Bài 3: Cần giải pháp đồng bộ, hoàn thiện nền tảng giám sát giao thông thông minh
Siết chặt hàng xách tay: Cần những giải pháp đồng bộ Triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết Đại hội |
Cần triển khai đồng bộ hệ thống camera phạt “nguội”
Theo chia sẻ của Trung tá Phạm Quang Minh, Phó đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, trước nhu cầu đảm bảo an toàn trật tự giao thông của thành phố Hà Nội, hiện nay số lượng camera phục vụ chỉ huy điều hành giao thông vẫn còn ít. Do đó, Công an TP Hà Nội đang hoàn thiện đề án trình UBND thành phố Hà Nội triển khai thêm 1.500 - 2.000 camera nữa trong giai đoạn 2021-2025. Hệ thống mới này sẽ được lắp tại các nút giao thông trọng điểm, tuyến trục quốc lộ, cầu vượt sông, trước cổng bệnh viện bến xe.
Đồng tình với việc triển khai thêm camera nhưng ông Nguyễn Cảnh Nam, cán bộ nghỉ hưu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô góp ý trước khi triển khai. “Tôi nghĩ là về lâu dài thì việc triển khai lắp đặt thêm camera rất cần thiết. Tuy nhiên, trước mắt cơ quan chức năng nên xem xét và đánh giá lại những bất cập trong việc triển khai hệ thống này trong suốt 5 năm qua. Những gì đã làm được, những gì chưa làm được, cần phải khắc phục những điểm nào, nhất là tránh tình trạng nơi thiếu nơi thừa.
Nơi nào lắp đặt camera nhưng hiệu quả xử phạt không cao, mang lại ít lợi ích thì cần phải xem xét lại cách làm, cách sử dụng. Nhất là phải tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự thiếu hiệu quả này. Có như vậy, việc triển khai thêm camera trong thời gian tới mới mang lại kết quả như mong muốn”, ông Nguyễn Cảnh Nam nêu quan điểm.
Cơ quan chức năng cần triển khai hệ thống camera đồng bộ hơn, nhất là ở những điểm nóng giao thông như trước cổng Bệnh viện Bạch Mai |
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trước khi đầu tư, nên có phân tích đánh giá chi tiết nhu cầu, qua đó có thể đầu tư camera tại từng vị trí với những tính năng phù hợp. Sau khi có hệ thống camera, cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể về việc bảo mật, phân tích, xử lý, chia sẻ giữa các lực lượng chức năng. Bởi thực tế, có những nơi có quá nhiều camera trong khi mục tiêu chung cũng chỉ để giám sát thôi nên chúng ta hoàn toàn có thể tích hợp lại vào một camera.
Ngược lại có những nơi cần camera thì chưa có nên đây là thực trạng đang chồng chéo, lãng phí, gây mất mỹ quan đô thị. Chúng ta nên có phương án quy hoạch chi tiết, từ đó có phương án đầu tư phù hợp, chia sẻ và bảo mật thông tin thì hiệu quả của hệ thống sẽ rất cao.
Công khai danh sách phạt nguội trên các nền tảng điện tử
Để khắc phục tình trạng thông báo xử phạt không đến được tận tay người vi phạm dẫn đến việc phạt "nguội" kém hiệu quả, Trung tá Phạm Quang Minh cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành đăng tải danh sách phạt nguội trên 3 kênh điện tử gồm: Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an); Cổng thông tin điện tử của Công an thành phố Hà Nội và trên báo Kinh tế và Đô thị. Người dân có thể trực tiếp truy cập vào các website trên là có thể biết được mình có vi phạm không; Tránh trước đây gửi thông báo về nhà mà chính chủ lại không nhận được thông tin”.
Danh sách phạt nguội được đăng tải trên báo điện tử Kinh tế và Đô thị |
Về vấn đề làm sao người dân tuân thủ pháp luật trong việc sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện giao thông, trả lời báo chí mới đây, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, để bảo đảm quá trình phạt nguội hiệu quả thì video, hình ảnh chỉ là một yếu tố, ngoài ra còn nhiều nền tảng mà chúng ta phải kiên trì xây dựng.
“Thứ nhất, toàn bộ hệ dữ liệu phương tiện, người lái phải được quản lý trên địa chỉ được mã hóa chính xác, chi tiết. Việc này không đơn giản, nằm ngoài phạm vi của ngành công an và cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành cùng chính quyền địa phương.
Thứ hai, cần làm tốt việc quản lý xe chính chủ. Chúng ta đã có chính sách rồi nhưng việc thực thi còn khó. Tại một số nước, khi mua bán, chủ cũ chỉ cần điền thông tin theo mẫu rồi gửi qua đường bưu điện để cập nhật thông tin về chủ mới mà không cần đóng thêm bất cứ khoản thuế, phí nào. Vì vậy việc quản lý xe chính chủ được thực hiện nghiêm.
Tôi cho rằng đây cũng là những kinh nghiệm để chúng ta nghiên cứu làm sao đơn giản hóa việc sang tên đổi chủ, khuyến khích người dân tuân thủ pháp luật”, TS Trần Hữu Minh chia sẻ.
Được biết, từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, trong đó có những điểm mới liên quan đến “phạt nguội”, đơn vị sẽ mời chủ phương tiện vi phạm tới xác minh. Trong trường hợp chủ phương tiện không chứng minh phương tiện cho người khác mượn, cho thuê sẽ áp dụng xử phạt theo quy định mới.
Với những trường hợp không đến nộp phạt theo quy định, cơ quan chức năng sẽ gửi dữ liệu sang Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông để xử phạt khi phương tiện đăng kiểm theo định kỳ. Đây cũng sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng giúp cho những bất cập trong khâu xử phạt qua camera trở nên hiệu quả hơn.
Về lâu dài, để giải quyết việc bất cập về yếu tố pháp lý trong xử phạt “nguội”, các chuyên gia giao thông và cơ quan chức năng đồng tình quan điểm, Chính phủ cần ban hành nghị định riêng về xử phạt bằng hình ảnh đối với các vi phạm về giao thông làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy chế, quy trình phạt nguội với các vi phạm lĩnh vực khác.
Trung tá Phạm Quang Minh cho rằng, nếu văn bản này được ban hành sẽ thuận lợi cho lực lượng chức năng, chứng minh được tính răn đe và thượng tôn của pháp luật. “Theo tôi nên có một nghị định thống nhất về quy định xử phạt, đồng thời bổ sung thêm những quy định về phân quyền sử dụng hình ảnh, chia sẻ thông tin dữ liệu camera sao cho hiệu quả nhất”, Trung tá Phạm Quang Minh đề xuất.