Bài 3: Xóa bỏ tư duy “việc của Nhà nước”
Không gian vui chơi của trẻ sau khi các sân chung ở Đống Đa được cải tạo.
Bài liên quan
Tìm lại sân chơi cho các khu tập thể - “Cuộc chiến” dai dẳng - Bài 1: Biến sân chung thành của riêng
Tìm lại sân chơi cho các khu tập thể - “Cuộc chiến” dai dẳng - Bài 2: Hiệu quả nhờ sự quyết liệt
Siết chặt quản lý, xử phạt
Sở dĩ xảy ra tình trạng lấn chiếm các sân chơi chung là do các khu chung cư cũ đã tồn tại nhiều năm, nhiều khu vực chưa được quy hoạch cụ thể. Các khu vực và diện tích dành cho mục đích công cộng và vui chơi cho trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư tăng cao gây áp lực cho hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực. Mưu cầu cuộc sống, thói quen sinh hoạt cũng dẫn tới việc lấn chiếm sử dụng không gian công cộng vào mục đích kinh doanh dịch vụ.
Thực tế, chính quyền các cấp đã ra quân xử lý việc lấn chiếm sân chung ở các khu tập thể. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ chính các đơn vị, việc xử lý gặp không ít khó khăn do những trường hợp lấn chiếm sân chung làm nơi kinh doanh đều là các hộ dân sinh sống ngay tại đó. Vì thế, mỗi khi lực lượng chức năng tới dẹp bỏ thì họ lại dọn ngay vào nhà, khi các lực lượng chức năng rút đi, họ bày ra như cũ.
Ngoài ra, việc thực hiện xử lý dẹp bỏ vẫn chưa quyết liệt, dẫn đến tình trạng tái phạm. Đơn cử như tại các khu tập thể Văn Chương (Đống Đa), Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chính quyền địa phương đã đổ bê-tông, xây tường bao quanh, lắp cầu bập bênh, ngựa quay, ghế đá... tạo sân chơi cho trẻ em nhưng do quản lý không tốt, một thời gian sau một số hộ dân đã chiếm dụng làm nơi đun nấu, bán hàng ăn.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhận thức của lãnh đạo địa phương. Bác sĩ An nêu quan điểm: “Thực tế tâm lý của một số lãnh đạo địa phương cho rằng, đầu tư các khu vui chơi giải trí cho trẻ em không sinh ra lợi nhuận bằng các loại hình nhà hàng, khách sạn, bãi xe... Vì vậy, họ cố tình phớt lờ việc sân chơi cho trẻ bị chiếm dụng để kinh doanh”.
Đáng lo ngại hơn, việc thiếu điểm vui chơi an toàn và lành mạnh đã vô hình đẩy trẻ em sa đà vào game, internet. Hậu quả là các em thiếu kỹ năng sống dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. “Việc thiếu sân chơi kéo dài như hiện nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ em”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, theo các nhà quản lý, cần phải có giải pháp tổng thể. Trước mắt, các địa phương phải giải quyết được bài toán về trông giữ phương tiện, có nơi mua sắm tiện lợi, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho người dân trong khu vực đó. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chung của người dân.
Cũng theo ý kiến các nhà quản lý đô thị, thay vì khoanh tay bất lực, chính quyền địa phương có thể chủ động tìm giải pháp cho vấn đề này, trước tiên là tìm cách sử dụng hiệu quả hơn sân chung. Những phần còn lại phải dành riêng cho sinh hoạt cộng đồng, không ai có thể lợi dụng cho mục đích cá nhân.
Trước hết, các địa phương cần xác định hiện có bao nhiêu khu vui chơi đã xuống cấp, những điểm giải trí nào không bảo đảm điều kiện an toàn, nơi nào cần được nâng cấp và trang bị thêm… nhằm bảo đảm cho trẻ em nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung có thể sử dụng tích cực, lành mạnh.
Khảo sát, cải tạo, nâng cấp một cách triệt để đối với những thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, những không gian dành cho hoạt động giải trí tại các khu dân cư không chỉ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, đặc biệt là trẻ em, mà còn giúp thu hồi những phần sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Làm tốt việc này còn giúp ngăn chặn những biểu hiện tương tự trong tương lai; bảo đảm những khu vui chơi giải trí quy mô lớn không rơi vào cảnh xuống cấp hoặc có “vỏ” hoành tráng nhưng “rỗng ruột”.
Tăng cường phối hợp với cộng đồng, dân cư
Việc đầu tư, cải tạo các sân chơi chung là cần thiết để vừa làm đẹp cảnh quan, vừa giữ gìn môi trường đô thị, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng. Người dân chính là đối tượng được thụ hưởng những thành quả của hoạt động xã hội này. Vì vậy, người dân cũng cần bảo vệ vì chính quyền lợi của mình.
Từ câu chuyện của bà Nguyễn Thị Vần ở phường Phương Mai đứng ra cải tạo sân chơi cho các cháu, có thể thấy rằng làm sân chơi không quá tốn kém. Với kinh phí khoảng 20 triệu đồng, mỗi khu tập thể, khu dân cư hoàn toàn có thể tự đóng góp. “Trước hết, chúng ta cần bỏ thái độ bàng quan, cho rằng đây là việc Nhà nước lo, mình có lo cũng không được. Sân chơi phục vụ chính con em mình, mình phải lo trước, không thể cứ ngồi đợi mãi”, bà Vần cho biết.
Đòi lại không gian vui chơi công cộng tưởng chừng rất khó song nếu có sự phối hợp cùng cộng đồng dân cư sở tại, sự việc sẽ trở nên đơn giản hơn. Việc xây dựng khu tập thể Bộ Thủy sản (ngõ 20, phố Nguyễn Công Hoan) là một thí dụ.
Khu tập thể này có sân chơi rộng khoảng 150m2. Như những sân chơi khác, nó bị chiếm dụng từ lâu. Trong đó, một quán phở đã “ngự” tại đây 20 năm. Mọi người trong khu tập thể đều thấy trẻ con thiếu chỗ chơi nhưng không ai nghĩ đến chuyện “đòi lại” sân chơi cho bọn trẻ. Khi đại diện khu dân cư biết đến mô hình tạo sân chơi bằng vật liệu giá rẻ của nhóm Think Playgrounds (nhóm nghĩ về sân chơi), các bác đã triệu tập cuộc họp và thống nhất sẽ đòi lại sân chơi cho các em. Sau đó, đại diện khu dân cư đã liên lạc với Think Playground để thiết kế, xây dựng khu vui chơi phù hợp. Khi cả tổ dân phố cùng đồng lòng, cử đại diện đến thuyết phục, chủ quán phở đồng ý dọn vào trong nhà, trả lại không gian cho tập thể. Nhiệm vụ “giải phóng mặt bằng” đã xong, nhóm Think Playgrounds bắt tay vào thi công.
Sau một tháng, một sân chơi đơn giản nhưng như “trong mơ” với bọn trẻ khu tập thể được khánh thành với tổng chi phí hơn 10 triệu đồng. Người dân khu tập thể rất vui vì thành quả đó có sự góp sức của chính họ. Nhiều người bảo, số tiền tham gia đóng góp chỉ bằng một buổi bọn trẻ đi chơi nhưng mang lại bao lợi ích.
Hà Nội không thiếu đất xen kẹt trong các khu dân cư, không thiếu các khu vực vốn được thiết kế làm sân chơi cho trẻ em, nhất là ở những khu tập thể cũ nhưng phần lớn chúng đang bị chiếm dụng. Việc có lấy lại được hay không phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và người dân ở chính các địa phương ấy. Nếu mọi người cùng nghĩ về những sân chơi, nghĩ về quyền lợi của trẻ em, thì việc tạo thêm nhiều sân chơi cho trẻ em trong thành phố không còn là việc khó.