Bài 3: Chính sách đúng, hiệu quả cao
Hoa ban vẫn nở trắng như sức sống mãnh liệt của người dân Sơn La sau những đợt thiên tai
Bài liên quan
Bộ GD&ĐT đề xuất 6 biện pháp, chính sách ứng phó với dịch Covid-19
Ảnh hưởng dịch Covid-19, TP HCM kiến nghị nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Hàn Quốc áp dụng chính sách khai báo online đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp từ 11/3
Bảo hiểm thất nghiệp: Chính sách an sinh hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp
Cán bộ sát cánh cùng nhân dân
Đồng chí Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La nhận định, địa hình nơi đây có độ dốc lớn, nhiều vực sâu, có nhiều chi lưu của các sông, suối nên thường xuyên xảy ra thiên tai như lũ, sương muối…
Đánh giá về trận lũ quét năm 2017, ông Nguyễn Văn Bắc cho biết: Hai nơi thiệt hại nhiều nhất là xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong. Trong đó, bản Hua Nặm đã thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” rất tốt. Chính vì thế mặc dù thiệt hại về nhà cửa, tài sản lớn nhưng không có thiệt hại về người.
Ngay trong sáng 3/8/2017, huyện báo cáo với tỉnh, tỉnh báo cáo với Trung ương và được sự hỗ trợ rất lớn từ các ban ngành đoàn thể. “Chỉ hai tháng sau huyện Mường La đã dựng được 179 nhà, hỗ trợ cho nhân dân mất nhà có chỗ để ở. Chúng tôi cũng thực hiện 6 điểm tái định cư, di vén 400 hộ về điểm tái thiết. Những nhà bị cuốn trôi hỗ trợ lương thực một năm, mỗi khẩu 15kg gạo. Các hộ này được hỗ trợ thêm một con bò và hai con dê sinh sản”, ông Bắc nói.
Trước khi có lũ, toàn xã chỉ có 9,7ha trồng cây ăn quả nhưng sau khi cơn lũ đi qua, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, ngay trong năm đầu tiên huyện Mường La đã giúp nhân dân trồng được 145ha cây ăn quả và đến nay trồng được trên 300ha cây ăn quả. Trước khi bị lũ, toàn xã có khoảng 26ha ruộng lúa canh tác, nay Nặm Păm đã mở rộng, quy hoạch được 67ha.
Những thửa ruộng được chia lại khi tái thiết sau thiên tai ở Sơn La giúp người dân dễ trồng cấy, tăng năng suất hơn |
So với trước kia, bây giờ bà con sống tập trung hơn, nhiều nhà đã có tích lũy. Để hỗ trợ bà con nhân dân yên tâm sản xuất, hiện tại, huyện Mường La vẫn tiếp tục hỗ trợ phân bón hữu cơ cho bà con trong hai năm để cải tạo đất, chống bạc màu, sản xuất nông nghiệp an toàn.
Nhiều người tại xã Nặm Păm còn nhớ, ông Nguyễn Thành Công (Bí thư Huyện ủy Mường La) nay là Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã xắn quần, lăn xả vào cùng với cán bộ và nhân dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau lũ.
Ngay trong đêm xảy ra lũ, 3h sáng ông Công đã vào tận nơi, kê chiếc bàn làm việc ngay bên cầu Nặm Păm khi đó đã bị lũ cuốn còn trơ hai mố cầu để cùng với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiến cứu nạn của tỉnh bàn việc san đá, mở đường đưa người và hàng hóa vào cứu trợ kịp thời cho bà con.
Chính vì thế, tình hình tái thiết sau lũ quét năm 2017 tại tỉnh Sơn La có những kết quả rất đáng tự hào. Ông Cao Viết Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Sơn La cho biết: “Ngay sau khi xảy ra trận lũ lịch sử, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên khắc phục thiên tai tại chỗ “4 tại chỗ”.
Đồng thời, huyện huy động bộ đội lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, viên chức có mặt tại chỗ tham gia ứng cứu, di dời dân và tài sản đến nơi an toàn; Chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân vùng ảnh hưởng mưa lũ.
Cùng với việc khắc phục thiên tai, huyện cũng tiến hành tiêu độc, khử trùng phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm cho vùng bị thiên tai. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và các hộ phải di dời khẩn cấp...
Những chính sách phù hợp
Ngoài việc chỉ đạo sát sao trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai thì các chính sách về tái thiết thiên tai của tỉnh Sơn La cũng được đánh giá đem lại hiệu quả cao trong công tác khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất.
Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Sơn La có đặc điểm địa hình tỉnh miền núi chia cắt sâu mạnh, thảm phủ thực vật suy giảm, độ dốc lớn nên thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xảy ra nhiều loại hình thiên tai khác như sét, sương muối, mưa đá.
Trong nhiều năm “sống chung với lũ”, nhận thức rõ đặc điểm của địa phương mình, chúng tôi đã hết sức nỗ lực triển khai các công tác thông tin tuyên truyền, dự đoán, cảnh báo để phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, công tác tái thiết sau thiên tai cũng được tỉnh hết sức chú trọng để đảm bảo cuộc sống, sinh kế cho người dân khi có thiên tai xảy ra”.
Theo đó, nhiều năm qua, đặc biệt là 2019, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản.
Sơn La cũng triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 3/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.
Những cây ăn quả được người dân trồng sau thiên tai tại Sơn La đang hứa hẹn cho mùa quả bội thu |
Công tác kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, tập huấn, diễn tập được triển khai nghiêm túc và rộng khắp địa bàn tỉnh Sơn La.
Từ những định hướng sáng suốt ấy, trong nhiều năm trở lại đây, mặc dù tình hình thiên tai tại Sơn La tuy vẫn xảy ra nhưng thiệt hại đã được giảm đáng kể. Đơn cử, năm 2019, thiệt hại về người do thiên tai thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, đặc biệt giảm số người bị chết do sét đánh so với năm 2018.
Tỉnh cũng huy động lực lượng giúp các hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, ngập lụt sửa lại nhà cửa, dọn vệ sinh, ổn định cuộc sống; di chuyển các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao, bị ngập lụt đến nơi an toàn. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 137 cán bộ, chiến sĩ thường trực và trên 1.700 lượt dân quân tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành 10 dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai với quy mô là 498 hộ...
Nhận định về công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương trên cả nước, TS Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định: “Có thể nói, sau các trận lũ quét lịch sử như tại Nặm Păm (Mường La, Sơn La) và Sa Ná (Quan Sơn, Thanh Hóa) toàn hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để giúp người dân khắc phục hậu quả.
Khu tái định cư cho các hộ mất nhà cửa nhanh chóng được xây dựng tại vị trí an toàn với lũ quét, sạt lở đất. Cùng với nhà ở là cơ sở hạ tầng điện, nước, đường giao thông… cũng được xây dựng để đảm bảo đời sống cho bà con. Việc tái thiết sau thiên tai đã từng bước gắn liền với sinh kế cho người dân cũng như xây dựng nông thôn mới an toàn, bền vững”.
Bên cạnh đó, TS Trần Quang Hoài cũng cho biết Ban Chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã hỗ trợ, chỉ đạo chính quyền dồn điền, đổi thửa, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ để chuyển đổi đất đồi từ trồng ngô sang các loại cây ăn quả trên mái dốc ở Mường La cho giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ vậy, người dân có bước chuyển mới, đời sống được nâng lên so với trước đây.
Thiên tai không thể tránh khỏi, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì càng diễn biến phức tạp hơn. Tuy nhiên, thử thách càng cao, ý chí quyết tâm càng lớn. Cùng với sự chung sức đồng lòng từ Trung ương đến địa phương, với các chính sách khắc phục và tái thiết sau thiên tai đúng đắn, những mô hình ở Sơn La, Thanh Hóa… sẽ tiếp tục được nhân rộng trên cả nước để người dân vững tâm đối mặt và vượt qua những thử thách này.