhiêu.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông |
Tuy nhiên, theo đánh giá của thượng tá Nhật, những việc làm đó của Cảnh sát giao thông xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. “Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm. Bên cạnh chế tài xử phạt và việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng cũng cần có cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, thượng tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Bàn về giải pháp nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh: “Hiện nay, sự quan tâm của cộng đồng mạng đối với những người uống rượu bia vẫn tham gia giao thông, gây tai nạn nghiêm trọng là rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta tổ chức các đợt truyền thông, thay đổi nhận thức, hành vi về việc uống rượu bia không lái xe. Nếu không làm tốt khâu tuyên truyền từ đầu thì tình trạng tai nạn giao thông rất khó có thể giảm được”.
Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng cũng nêu rõ, cần phải hiểu rõ, tuyên truyền giáo dục là một gói các giải pháp: Thứ nhất, xây dựng các chuẩn tắc; thứ hai, phổ biến cho mọi người biết qua tuyên truyền, giáo dục; thứ ba là kiểm tra và xử lý. Có ba nhóm này mới hình thành tuyên truyền giáo dục và thay đổi hành vi, đó mới là mục đích tận cùng của việc truyền thông.
Sửa luật để xử lý nghiêm
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có Chỉ thị yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016 của Chính phủ theo hướng nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt là người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, khẩn trương phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2020 trình lãnh đạo Ủy ban ký ban hành.
Đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng quán triệt thực hiện nghiêm việc không được sử dụng rượu bia, chất có cồn khác trong thời gian làm nhiệm vụ và khi tham gia giao thông. Tổng cục Đường bộ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng công chức Thanh tra giao thông của Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, các đơn vị nêu trên phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép tham gia giao thông.
Tuy nhiên, để không còn những nỗi đau vì tai nạn giao thông, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng và các cấp chính quyền, bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông cần phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Hãy cùng chung tay hành động để góp phần kiềm chế và từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông bằng các việc làm thiết thực vì hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.