Bài 3: Tiếp tục "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"...
Ra mắt cuốn hồi kí dành cho người yêu thích cái đẹp và nghệ thuật lãnh đạo |
Nghệ sĩ trẻ chớ vội nổi tiếng theo kiểu đốt đền
Ai cũng biết, so với sách báo, âm nhạc là thể loại chiếm ưu thế rất lớn. Với tốc độ phát triển của thời công nghệ 4.0 hiện nay, các sản phẩm nghe nhìn càng lên ngôi vì tác động trực tiếp đến thị giác, thính giác của công chúng.
Bên cạnh đó, một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ chưa đủ tầm văn hóa, bản lĩnh, tư duy đúng-sai, đẹp-xấu để phân định rạch ròi giữa tác phẩm nghệ thuật và rác phẩm văn hóa độc hại, rất dễ trở thành trung gian, thành người tung hô, lan truyền cho những bài hát, MV phản cảm này. Không chỉ thế, nội dung của nó còn tác động xấu đến tâm lý khán giả, làm hư hại tâm hồn, tính cách người nghe.
Những sản phẩm âm nhạc có cả nội dung, hình thức đẹp, hay sẽ chạm đến trái tim người nghe (Ảnh minh họa) |
Vì vậy, làm thế nào để chấm dứt tình trạng này? Bài học nào cho cả công chúng và những người trong nghề? Cái cốt lõi vẫn là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để nâng cao thị hướng cả người sáng tác và người nghe, giúp họ phân biệt cái hay cái dở, đồng thời, các cơ quan quản lý cũng phải mạnh mẽ vào cuộc ngăn chặn ngay từ trong mầm mống những hiện tượng này.
Thưởng thức âm nhạc với những ca từ đẹp sẽ giúp tâm hồn chúng ta ngày một tích cực và hướng tới những điều tốt đẹp nhất. Chính vì thế, các nhạc sĩ cần kế thừa và phát huy những điều đẹp đẽ nhất của một nền âm nhạc Việt để ngày càng có thêm thật nhiều các ca khúc hay và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Theo quan điểm làm nghề của nhạc sĩ Tú Dưa, bài hát nên mang ca từ đẹp. Anh nhận định: “Các bạn trẻ hiện giờ sáng tạo, làm những điều mới mẻ, trẻ trung. Họ cũng sáng tác kiểu trực diện hơn. Tôi rất thích nghe âm nhạc của các bạn. Tuy nhiên về phần lời ca, cá nhân tôi nghĩ cần trau chuốt. Thời nào cũng vậy, bài hát là món ăn tinh thần và thường thể hiện cái đẹp nhiều hơn”.
“Vốn từ ngữ của tiếng Việt phong phú, do đó không nhất thiết phải dùng những từ ngữ dung tục để nói về một vấn đề nào đó. Ai cũng muốn thể hiện cái tôi và tôi không khắt khe với việc đó. Nhưng tôi nghĩ cần có ý thức vì người làm văn hóa không thể thiếu phông văn hóa được”, nhạc sĩ nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối và nhắn nhủ các nhạc sĩ trẻ không nên nổi tiếng bằng những thứ dung tục, phi nghệ thuật: “Tôi cực lực phản đối điều này vì nghệ thuật không chấp nhận những thứ mang tính dung tục và hàm ý tục tĩu, không giúp người ta thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt thì không nên. Theo tôi, nên tỉnh táo, nên để mọi người biết đến mình bằng tài năng chứ không phải bằng việc dùng những thứ dung tục”.
Một điều quan trọng nữa, làm gì thì làm, tất cả đều phải dựa trên quan niệm nghệ thuật, tính thẩm mĩ và nền tảng văn hóa, thuần phong mĩ tục của Việt Nam. Bởi lẽ, nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ biểu diễn cho người Việt nghe. Nếu đi chệch ra khỏi gốc gác này, “chân không đến đất, cật không đến trời” thì các sản phẩm đều lạc lõng, không đi vào lòng người nghe. Bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, cơ quan chức năng vào cuộc, sản phẩm bị gỡ bỏ trên nền tảng số… như các trường hợp nhạc rác kể trên thì người làm ra chúng thật phí công vô ích.
Như vậy, nghệ sĩ khác nào tự đào hố chôn mình, chọn con đường ngắn nhất để kết thúc sự nghiệp. Chọn cách bền bỉ nhiều năm vất vả khổ cực để xây nên một ngôi đền rồi người đời thán phục hay đốt một ngôi đền để bỗng chốc được biết đến sau đó tiếng tăm tàn theo tro bụi của ngôi đền ấy, hẳn các nghệ sĩ đều có thể so sánh, phân định được.
Tăng cường các biện pháp xử phạt, răn đe
Dù vậy, các “rác phẩm của văn hóa” như trên có cơ hội tồn tại, lưu hành cũng không chỉ lỗi riêng ở các nghệ sĩ lệch chuẩn. Bản thân mỗi công chúng cũng cần phải nâng cao thị hiếu thẩm mĩ của mình, tránh để bị cuốn theo các sản phẩm vô văn hóa này.
Trong khi đó, để góp phần làm trong sạch âm nhạc, không cho các sản phẩm này có cơ hội tung ra thị trường, tác động xấu đến người nghe, các nhạc sĩ đều cho rằng, để ngăn chặn sự bát nháo, dung tục của các MV phản cảm, thiếu tế nhị trong thời gian qua, các nhà quản lý cần phải đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát được tốt hơn, cần có những chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa.
Rapper MC Ill đưa quan điểm những sản phẩm dù xuất phát với mục đích nào thì khi đăng lên mạng xã hội cũng ảnh hưởng ít nhiều tới người xem. Do đó, nội dung nên phù hợp với văn hóa của khu vực và luật pháp.
"Nhập gia tùy tục. Những bài hát nêu trên có thể hợp với văn hóa nước ngoài nhưng về Việt Nam nên có sự tiết chế nhất định. Bản thân tôi từng sốc văn hóa khi lần đầu tiếp xúc với hip hop. Do đó, tôi hiểu phản ứng của đại chúng hiện nay. Tôi nghĩ câu chuyện này cần nỗ lực từ hai phía, nghệ sĩ nên có sự kiềm chế, còn người nghe có thể bao dung, nhìn vào khía cạnh tích cực hơn", rapper nói.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hay Tú Dưa, một trong những lý do khiến các ca khúc phản cảm hiện giờ dễ lan truyền và phổ biến hơn xưa đó là chúng được đăng tải một cách nhanh chóng, dễ dàng trên các nền tảng mạng xã hội không có chế độ kiểm duyệt gắt gao về nội dung, ca từ hay giới hạn độ tuổi.
Nhạc sĩ Tú Dưa |
Nhạc sĩ Tú Dưa cho biết nếu được qua kiểm duyệt, những bài hát như thế sẽ không tồn tại. Thay vào đó, các bài chỉ trôi nổi trên những nền tảng không có sự kiểm duyệt.
Anh nói: “Các nền tảng cần có sự kiểm duyệt gắt gao hơn bởi điều đó rất quan trọng. Con tôi cũng đang ở độ tuổi tiểu học, hay mò vào YouTube, TikTok và nghe trộm những lúc tôi không để ý. Trẻ con chưa đầy đủ nhận thức nên dễ học theo những ca từ không hay. Đôi khi con học theo và nói những điều chưa được phép nói ở độ tuổi đó. Đây là một bất cập, do đó tôi nghĩ rất cần sự kiểm duyệt".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung quan điểm rằng sự tồn tại của nhạc rác ngoài trách nhiệm kiểm duyệt của nền tảng mạng xã hội, các bậc phụ huynh cũng cần quản lý con cháu.
“Đây là trách nhiệm của cả xã hội. Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần có biện pháp cứng rắn hơn với người dùng, đặc biệt những người đang mang danh nghệ sĩ nhưng làm sản phẩm âm nhạc phản cảm”, nhạc sĩ nhận định.
Nhạc sĩ Phạm Việt Long cũng bày tỏ quan điểm, vấn đề đặt ra không phải chỉ là siết chặt quản lý những sản phẩm âm nhạc dung tục, mà phải giải quyết một cách toàn diện, đồng bộ. Phải lập lại trật tự trên mạng xã hội. Trước mắt, các cơ quan công an, thông tin, văn hóa, chính quyền các cấp phải phối hợp chặt chẽ để phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động tiêu cực trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị các gia đình, trường học, đoàn thể tăng cường giáo dục, quản lý thành viên của mình - không xem, không tham gia các hoạt động xấu đó. Ông đề xuất có thể sử dụng các biện pháp về công nghệ để phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm vi phạm trên mạng.
Có biện pháp ngăn chặn từ nhiều phương diện như vậy, “mầm mống” những sản phẩm âm nhạc phản cảm, vô văn hóa này mới “sạch bóng” trên thị trường âm nhạc được.