Bài 3: Đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại
Tình hình hạn hán diễn biến phức tạp nên nhiều sông, kênh, rạch tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khô cạn nước
Bài liên quan
Nhanh chóng đề xuất giải pháp ứng phó với hạn mặn tại khu vực ĐBSCL
Cà Mau chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn mặn
Cảnh báo nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Chủ động ứng phó xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt
Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó
Nhận định tình hình thời tiết khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Từ đầu tháng 2 đến nay, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có mưa. Từ ngày 8 - 15/2/2020, do ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn đã tăng cao và xâm nhập sâu vào các cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, mực nước trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 - 0,8m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều cường và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tăng trở lại trong tháng 3/2020.
Theo dự báo, mùa mưa năm nay ở khu vực Nam bộ sẽ đến muộn và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Tình trạng nắng nóng sẽ bắt đầu xảy ra trên diện rộng từ nửa cuối tháng 3 và kéo dài đến giữa tháng 5/2020. Dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục suy giảm. Do đó, thời gian còn lại của mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường.
Tình hình hạn hán diễn biến phức tạp nên nhiều sông, kênh, rạch tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khô cạn nước |
Trước tình hình thời tiết cực đoan như vậy, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng xây dựng kịch bản để ứng phó.
Cụ thể như tại tỉnh Sóc Trăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm hơn 20 ngày. Vì vậy, đến thời điểm xảy ra hạn mặn, hầu hết diện tích lúa Đông Xuân của người dân ở các huyện Trần Đề, Long Phú đã cơ bản thu hoạch xong. Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ 3, vì đây là thời điểm mặn xâm nhập, thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động nạo vét kênh mương, xây dựng cống bọng chuẩn bị ứng phó hạn, mặn từ đầu năm 2019. Nhờ vậy, hầu hết các địa phương đã giữ được lượng nước phục vụ người dân tưới tiêu, sinh hoạt kéo dài trong khoảng thời gian hơn 20 ngày, thay vì chỉ được 15 ngày như trước đây.
Đối với tỉnh Hậu Giang, tình hình độ mặn hiện nay đang ở mức cao và diễn biến phức tạp. Các ngành chức năng ở địa phương đã thường xuyên kiểm tra và tiến hành đóng 3 cống hở, 17 cống tròn trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh và 43 đập thời vụ ngăn mặn. Đồng thời, tỉnh đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc tự động độ mặn tại các địa bàn như: Huyện Long Mỹ, Châu Thành, thành phố Vị Thanh, phục vụ công tác dự báo nồng độ mặn.
Còn tại tỉnh Bến Tre, trước khi bước vào mùa khô, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn. Cụ thể, tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tỉnh bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước...
Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp tại huyện Ba Tri đầu năm 2019 với trữ lượng nước gần 1 triệu m3 nước ngọt, tạo nguồn cung ổn định cho các nhà máy phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 200.000 người dân trong vùng.
Hiện tại, tỉnh Bến Tre đang thực hiện khẩn cấp các đập tạm trữ nước ngọt, mua sắm thiết bị bơm, vận hành hồ chứa nước ngọt, sửa chữa, nâng cấp các công trình cống để ngăn mặn... nhằm giảm bớt thiệt hại trong sản xuất và khó khăn cho người dân trong đợt hạn mặn lịch sử này.
Đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt
Trước tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ các hộ dân xây bồn chứa dự trữ nước sinh hoạt. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng áp dụng nhiều giải pháp để tích trữ nước ngọt như: Điều tiết nước giữa các kênh, chủ động bơm nước ngọt vào trong các kênh, đậy nắp cống… nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện tỉnh đầu tư mở các tuyến ống cấp cho vùng phía Đông, đầu tư nhà máy nước vùng phía Tây để dẫn trục, đấu nối vào hệ thống cấp nước của tỉnh. Riêng vùng các huyện cù lao, giáp biển sẽ trang bị bồn chứa, tỉnh mở vòi nước công cộng để dân đến lấy nước, đảm bảo đủ nước trong sinh hoạt và đời sống dân sinh.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, nếu tình trạng cực đoan hơn đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2015 - 2016, tỉnh sẽ xin đắp 4 đập phía bờ Tây kênh Nguyễn Tấn Thành, tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường của các địa phương tiến hành đóng các cống, đắp đập ngăn mặn, đồng thời kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình đảm bảo ngăn mặn triệt để.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đánh giá về những thiệt hại do hạn mặn gây ra trên địa bàn tỉnh |
Tại tỉnh Bến Tre, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt, trong những ngày qua, nhờ có sự chung tay, góp sức từ các ngành, các cấp, các đơn vị hữu quan trong và ngoài tỉnh, Bến Tre đã nhận được 1.650 bồn chứa nước, 8.100 bình nước uống, trên 3.000m3 nước ngọt cùng 5 máy lọc nước ngọt...
Hiện tại, UBND huyện Bình Đại (Bến Tre) cũng đã làm việc với các nhà máy cung cấp nước trên địa bàn để tìm giải pháp xây dựng hệ thống lọc RO từ nước mặn thành nước ngọt, cung ứng cho người dân. Hiện 4 nhà máy đã đồng ý xây dựng hệ thống lọc RO và sẽ sớm hoàn thành để phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, nhà máy nước khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành), Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã trang bị máy lọc mặn RO. Đồng thời, huyện Châu Thành vận hành 12 nhà máy nước được trang bị máy lọc mặn RO để cung cấp nước 24/24 giờ phục vụ các điểm trường chính tập trung khu vực trung tâm xã, trạm y tế...
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Để công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn có hiệu quả, về lâu dài tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách mới trong việc điều phối, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông. Đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đầu tư xây dựng một hồ chứa nước ngọt, đặc biệt tại vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo vai trò xả nước điều tiết, phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Tỉnh Bến Tre cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bố trí vốn để xây dựng hồ chứa nước ngọt có quy mô 1,5 triệu m3 tại ba huyện ven biển. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị được bố trí ngồn vốn để đắp khẩn cấp một số đập tạm và nạo vét hệ thống thủy lợi dẫn nguồn nước ngọt tưới cho các vườn cây ăn trái và phục vụ cấp nước sinh hoạt...
Hạn mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, song con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn - lợ để phát triển kinh tế. Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo, tình hình biến đổi khí hậu sẽ ngày càng phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó rất cần sự chung tay, góp sức của các ban, ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là cả cộng động để cùng nhau thích ứng và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai.
(Còn nữa)