Bài 2: Những chiêu trò tinh vi
Đất cấm được phân lô bán nền, xây dựng tràn lan tại huyện Bình Chánh
Bài liên quan
TP HCM: Vấn nạn đầu cơ “hô biến” đất quy hoạch thành khu nhà xây dựng trái phép
Bình Dương: “Loạn” phân lô bán nền trái phép, chủ đầu tư dự án Thành Phát City 1 là ai?
TP HCM: Mua đất nền 3 năm không được cấp sổ đỏ, hàng chục khách hàng tố Đất Xanh bội tín
Xây nhà có “bảo hành”
Nạn phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) không phải là những hoạt động đơn lẻ bình thường, mà được thiết lập thành cả một đường dây hoạt động chuyên nghiệp. Mọi hoạt động mua bán và xây dựng đều được các “chân rết” đảm nhiệm, các "đầu nậu" không trực tiếp lộ mặt, chỉ đứng sau chỉ đạo và có nhiệm vụ chính là lách luật, bảo kê cho các công trình không phép này.
Theo lời một chủ thầu xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B cho biết, đa số việc mua bán đất ở đây đều bằng giấy tờ tay. Khi mua đất, người dân chỉ được gặp các “chân rết” là chủ thầu xây dựng hoặc giới bán vật liệu để giao dịch, ông chủ thực sự sẽ không lộ diện.
Theo đó, đất nông nghiệp sau khi được phân lô với diện tích từ 48 – 80 m2/nền, mua bán giấy tay sẽ có giá dao động từ 800 triệu – 1,2 tỷ đồng. Để tăng tính thuyết phục, khi người dân mua đất các chủ thầu cam kết sẽ bảo kê xây dựng, nếu công trình bị lực lượng chức năng cưỡng chế sẽ tiến hành xây lại.
Được biết, các chủ thầu có hai kiểu bán đất, một là bán theo kiểu có nhà xây sẵn, với giá xây một căn nhà cấp 4 (chỉ xây phần thô) có diện tích từ 50-70 m2 sẽ là 400 triệu đồng (bao gồm tiền vật liệu, tiền công và chi phí lót tay). Còn nếu người dân chỉ mua đất nền và tự xây nhà sẽ phải chi thêm 70 – 160 triệu tiền lót tay.
Đất đất rừng phòng hộ, đất quy hoạch làm công viên, đất nông nghiệp bị phân lô nền đang diễn ra tràn lan tại huyện Bình Chánh |
Trước khi tiến hành xây dựng, nhằm che mắt chính quyền cũng như cơ quan chức năng, các chủ thầu xây dựng mua tôn cũ về quây thành tường ở phía ngoài, sau đó mới bắt đầu xây dựng bên trong. Với vẻ ngoài nhếch nhác, tạm bợ như thế, nếu có bị cơ quan chức năng “sờ gáy” thì cũng có lý do “Đây là nhà cũ, tồn tại nhiều năm” mang ra ngụy biện.
Thực tế, tình trạng xây dựng chui trên đất nông nghiệp diễn ra tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đang ở mức đáng báo động. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi ấp có đến hàng trăm căn nhà xây dựng kiên cố, khang trang được ngụy trang bằng những “áo giáp” tôn. Cơ sở hạ tầng sơ sài, hệ thống nước thải, rác thải không có, đường giao thông chỉ là đường đổ đá dăm tạm bợ… nguy cơ ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự xảy ra rất cao.
Những nhân tố bí ẩn
Mặc dù, chính quyền địa phương xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đã nhiều lần luân chuyển cán bộ chủ chốt nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thậm chí còn bành trướng hơn trước. Phải chăng, những “thế lực” đứng sau vụ “xẻ thịt” đất cấm tại hai xã trên quá lớn?
Cũng theo lời một chủ thầu xây dựng trên địa bàn cho biết, thâu tóm hầu hết các hoạt động phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp là nhóm “ông trùm” quê gốc Bắc Ninh với những cái tên đình đám như V. “lùn”, ông Đ., ông H. Nhóm “ông trùm” này có rất nhiều mánh khóe. Đặc biệt, họ rất ít khi lộ diện, chỉ đứng đằng sau chỉ đạo và chi tiền cho các mối quan hệ để việc “xẻ thịt” xây dựng trên đất cấm diễn ra suôn sẻ.
Theo đó, nhằm qua mắt cơ quan chức năng, đứng tên nhiều khu đất được phân lô, phân nền tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B là người dân địa phương. Các “ông trùm” để người dân đứng ra mua bán với chủ đất, làm tất cả các khâu như san lấp, đổ đường, làm bản vẽ, rồi đứng ra bán, khi thành công sẽ chia lợi nhuận.
Xen kẽ với những ngôi nhà xây dựng trái phép là các lô nền đã được phân ra bán |
Trường hợp không liên kết được với người dân thì những “ông trùm” này tìm đến giới “cò đất”, đầu nậu để nhờ mua đất trực tiếp từ người dân. Sau khi phân lô, phân nền xong thì nhờ chính chủ đất cũ đứng ra bán, ký kết hồ sơ giấy tay với khách hàng. Mỗi bộ hồ sơ giao dịch thành công, chủ đất cũ được chi “hoa hồng” 20 – 30 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhóm “ông trùm” này thường chọn nhưng lô đất nông nghiệp rộng hàng chục ha, sau đó “xẻ thịt” và tung ra cho đầu nậu để phân phối. Điển hình là khu vực đường Sư Đoàn 9 (xã Vĩnh Lộc A), gần chục dãy nhà trên đất nông nghiệp đã được đường dây này xây dựng. Ngoài ra, còn hàng loạt khu đất cấm khác ở khu vực ấp 2, ấp 3, ấp 5, ấp 6B (xã Vĩnh Lộc A) cũng bị san lấp, “xẻ thịt” phân lô, phân nền hàng loạt. Tất cả những khu đất nông nghiệp đã bị “xẻ thịt” đều đứng tên chủ đất cũ, khi có khách đến mua sẽ được đưa ra văn phòng công chứng lập vi bằng mua bán bằng giấy tay.
“Ông trùm”nào cũng có người chống lưng cả rồi, lợi nhuận họ chia ra với nhau, điều đó ở đây ai cũng biết nhưng rất khó có bằng chứng vì tất cả đều không lộ mặt mà chỉ thông qua “cò con, đầu nậu”. Trường hợp xảy ra chuyện gì chỉ người dân, người mua đất chết”, một chủ thầu xây dựng khẳng định.
Được biết, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần chỉ đạo, có nhiều hình thức xử lý tình trạng “xẻ thịt” đất cấm nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến tích cực. Chỉ vì lợi nhuận của một nhóm người mà quy hoạch vùng ven này bị phá nát bởi những “ông trùm” phân lô và giới cò đất.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.