Bài 4: Bữa cơm đạm bạc của những lao động bốc vác
Lao động bốc vác tại khu vực chợ Ninh Hiệp
Quệt giọt mồ hội lăn dài trên má trong thời tiết giá lạnh, anh Nguyễn Văn Dũng, 35 tuổi, người làm nghề bốc vác tại chợ Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Cuối năm, giá thực phẩm lại leo thang, kiếm tiền thì khó mà tiêu tiền tốn kém quá. Tôi càng phải cật lực làm việc…”.
Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết, nhà anh ở tỉnh Thanh Hóa, thuộc hộ nghèo. Năm 22 tuổi, anh lập gia đình nhưng hai vợ chồng không nhà riêng, không nghề nghiệp. Vì vậy, anh và vợ lên Hà Nội lập nghiệp. Hàng ngày, anh Dũng và vợ túc trực ở chợ Long Biên và một số địa điểm đợi người thuê bốc vác. Sau khi vợ anh sinh con, chỉ còn mình anh làm việc trang trải cuộc sống gia đình, nuôi những đứa trẻ lớn lên, vậy nên, số tiền anh kiếm được mỗi ngày không thấm vào đâu.
Người đàn ông 35 tuổi tâm sự: “Mỗi ngày tôi bốc vác cả tấn hàng. Thời gian đầu chưa quen, tay bị chai, sưng phồng, lưng vai đau nhức không ngủ được nhưng giờ thì quen. Tuy vất vả nhưng công việc đều đặn, chịu khó chắt chiu, tôi cũng để dành được một khoản cho con cái học hành”.
Hết giờ làm cũng là lúc trời sáng, anh Dũng thường tranh thủ về chợp mắt trong căn nhà trọ nhỏ, ẩm thấp tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Những bữa cơm trong thời điểm thực phẩm tăng cao không đảm bảo dinh dưỡng cho người làm công việc nặng nhọc như anh tái tạo sức lao động.
“Suốt 2 tuần nay tôi chưa mua lạng thịt lợn nào. Giá thịt lợn cao nên tôi bảo vợ tiết kiệm, thôi thì nhịn miệng để còn có tiền cho con học hành, rồi tiêu Tết nữa”, anh Dũng phân trần.
Vớt mớ rau cải luộc ra bát, vợ anh Dũng thở dài nhặt những chiếc lá còn sót lại. Bữa cơm tối của vợ chồng trẻ vỏn vẹn có rau cải luộc, hai bìa đậu, nước rau cho thêm ít dầu, bột ngọt làm canh. Món sang nhất trong mâm - mấy miếng thịt nạc kho là phần của đứa con trai út 3 tuổi. “Không chỉ thịt lợn giá cao mà rau xanh cũng tăng giá, bữa cơm của chúng tôi đã ít thịt, giờ ít cả rau”, vợ anh Dũng than thở.
Những xe hàng liên tục được chị Lê Thị Mận, 36 tuổi, quê ở Thái Bình vận chuyển từ trong chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội đến các điểm tập kết hàng. Với chị Mận, chuyện trẹo cổ, tím người vì liên tục kéo xe, dỡ hàng không có gì đáng sợ nữa.
Sau giờ làm việc, người phụ nữ tần tảo này lại “đau đầu” vì không biết phải ăn gì, mua như thế nào cho vừa với khoản tiền ít ỏi mà còn phải lo hàng loạt việc không tên. Món thường xuyên của gia đình chị là canh rau, thịt kho. Tuy nhiên, dạo gần đây giá thịt lợn tăng, các loại rau cũng tăng giá, canh được thay bằng món rau luộc với phần nước nhiều hơn và số lượng thịt chỉ còn 1/3 so với trước.
Xong một “cuốc” bốc vác, chị Mận lại đứng đầu chợ Ninh Hiệp, mắt nhìn xung quanh tìm hàng cần thuê người bốc vác. Chị Mận cho biết, ban ngày chị làm ở chợ Ninh Hiệp, rồi tối đến lại chạy về chợ Long Biên, Hà Nội để làm thêm. Cứ khi mọi người chìm vào giấc ngủ, chị lại bận rộn bốc vác thuê. Chợ Long Biên cũng là nơi làm việc quen thuộc của chị, bởi lưu lượng hàng hóa về đây nhiều, họ cần thuê người nhiều hơn.
Nỗi lòng của người phụ nữ càng nhiều lo âu khi Tết cận kề. Chị Mận bày tỏ: “Mấy hôm nay, tôi cố làm đến đầu sáng, dù mệt nhưng gần Tết nên nhiều việc, cũng cố “cày” kiếm thêm tiền. Đi làm miết đêm, tôi thương con nhỏ không được mẹ ẵm bồng khi ngủ nhưng vì cuộc sống khó khăn đành chấp nhận. Tết đền bù đắp cho con sau”.
Mỗi buổi tối, không chỉ chợ Long Biên nhộn nhịp mà các chợ đầu mối trên địa bàn Thủ đô, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Quảng An... cũng tất bật. Trong cái giá rét buốt của những ngày cuối năm, hàng chục phụ nữ “chân yếu tay mềm” vác trên vai những bao hàng rất nặng, vì miếng cơm manh áo, vì thực hiện ước mơ cho con trẻ có quần áo mới, bữa cơm có thịt, bánh chưng và mai này có cuộc sống đủ đầy những người phụ nữ này đã chẳng nề hà.
Thường thức dậy từ 2 giờ sáng qua chợ Long Biên gánh hàng, rồi từ 8 giờ lại di chuyển sang làm thuê ở chợ Đồng Xuân, chị Lê Thị Ngọc, 36 tuổi, quê Hà Nam nhìn già hơn so với tuổi của mình. Nhìn vóc dáng, không ai nghĩ chị đã hơn chục năm làm việc ở khu chợ này.
Chị Ngọc có 3 đứa con đều đang đi học. Chồng chị bị bệnh và mất cách đây một năm. Người phụ nữ này vừa làm mẹ, vừa làm cha, thay chồng chăm sóc nuôi dưỡng các con. Kinh tế khó khăn, chị Ngọc khốn khổ mưu sinh. Miếng cơm, manh áo của gia đình nghèo khó phụ thuộc vào ngày công bốc vác của chị.
Trong lúc ngồi chờ khách tới thuê, chị tâm sự về công việc, tuy nặng nhọc nhưng một ngày chị cũng kiếm được khoảng 300 - 500 nghìn đồng. Với số tiền đó chị Ngọc vẫn phải tiêu dè xẻn, phân định từng đồng mua gạo, mua muối vì chị còn nuôi bố mẹ già ốm đau, tiền cho con cái học hành…
“Ngày thường những bữa cơm có thịt để cải thiện đã rất khó với tôi, huống gì trong thời điểm cuối năm và giá cả lại “leo thang” như bây giờ…”, chị Ngọc trải lòng.
Bài liên quan
Bài 3: Công nhân trẻ “ứng phó” với bão giá
Đời sống khó khăn vì giá thực phẩm tăng vọt - Bài 2: Người lao động tự do chật vật xoay sở
Đời sống khó khăn vì giá thực phẩm tăng vọt