Bài 2: Những tình nguyện viên dạy trẻ “nói lời hay, làm việc tốt”
![]() |
>> Người trẻ xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh
Bài 1: Mỗi người một tay, sạch ngay phố phường
Hạt giống tâm hồn
Là một giáo viên trẻ của trường THPT Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), ngoài việc chú trọng đến truyền đạt kiến thức cho học trò, cô giáo Lê Thị Bích dành mối quan tâm lớn đến việc giáo dục đạo đức, lối sống tới các em học sinh. Cô Bích chia sẻ: “Nhắc đến người Hà Nội là nhắc đến những nét thanh lịch, văn minh, từ cử chỉ, lời ăn tiếng nói, phong cách ứng xử... Tuy nhiên, trước những tác động của đời sống kinh tế hiện nay, nhiều nét văn hóa tinh tế của người Hà Nội đang mai một dần, nhất là trong lớp trẻ. Mình cảm thấy vô cùng xót xa khi thỉnh thoảng trên mạng lại lan truyền những clip học sinh nói tục chửi bậy, đánh nhau thậm chí có những hành vi hỗn xược với thầy cô giáo. Tất cả những hình ảnh xấu xí đó là hồi chuông cảnh báo những bậc làm cha, làm mẹ, thầy cô và cả xã hội: Phải làm sao để có một thế hệ trẻ văn minh, thanh lịch?”.
Để giải quyết bài toán đó, chương trình “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” đã được vào triển khai tại các trường học trên địa bàn thành phố từ nhiều năm nay. Các tiết học trong chương trình “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” được thầy và trò trường THPT Bắc Thăng Long tham gia giảng dạy và học tập một cách có hiệu quả.
Theo cô Bích, ở cấp trung học phổ thông, học sinh được học về xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; phong cách thanh lịch, văn minh trong giao tiếp gia đình và ngoài xã hội; người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giao lưu và hội nhập quốc tế.
Hào hứng với những tiết học đặc biệt này, em Nguyễn Văn Mạnh (học sinh trường THPT Bắc Thăng Long), cho biết, qua các buổi học, các em được truyền thụ 5 vấn đề cơ bản: Khái niệm thanh lịch, văn minh; phong cách thanh lịch, văn minh; giao tiếp thanh lịch, văn minh; ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng; ứng xử thanh lịch, văn minh với thiên nhiên môi trường.
Mạnh chia sẻ: “Em cảm thấy vô cùng thích thú với các tiết học giáo dục nếp sống cho học sinh. Thay bằng việc truyền thụ kiến thức và hình thành chuẩn mực hành vi đạo đức cho học sinh một cách khô cứng, việc giảng dạy gắn với những việc làm cụ thể, với nhiệm vụ của học sinh khiến chúng em thấy dễ nhớ, dễ hiểu. Nội dung kiến thức thực tế, nhiều tình huống thực hành, tranh, ảnh, đĩa hình, tư liệu phong phú là động lực thôi thúc các bạn đều tham gia sôi nổi, tích cực”.
Dạy trẻ thanh lịch mọi lúc, mọi nơi
Việc giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh không chỉ diễn ra sôi nổi ở các Đoàn trường trên địa bàn toàn thành phố. Ở địa bàn dân cư, nhiều bạn trẻ cũng lồng ghép nội dung sinh hoạt hè, ôn tập kiến thức cho các em với việc trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho thiếu nhi.
![]() |
Nguyễn Huyền Trang dạy kỹ năng sống cho các em thiếu nhi |
Xuất phát từ sự yêu mến các em nhỏ, Nguyễn Huyền Trang (sinh năm 1991, Phó Bí thư Đoàn phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh dịp hè. Từ năm 2013 đến nay, lớp học là địa chỉ uy tín để phụ huynh trên địa bàn gửi gắm con em mình. Không chỉ là sân chơi vô cùng bổ ích, lý thú giúp các em nhỏ rèn luyện và nâng cao khả năng ngoại ngữ, lớp học còn giúp các em nhỏ trên địa bàn phường trau dồi kỹ năng sống, phong cách ứng xử nơi công cộng.
Nói về lớp học đặc biệt của Đoàn phường, Nguyễn Huyền Trang tâm sự: “Khoảng thời gian nghỉ hè của các em học sinh rất dài trong khi đa phần phụ huynh đều bận rộn với công việc, ít có thời gian quan tâm đến con. Mình đã chứng kiến nhiều bạn nhỏ không có người nhà ở cạnh kèm cặp sa đà vào các trò chơi trên mạng, lêu lổng, từ đó bị nhiễm thói hư, tật xấu. Chính vì vậy, chúng mình mong muốn tạo cho các em một sân chơi thực sự bổ ích, lý thú dịp hè”.
Lớp học của Trang và các em nhỏ được đặt ở Trung tâm học tập cộng đồng phường Phúc La. Không mất bất cứ một khoản chi phí nào, em nhỏ từ 8 - 15 tuổi có nhu cầu học tập trong dịp hè đều được các anh chị đoàn viên của phường đón nhận nhiệt tình. Các em được các anh chị dạy học trong thời gian từ 8 giờ - 10 giờ sáng. Thời gian kết thúc khóa học là cuối tháng 7. Các “thầy cô” là các bạn sinh viên sinh sống và học tập trên địa bàn, có khả năng ngoại ngữ tốt và đặc biệt rất yêu mến trẻ em. Trang chia sẻ: “Dựa trên số lượng và độ tuổi các em nhỏ đăng ký tham gia lớp học, chúng mình có sự phân chia rõ lớp dành cho lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Mỗi lứa tuổi sẽ được học theo một giáo trình khác nhau. Thứ ba, các em được học Ngoại ngữ; thứ năm học Vẽ; thứ bảy học Cờ vua. Xen kẽ giữa các tiết học, các em thiếu nhi được chơi trò chơi, làm quen với kỹ năng sống”.
Chú trọng đến việc dạy các em nhỏ cư xử thanh lịch, văn minh, các bạn trẻ phường Phúc La đã xây dựng chương trình dạy học khoa học, bài bản. Trang cho rằng, việc giáo dục từ nhà trường đến gia đình, xã hội có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách, từ giao tiếp ứng xử đến nếp sống thường ngày từ nếp ăn mặc, nơi ở gọn gàng, biết bày biện đẹp mắt; đi đứng, đầu tóc… Cô gái trẻ đề ra mục tiêu ngay từ ban đầu là phải tạo được sự chuyển biến trong tích cực trong các hành vi ứng xử giao tiếp, biết mời chào, thưa gửi với mọi người lễ phép và tình cảm, trong thực hiện vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa. “Để thực hiện được điều đó, mỗi anh chị đoàn viên phải là một tấm gương sáng về lối sống đẹp, cư xử văn minh để làm gương cho các em noi theo”, Trang tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhiều bậc phụ huynh cho biết, bản thân thấy rất yên tâm khi con em được học cùng các anh chị đoàn viên. “Sau một tháng theo học, tôi nhận thấy con mình có sự thay đổi rất lớn. Cháu chăm chỉ làm việc nhà hơn, ngoan hơn. Hai anh em cũng không hay giành đồ chơi của nhau như trước. Đặc biệt, con đã thưa gửi rất lễ phép, không còn “mặc cả” hay đòi hỏi bố mẹ”, chị Trần Thị Thu Phương (phường Nguyễn Trãi, Hà Đông) chia sẻ.
“Cuộc sống hiện đại hôm nay dẫu cũng có những vội vã, vất vả nhưng những giá trị cao đẹp và nhân văn thì mãi mãi trường tồn. Dù xã hội có phát triển đến đâu, mỗi người trẻ như bạn, như mình cũng cần luôn giữ nét văn hóa đáng trân trọng ấy, giữ từ những điều giản dị nhất, từ lời ăn tiếng nói, đến cách cư xử với nhau và truyền đến lớp thế hệ măng non. Gìn giữ hôm nay, để có thể đến ngày mai, Hà Nội sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhưng nét văn hóa Hà Thành thì vẫn luôn lan tỏa cùng với thời gian”, Nguyễn Huyền Trang chia sẻ.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Liên hoan văn nghệ mừng sinh nhật Đoàn

8 mô hình thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn

Tuổi trẻ Transerco sôi nổi tranh tài đá bóng hưởng ứng Tháng Thanh niên 2019

Đối thoại trực tuyến Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên thanh niên

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Hội Sinh viên VN khóa IX

50 nữ sinh viên Hà Nội “đọ” tài sắc

“Gia tài khủng” của nữ đoàn viên ưu tú tuổi đôi mươi

Nữ sinh 9X xinh đẹp, tài năng, khiến nhiều chàng trai “phải lòng”
Huyền My đẹp lạ làm cố vấn chuyên môn cuộc thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam
