Bài 3: Xử lý nghiêm, tạo răn đe từ cơ sở
Kiến nghị thu hồi các dự án chậm triển khai
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ, Hà Nội cần phải rà soát tổng thể, dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Dự án nào chủ đầu tư không có khả năng tài chính hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì kiên quyết thu hồi. Dự án nào chậm do thủ tục, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu các quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai kịp tiến độ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, đất đai đã giao mà doanh nghiệp không triển khai thì cần phải xem xét tại sao không triển khai và kiên quyết thu hồi nếu năng lực chủ đầu tư yếu kém.
Khu đất "vàng" ở ngõ 60 Dương Khuê, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, bị chiếm dụng để hoạt động chợ tạm với quy mô hàng nghìn mét vuông do dự án chưa triển khai |
Những khu “đất vàng” đang bị bỏ hoang cần phải được rà soát, xem xét để thực hiện thu hồi, thay chủ đầu tư có năng lực đảm nhận xây dựng theo đúng chức năng của ô đất đã được phê duyệt. Ngoài ra, các nhà quản lý, lãnh đạo cùng chủ đầu tư dự án cần trao đổi, gắn kết để nắm được những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, qua đó tìm ra cách tháo gỡ để dự án được triển khai.
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho rằng, Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ ràng về việc thu hồi dự án chậm triển khai.
Theo đó, Luật Đất đai quy định trong vòng 24 tháng nếu không triển khai sẽ được gia hạn thêm 24 tháng nữa. Nếu trong vòng 48 tháng kể từ ngày dự án được phê duyệt vẫn để “treo” thì Nhà nước có quyền thu hồi toàn bộ đất và tài sản đã đầu tư trên đất.
"Tôi cho rằng, không chỉ Hà Nội mà các tỉnh, thành khác cần phải siết chặt thực hiện quy định pháp luật trên để tránh trường hợp dự án “treo” nhiều năm, gây thất thoát tài nguyên quốc gia", luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, kiên quyết thu hồi các dự án mà đơn vị được giao đất cố tình chậm triển khai hoặc không đủ năng lực… nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan lý đất đai cũng như các luật sư cho rằng, phải xem xét trách nhiệm của chính quyền các phường, xã cơ sở.
Theo lý giải của các chuyên gia, phần lớn dự án chậm triển khai đều đang bị sử dụng sai mục đích. Do đó, với vai trò là chính quyền cơ sở, các địa phương phải có trách nhiệm đối với những vi phạm này.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc các bãi xe không phép tồn tại, hoạt động nhộn nhịp gây thất thu thuế lớn cho cho ngân sách Nhà nước.
“Phải có người “chống lưng”, không thể tự dưng những sai phạm cứ mãi tái diễn, bãi xe không phép chềnh ềnh giữa phố đông người”, PGS. TS Thủy khẳng định.
Dãy nhà tạm dựng trên khu đất dự án chậm triển khai ở đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm |
Đề cập đến hàng loạt vụ hỏa hoạn liên quan đến các ki ốt ở những ô đất dự án chậm triển khai diễn ra trong thời gian qua, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, chúng ta có thể xem xét về vai trò của chính quyền địa phương trong việc thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chính quyền cơ sở có vi phạm trong quản lý đất đai dẫn đến người dân vi phạm, lấn chiếm đất hay không? Nếu có, những hành vi này cần được khởi tố hình sự để răn đe, phòng ngừa chung.
Bãi xe quy mô hàng trăm chiếc ô tô, xe máy trên phần đất dự án chưa được triển khai ở cuối đường Thành Thái, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy |
Có thể nhận thấy, tình trạng đất dự án bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích không phải là vấn đề mới và đã tồn tại trong nhiều năm qua. Mặc dù TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục vấn nạn này nhưng đến thời điểm hiện tại đây vẫn là vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nhiều rủi ro với cuộc sống của người dân. Do đó, hơn lúc nào hết, chính quyền cơ sở cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đất đai phát huy được hết giá trị của nó.
Thực hiện các nội dung kiến nghị tại Báo cáo của HĐND TP tháng 7/2021, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế TP, căn cứ các nội dung kiến nghị của HĐND TP rà soát, xử lý; Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả. |