Bài 3: Gìn giữ và phát huy di sản đặc biệt của cha ông
Khách du lịch quốc tế thưởng thức đồ ăn ở khu ẩm thực chợ đêm Hà Nội
Nhiều năm gần đây, chế biến, ăn uống ra sao không còn là việc “bếp núc” trong các gia đình Hà Nội nữa. Năm 2016, trong cuộc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hà Nội đã thống kê được 183 sản vật và món ăn đặc sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Bên cạnh đó, nhiều món ăn, đồ uống không nằm trong diện tri thức dân gian về ẩm thực được kiểm kê, nhưng chứa đựng những yếu tố lịch sử, văn hóa hấp dẫn.
Việc rà soát, xây dựng danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố, trong đó có văn hóa ẩm thực nhằm tạo cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị vốn quý của Thủ đô. Theo đó, các sản vật và ẩm thực đặc sản được chia theo nhóm: Bánh, bún, cà phê, chả cá, rượu, đậu, cháo… Về loại có: Thức quà, món ăn, món ăn vặt, sản vật... Ngành văn hóa cũng làm được một việc có ý nghĩa là đưa ra danh sách một số địa chỉ uy tín để du khách có thể tìm đến thưởng thức.
Là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện công tác này, Hà Nội đã ý thức được tầm quan trọng của văn hóa ẩm thực trong dòng chảy văn hóa nói chung. Ẩm thực không chỉ là nét ăn, cách ăn của vùng miền mà còn là đặc trưng của văn hóa, tâm hồn người nơi đó. Ẩm thực phong phú, phát triển vừa mang lại sức khỏe tốt cho người dân vừa mang đến những niềm vui, nâng cao chất lượng sống cho họ. Bên cạnh đó, ẩm thực cũng là một yếu tố thu hút khách du lịch, là điều dễ đi vào lòng người, khiến họ nhớ lâu và muốn quay trở lại.
Công tác này chẳng những giúp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực mà còn khiến các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa và nhân dân có cái nhìn toàn diện về bức tranh ẩm thực Hà Nội và tiếp cận dễ dàng hơn với những địa chỉ có chất lượng tốt. Từ đó, mỗi người sẽ biết những điểm mạnh, điểm yếu để phát huy cái tốt, giảm bớt cái xấu cho của ẩm thực Hà Nội ngày càng tinh tế, hoàn thiện và đi cùng thời đại, hòa nhập nhưng không hòa tan.
Cùng với đó, việc quảng bá, tuyên truyền sâu rộng về nét hay nét đẹp của văn hóa ẩm thực Hà Nội cũng sẽ được chú trọng hơn, nhằm đưa ẩm thực Hà Nội đến với những tầng cao mới.
Tour du lịch “Cảm xúc Hà Nội” của Sở VHTT&DL Hà Nội từ nhiều năm nay đã kết hợp du lịch khám phá, trải nghiệm địa danh, di sản với thưởng thức ẩm thực tại những điểm đến đó. Những món ăn như bánh tôm hồ Tây, nem Hà Nội… đã khơi dậy được các giá trị văn hóa của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Bên cạnh đó, các tour với điểm đến là các cơ sở dạy nấu ăn cho người nước ngoài hoặc thưởng thức ẩm thực truyền thống Hà Nội cũng được đẩy mạnh tổ chức.
Tại nhà hàng Ánh Tuyết ở phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm), Trung tâm ẩm thực 24h ở phố Kim Mã Thượng (quận Ba Đình), Trường Cao đẳng nghề Văn Lang đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)… du khách được tự tay chuẩn bị nguyên liệu, nấu ăn dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của đầu bếp và sau đó trực tiếp thưởng thức sản phẩm mình làm ra. Điều này khiến du khách rất thích thú vì họ chẳng những được đi, được đến mà còn được trực tiếp nhìn thấy những nguyên liệu tươi ngon, đa dạng; được nghe nghệ nhân thuyết trình về công dụng của mỗi sản vật với sức khỏe; được thưởng thức cả hương lẫn vị của đặc sản Hà Nội.
Lễ hội ẩm thực Hà Nội năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày mồng 5 - 7/10 tại Công viên Thống Nhất sẽ là dịp vô cùng lí thú với nhân dân Hà Nội và du khách. Hòa vào không khí lễ hội, mỗi người sẽ cảm nhận rõ nét hơn sự phong phú của ẩm thực đất Kinh kỳ. Lễ hội cũng là dịp để mọi người nhìn rõ bức tranh tổng quan về ẩm thực Hà Nội trong lịch sử và hiện tại.
Những không gian văn hóa các làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội như: Bún, phở, cốm, xôi, giò chả...; các sản phẩm và quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội; những hoạt động trình diễn của nghệ nhân giới thiệu ẩm thực… sẽ mang đến kiến thức cho những người muốn khám phá sâu về ẩm thực. Khi được hiểu món ăn được làm ra từ đâu, cầu kì thế nào, người ta sẽ thêm yêu món ăn mà mình đang thưởng thức.
Bên cạnh đó, việc giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật chủ đề Hà Nội xưa và nay; những ký ức Hà Nội về lịch sử văn hóa nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng; phong cách văn minh, thanh lịch của người Hà Nội trong thưởng thức ẩm thực và giới thiệu Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng… cũng khiến mỗi người thấy trách nhiệm hơn với cách ăn, nết ăn của mình, sao cho ẩm thực thực sự là nét văn hóa.
Như vậy, chính quyền đã có những hoạt động hết sức ý nghĩa để bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực. Về phần mình, mỗi người dân cũng nên nâng cao ý thức của mình trong việc làm sao để phát triển ẩm thực Hà Nội trong thời đại mới với những nét đẹp đã được cha ông trao truyền qua nhiều thế hệ.
Trong cơn lốc của đồ ăn nhanh và sự du nhập của nhiều trào lưu ẩm thực trên thế giới, thiết nghĩ mỗi tổ ấm nên duy trì những bữa cơm gia đình. Cùng nhau chế biến những món ăn truyền thống, sáng tạo những món ăn mới, từ đó các thành viên sẽ tăng sự gắn bó, thêm yêu những bữa cơm Việt.
Với các bạn trẻ, việc thưởng thức, khám phá những món ăn mới trên thế giới để biết thêm nhiều vị mới, thể hiện sự nhanh nhạy và sành điệu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ăn để biết, để hiểu văn hóa ẩm thực nước ngoài chứ không nên bỏ quên khẩu vị quen thuộc. Bởi lẽ, qua hàng ngàn năm sàng lọc, thích nghi, cơ địa, thể trạng người Hà Nội được bồi đắp nên bằng những món ăn truyền thống. Sự phù hợp ấy cũng là thể hiện cốt cách, tâm hồn người Hà Nội. Thật đáng buồn nếu ai đó hỏi ở Hà Nội có những món gì ngon mà bạn chỉ có thể kể những món nước ngoài.
Đừng quên, ẩm thực Hà Nội không chỉ là ăn gì mà còn là ăn như thế nào. Văn hóa ẩm thực nói chung còn là cả cách người ta chế biến và thưởng thức món ăn. Món ăn ngon đến đâu mà ngồi cùng với những người ăn uống thiếu ý tứ thì chắc chắn ta sẽ thấy kém ngon đi nhiều.
Bởi vậy, phát huy giá trị ẩm thực của Hà Nội, cần lắm những ứng xử văn minh, áp dụng những khuyến cáo trong Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng để thực hiện nếp sống tao nhã, thanh lịch. Có như thế, người Hà Nội hôm nay và mai sau mới sống xứng đáng với di sản văn hóa cha ông để lại. Cũng vì như thế, người Hà Nội mới tự hào với những gì mình truyền lại cho con cháu sau này.
Bài liên quan
Ẩm thực Hà Nội - Nốt nhạc tinh tế trong bản hòa ca hội nhập
Bài 2: Những góc nhớ đến bâng khuâng, da diết…