Bài 3: Thanh, thiếu nhi mong muốn có thêm sân chơi miễn phí
Bài 1: Hiệu quả từ những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ |
Bài 2: "Vì cổng trường bình yên" - mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn |
Sân chơi cầu lông trong Trung tâm Văn hóa Thể thao Bắc Sơn Trà, quận Sơn Trà |
Số lượng sân chơi còn ít so với nhu cầu thực tế
Khu vực phía Tây thành phố Đà Nẵng gồm quận Liên Chiểu và 4 xã phía Bắc của huyện Hòa Vang (Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Sơn và Hòa Ninh).
Đây cũng là nơi tập trung 8 trường đại học, cao đẳng và 5 khu công nghệ cao, khu công nghiệp lớn của thành phố.
Được biết, khu vực này cũng đang được thành phố quy hoạch xây dựng thêm 2 khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới.
Hiện, 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có Trung tâm Văn hóa Thể thao (TTVHTT), trong đó phần lớn đều có sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi, thư viện, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân tennis… Riêng TTVHTT quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn còn có thêm nhà biểu diễn nghệ thuật.
Được biết, trong khi các quận khác trên địa bàn thành phố đều đã được quy hoạch đầu tư xây dựng tối thiểu 2 Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp quận thì tại quận Liên Chiểu mới có 1, tọa lạc tại đường Trần Đình Tri (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
Các thiết chế văn hóa, nhu cầu vui chơi, giải trí cho lực lượng công nhân, học sinh và sinh viên tại quận Liên Chiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu |
Trước đó, tại kỳ họp giữa năm 2023 của Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng đã thông qua dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể thao kết hợp biểu diễn đa năng phục vụ công nhân, học sinh, sinh viên khu vực phía Tây tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, phục vụ sinh viên, học sinh và công nhân tại khu vực với tổng mức đầu tư hơn 87 tỷ đồng, dự kiến năm 2026 dự án mới hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Do đó, thanh thiếu nhi trên địa bàn quận rất háo hức, chờ đợi công trình này sớm hoàn thành và được đưa vào sử dụng, với mong muốn có thêm một sân chơi, hoạt động thường xuyên giúp các em phát triển tinh thần và thể chất.
Trong tháng 9/2024 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 1968/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Liên Chiểu (giai đoạn 4) với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng.
Theo đó, dự án sẽ được xây dựng với giải pháp kiến trúc nhà 1 tầng, trong đó bố trí các phòng chức năng như: Phòng chuyên môn thể dục thể thao và văn hóa tuyên truyền, phòng tập huấn chuyên môn, phòng chuyên môn tuyên truyền cổ động trực quan, phòng hành chính tổng hợp…
Mô hình “Góc xanh thanh niên” do Đoàn Thanh niên cơ sở khởi công xây dựng tại địa bàn dân cư, phần nào xóa được khoảng trống về sân chơi cho trẻ |
Những bãi đất trống trước đây được Đoàn Thanh niên “biến” thành những điểm vui chơi cho thiếu nhi |
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu, hiện bậc THCS có 8 trường với 12.000 học sinh, bậc Tiểu học với 17.800 học sinh.
Anh Huỳnh Thanh Bình, Bí thư Quận đoàn Liên Chiểu cho biết, từ năm 2020 đến nay, Quận đoàn đã xây dựng khoảng 8 sân chơi cộng đồng cho thanh thiếu nhi.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng sân chơi của thanh thiếu nhi trên địa bàn quận còn ít, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế, bởi quận Liên Chiểu là khu vực có đông công nhân, sinh viên đến làm việc, học tập và sinh sống, vì vậy nhu cầu sân chơi cộng đồng rất cao.
"Thời gian đến, Quận đoàn sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo quận, Thành đoàn quan tâm, bố trí kinh phí và tìm các dự án để tiếp tục đầu tư, xây dựng mới các điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn”, Bí thư Quận đoàn Liên Chiểu nói.
Mong có thêm sân chơi miễn phí
Cũng như nhiều gia đình có con nhỏ, chị Lê Thu Thủy (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu ) khá đau đầu mỗi khi đưa con đi chơi.
“Đưa con đến khu vui chơi tại Trung tâm thương mại Vincom, Helio hoặc khu vực cầu sông Hàn tốn khá nhiều chi phí, còn tại khu vui chơi tư nhân nhỏ, vé vào cổng cũng dao động từ 30.000 - 50.000 đồng, tôi mong muốn khu vực phía Tây thành phố có thêm trung tâm văn hóa thể thao hoặc sân chơi cộng đồng miễn phí vừa an toàn, vừa giúp các con vận động, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của lứa tuổi học sinh, việc các em có được khu vui chơi lành mạnh là điều mong mỏi của hầu hết phụ huynh”, chị Thủy chia sẻ.
Công trình “Không gian thể thao thanh niên - Tiếp năng lượng, bừng sức trẻ” vừa khánh thành tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng |
Những ngày cuối tuần, gia đình anh Lê Văn Vũ (công nhân Công ty TNHH MTV Blues) lại dắt nhau vào trung tâm thành phố mới có được khu vui chơi cho đứa con trai 8 tuổi, nên mong muốn lớn nhất của anh Vũ là có được một khu thiết chế văn hóa không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí của những người lao động mà còn dành cho những thế hệ sau.
“Giải trí thì ai cũng có nhu cầu nhưng phần vì nó xa quá, thỉnh thoảng muốn đổi gió đến những khu vui chơi thì phải vào trung tâm thành phố chứ quanh khu công nghiệp bên này không có gì. Hình thức giải trí đôi khi, chỉ cần là sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi cho trẻ con…những công trình này ở gần các con đường trong khu công nghiệp thì tốt, để công nhân chúng tôi vừa trông con cũng tranh thủ giải khuây khi hết giờ làm việc” anh Vũ bày tỏ.
Được biết, trên địa bàn TP Đà Nẵng đang có khoảng gần 30 sân chơi cho thanh thiếu nhi với các vật dụng làm từ lốp ô tô cũ. Các công trình do Đoàn Thanh niên cơ sở hình thành, duy trì và bảo dưỡng thường xuyên, vừa tạo sân chơi, vừa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường qua việc tận dụng, tái chế vật liệu cũ.
Trong lúc chờ đợi những sân chơi chất lượng, việc “tự túc” một sân chơi nhỏ, an toàn, lành mạnh tại chính các khu dân cư là điều cần thiết nhằm góp phần giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ.
Việc “tự túc” một sân chơi nhỏ, an toàn, lành mạnh tại các khu dân cư nhằm góp phần giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ |
Anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban Phong trào Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, mô hình “Góc xanh thanh niên” do Đoàn Thanh niên cơ sở khởi công xây dựng tại địa bàn dân cư, phần nào xóa được khoảng trống về sân chơi cho trẻ.
Theo đó, tại mỗi quận, huyện, Đoàn Thanh niên chủ động tìm 2 địa điểm xây dựng “Góc xanh thanh niên”, bao gồm vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi trẻ em và khu tập thể dục cho người dân địa phương.
Mô hình “Góc xanh thanh niên” nhằm cải tạo các khu đất trống, điểm ô nhiễm môi trường, điểm tập kết rác không đúng nơi quy định trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng thân thiện với môi trường, tùy diện tích của khu đất để lựa chọn mô hình phù hợp như: Xây dựng thành vườn hoa, vườn cây cảnh, cây xanh phủ bóng mát; xây dựng thành khu vui chơi cho trẻ em, khu tập thể dục cho người dân ở địa phương, khu dân cư; lên ý tưởng thiết kế mô hình “Khuôn viên xanh” thu hút người dân và giới trẻ đến sinh hoạt, vui chơi.
Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục góp phần hình thành ý thức, thái độ tốt, hành động thân thiện với môi trường, xây dựng các thiết chế văn hóa cho người dân và thanh thiếu nhi tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố; khuyến khích, động viên các đơn vị tiếp tục thực hiện hội thi “Góc xanh thanh niên”.
Có thể kể đến công trình sân chơi thể thao tại Nhà văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) và công trình Khu vui chơi Thị An (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), thiết kế bao gồm các vật liệu tái chế, với mong muốn tiếp cận được với nhiều bạn nhỏ kể cả những trẻ em khuyết tật. Mỗi công trình trị giá 100 triệu đồng đã được Đoàn Thanh niên bàn giao cho địa phương khai thác, sử dụng.
Anh Lê Công Hùng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng thông tin, trong 3 năm vừa qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đã triển khai 21 khu vui chơi trên địa bàn thành phố, các khu vui chơi đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi trên địa bàn thành phố, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ phía chính quyền và người dân.
Trong năm 2024, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xây dựng được 1 không gian thể thao cho thanh niên trên địa bàn quận Sơn Trà.
Cần tạo thêm các sân chơi bổ ích, rèn luyện thể chất cho thanh, thiếu niên trên địa bàn quận Liên Chiểu |
Theo Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, nhu cầu thụ hưởng, vui chơi, giải trí của thanh thiếu nhi là chính đáng, không phân biệt địa phương. Có thể do quá trình phát triển, quy hoạch mới, đầu tư những khu nhà ở, khu chung cư mới kèm theo các thiết chế văn hóa như khu vui chơi cho thanh thiếu nhi, nên số lượng khu vui chơi ở các địa phương là không đồng đều.
Trong thời gian đến Thành đoàn Đà Nẵng sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ, chung tay để tiếp tục trang bị các khu vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc trang bị các thiết chế văn hóa theo các dự án mới, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần có sự quan tâm đến các khu vực có số lượng người dân lớn mà chưa có thiết chế văn hóa để đề xuất, kiến nghị, đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp để chung tay xây dựng các khu vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ thông qua, Đà Nẵng sẽ xây dựng mới 22 dự án, thiết chế văn hóa cấp thành phố. Trong đó, thành phố sẽ đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án: Nhà hát lớn thành phố, Quảng trường trung tâm thành phố, các bảo tàng chuyên đề, các công viên biển dọc vịnh Đà Nẵng và bờ Đông, công viên tại khu đất Đài phát sóng An Hải (quận Sơn Trà), Quảng trường Trung tâm khu vực Tây Bắc thành phố... Mục tiêu phấn đấu 100% công trình thiết chế văn hóa cấp thành phố được đầu tư hoàn thiện; 50% Khu công nghiệp có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện được đầu tư hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 100% thư viện các quận, huyện được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn thư viện điện tử, có phòng đọc thiếu nhi, phòng đọc dành cho người khiếm thị, có hệ thống tra cứu thông tin, kết nối internet. |