Bài 2: Những chuyến xe đầy ắp sinh viên
Xe buýt là lựa chọn của đa số sinh viên đang học tập trên địa bàn Hà Nội
Bài liên quan
Cùng lên xe buýt kết nối hành trình “xanh”
Nắng là việc của trời
Nhiều bạn sinh viên cho biết, các bạn đã đi xe buýt suốt 3 năm học mà không muốn di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Hầu hết các bạn đều cho rằng, đi xe buýt rẻ, không sợ lạc đường, nhất là với những bạn sinh viên năm nhất mới rời quê lên thành phố trọ học xa nhà. Bên cạnh đó, bạn có thể vừa ngồi trên xe vừa ngắm cảnh đường phố, dòng người tấp nập mà không cần lo lắng phải nhìn đường để lái xe cho an toàn. Nếu bạn nào nhà ở gần bến xe buýt hoặc tiện đường xe buýt thì hầu như đều chọn cho mình phương tiện này để đến trường. Đặc biệt, những hôm trời mưa thì đi xe buýt là tiện nhất. Chỉ cần một chiếc ô để ra đến trạm xe buýt và việc còn lại là lên xe và chờ đến trường mà thôi.
Nguyễn Thu Hà, học sinh trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) hào hứng chia sẻ: “Đi xe buýt, bạn sẽ bắt gặp những người tốt với những hành động đẹp, cảm động. Người đó có thể là một em bé, một người bạn cùng tuổi với mình hay cũng có thể là một bác trung niên, một cụ già. Đi xe buýt, bạn cũng sẽ phải chứng kiến những cảnh tượng không đẹp mắt chút nào của nhiều bạn trẻ. Song chung quy lại, những việc làm tốt hay xấu đều cho chúng ta những bài học ý nghĩa trong cuộc sống”.
Ngày càng nhiều tiện ích
Hiện nay, ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn xe buýt là phương tiện công cộng phổ biến. Số lượng và chất lượng của xe buýt, dịch vụ tiện ích cho người đi xe buýt ngày càng được nâng cao, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân. Mới đây, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã cho ra đời phần mềm Timbuyt.vn. Phần mềm này giúp người truy nhập nhận được các thông tin về vị trí xe, tình trạng vận hành, ùn tắc giao thông… nhằm đảm bảo tốt nhất dịch vụ cung cấp.
Hệ thống cơ sở dữ liệu GPS từ trung tâm điều hành được kết nối với thiết bị thông báo điểm dừng cho khách hàng trên xe, các bảng điện tử thông báo giờ xe tại các nhà chờ chính. Hệ thống phần mềm thông minh còn có chức năng giám sát, phát hiện những trường hợp vi phạm tiêu chí dịch vụ như không dừng đỗ đúng điểm, chạy sai lộ trình, xuất bến không đúng giờ, chạy quá tốc độ, mở cửa khi xe đang chạy… Những thông tin này được chuyển cho các đơn vị quản lý tuyến để chấn chỉnh, xử lí kịp thời.
Tính năng theo dõi xe trực tuyến giúp hành khách theo dõi được vị trí xe trên bản đồ, chủ động thời gian chờ xe. Khách có thể biết được thông tin về các tuyến buýt đi qua điểm dừng, biển kiểm soát xe, vị trí, thời gian dự kiến xe đến điểm dừng, nhận tin nhắn báo khi xe sắp đến điểm dừng.
Bên cạnh đó, hành khách có thể tra cứu trên phần mềm thông tin về hoạt động của các tuyến trên toàn mạng như lộ trình, thời gian hoạt động, biểu đồ chạy xe chi tiết, giá vé… cũng như vị trí các điểm bán vé tháng và hướng dẫn thủ tục đăng kí vé tháng.
Dù rất tiện ích nhưng so với số lượng học sinh, sinh viên hiện nay thì có thể thấy, số em đi xe buýt vẫn chưa nhiều. Nhà# văn Nguyễn Văn Học bày tỏ, thực tế cho thấy, học sinh, sinh viên chưa thực sự mặn mà với xe buýt là do điểm trung chuyển còn có hạn chế, bất tiện. Theo khảo sát, 40% khách đi xe buýt phải đi bộ hơn 500m để đến điểm dừng, đỗ. Vì thế, việc tạo điều kiện tốt hơn để học sinh, sinh viên tiếp cận xe buýt là rất cần thiết.
Để học sinh, sinh viên “nói có” với xe buýt, phải tạo môi trường an toàn khi lựa chọn làm phương tiện di chuyển. Tức là làm sao để từ lúc lên xe, ở trên xe và xuống xe đều được an toàn. Những năm qua, tình trạng móc túi, sàm sỡ học sinh, sinh viên đi xe buýt xảy ra khá phổ biến. Khi sự việc được đưa lên mạng xã hội khiến các em sợ xe buýt. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các lực lượng chức năng, cơ quan văn hóa, nhà trường, gia đình và chính học sinh, sinh viên cũng còn mờ nhạt. Việc giữ gìn trật tự nơi cổng trường, tuyên truyền để học sinh đội mũ bảo hiểm nếu sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đến việc tạo môi trường thuận lợi cho học sinh, sinh viên lựa chọn xe buýt chưa được đẩy mạnh trong các trường học. Vì thế, làm sao để việc di chuyển không chỉ hanh thông, an toàn, mà chính những người lái xe phải có tâm, bảo đảm yên tâm cho người đi đường, người trên xe... là những việc làm cần phải được thực hiện đồng bộ và liên tục.
Hoàng Thị Hương Lan (sinh viên Đại học Phương Đông): Hằng ngày em vẫn đi học bằng xe buýt. So với đi bằng xe máy thì xe buýt an toàn hơn, mát hơn vì có điều hòa và rất tiết kiệm. Em nghĩ là sinh viên thì đi xe buýt là tốt nhất. Tuy nhiên, điều em không hài lòng khi một vài bạn chưa có ý thức nhường chỗ cho người lớn tuổi. Em nhớ có lần, một cụ già lên trên xe, có thanh niên dù đang ngồi ở ghế ưu tiên nhưng vẫn cố tình đeo tai nghe và “bơ” sự có mặt của cụ. Chỉ đến khi có người nhắc thì người này mới nhường chỗ.
Đặng Thị Ngọc Trang (sinh viên Học viện Chính trị và Phát triển): Mình thấy phần lớn là các chú phụ xe rất thoải mái, nhiệt tình hay chỉ đường cho mọi người nên sinh viên rất thích. Mình chuyển sang đi hẳn xe buýt từ hai năm nay vì nhà và trường mình ngay gần điểm xe buýt. Buổi sáng mình muốn đến trường đúng giờ chỉ việc đi sớm một chút. Tuyến đường mình đi hầu hết toàn sinh viên nên rất đông vui, tha hồ nói chuyện với các bạn trên cả đoạn đường đến trường. Mình sẽ đi xe buýt đến khi ra trường. Đi xe buýt vừa rẻ, hợp với túi tiền sinh viên lại vừa an toàn, thoải mái.