Bài 2: Nhân lên niềm hi vọng
Màu xanh của những cây mận mang đến niềm hy vọng về cuộc sống tiếp tục phát triển của người dân Sơn La
Bài liên quan
Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng
HopeBox gieo ước mơ và hy vọng cho phụ nữ bị bạo hành
Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ thủy điện để gieo cấy
Hà Nội lên phương án đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp
Vì tương lai còn ở phía trước
Đã gần ba năm trôi qua, khi hỏi về kí ức kinh hoàng của trận lũ năm 2017, anh Cà Văn Uẩn (bản Huổi Liếng) vẫn không nén nổi nỗi nghẹn ngào. Vợ và hai con anh bị lũ cuốn trôi ngay trước mắt khi anh đang quay lại giục họ chạy nhanh lên.
Ngày ấy, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi thấy anh thất thần ngồi trong căn nhà dựng tạm, ba bát hương nghi ngút khói. Nhà cửa không còn, vợ con không còn, anh cũng không muốn sống nữa.
Thời gian trôi đi, nỗi đau nào nguôi ngoai cho được nhưng người sống vẫn phải sống tiếp vì tương lai còn ở phía trước. Chỉ ngay sau khi lũ diễn ra mấy ngày, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và các thành viên Đoàn công tác Quốc hội đã đến tận bản Huổi Liếng thị sát tình hình, động viên chia sẻ khó khăn với bà con dân bản.
Tại buổi thị sát đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ân cần thăm hỏi, động viên anh Cà Văn Uẩn. Xã Nặm Păm cũng hỗ trợ tiền tang ma cho vợ con anh.
Cùng với ngôi nhà tôn dựng tạm để ở, anh Uẩn còn được hỗ trợ 20 triệu đồng tiền làm nhà mới. Ruộng nương cũng bị lũ tàn phá, như những người trong xã, anh Cà Văn Uẩn nhận những cây xoài, bưởi giống về trồng.
Con bò xã phát cho ngày ấy không may bị chết, anh tiếp tục được nhận thêm một con bò và hai con dê cái sinh sản từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong cả nước nhằm hỗ trợ anh Uẩn nhanh chóng vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất.
Hoa ban vẫn nở trắng như sức sống mãnh liệt của người dân Sơn La sau những đợt thiên tai |
Gượng dậy đối mặt với những khó khăn, anh Uẩn biết rằng còn người, còn sức lao động, có phương tiện sản xuất thì còn có hy vọng vào ngày mai. Bén duyên với chị Quàng Thị Yên ở bản Hua Trai, hai người đến với nhau để cùng xây dựng một cuộc sống mới.
Nỗi nhớ vợ con vẫn còn đó, anh càng yêu thương những đứa trẻ thiệt thòi. Nghe các cô giáo ở bản Hua Trai nói có gia đình đẻ ba đứa con gái mà hoàn cảnh khó khăn lắm, không nuôi nổi, anh Uẩn tìm đến, nhận về làm con mình.
Dù chị Yên còn rất trẻ (sinh năm 1995), chưa một lần sinh đẻ, chưa có kinh nghiệm nuôi trẻ nhưng vẫn cùng chồng chăm sóc đứa con nuôi mới lọt lòng. Chị càng hiểu và thương chồng hơn sau những mất mát mà anh phải gánh chịu.
Ngày ngày, bên căn nhà sàn mới dựng được, hai vợ chồng thay phiên nhau, người đi trồng sắn, đi nương thì người ở nhà chăm con. Đứa bé 11 tháng tuổi đang tập bò, ê a những tiếng đầu tiên làm trái tim người cha thắt lại.
Anh Uẩn bảo không dám đi đâu xa vì nhớ con. “Mình vẫn đẻ tiếp chứ nhưng phải chờ đứa này lớn thêm đã. Cứ trông vào nương sắn, hai vợ chồng túc tắc làm, lo gì không nuôi nổi con”, anh Uẩn bày tỏ.
Các cụ đã nói “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, niềm tin của anh Uẩn, chị Yên thật giản dị mà cũng hết sức bền bỉ. Nó chân chất, thật thà, hồn hậu như bản tính người vùng cao thường trực bản năng đối mặt với khó khăn, gian khổ từ trong máu. Điều đó cũng làm nên sức sống và sức vươn lên mãnh liệt của họ sau mỗi thử thách của số phận.
Những niềm mơ ước ở Bản Muông
Tháng ba hoa mận, hoa đào vẫn còn rải rác đường vào Bản Muông (xã Chiềng Ngần, Sơn La). Người dân đã được di vén, tái định cư trên những điểm cao sau các trận lũ lụt, tập trung đất cho sản xuất nhiều hơn.
Khi chúng tôi đến, Sơn La mới ẩm đất sau trận mưa đầu mùa đầy mong đợi. Nhiều vạt đồi trơ màu đất nâu đỏ. Cây cà phê bị sương muối cuối năm 2019 chặt sát gốc mới đang nhú mầm trở lại. Có những đồi cà phê trồng chen lẫn với mận còn nguyên cây chết khô người dân chưa kịp đốn.
Cây cà phê chết vì sương muối ở Bản Muông (Chiềng Ngần, Sơn La) |
Gia đình anh Lù Văn Bang là một trong những hộ gia đình được di vén xuống Bản Muông từ năm 2007. Trong căn nhà mới xây khang trang, anh Bang mừng lắm, bảo từ ngày chuyển xuống đây không còn bị lũ quét nữa. Tuy vậy, cứ hai, ba năm lại bị sương muối một lần. Trồng cây cũng bị thiệt hại, nuôi trâu bò cũng bị chết, nước sinh hoạt, trồng cấy lại thiếu nên anh và vợ phải xoay xỏa rất nhiều hướng khác nhau.
Năm 2019, nếu cả mận và cà phê không bị sương muối thì anh có thể thu về 40 triệu đồng nhưng nay không còn nguồn thu ấy thì số tiền vay nợ để xây nhà sẽ phải lùi thời hạn trả lại. Dù vậy, người nông dân này vẫn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống với nụ cười rất hồn hậu.
Anh Lù Văn Bang (Bản Muông, Chiềng Ngần, Sơn La) vẫn vững niềm tin vào cuộc sống và sức lao động của mình |
“Làm cái này không có hiệu quả thì ta lại chuyển sang trồng cái khác thôi”, anh Bang vui vẻ nói. Ngoài nuôi gà, chăn lợn anh còn trồng gần 200 gốc giống quýt Pháp đã có cả trăm năm nay do khuyến nông tỉnh đưa xuống. Những lúc nông nhàn như thế này, anh và vợ lại tranh thủ chiết những cây quýt giống.
Mỗi cây con bán được 10.000 - 15.000 đồng cũng đủ thêm tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thêm chút thu nhập cho hai vợ chồng nuôi cậu con út đang học lớp 11. “Mình sinh ra ở núi, đất đai, ông trời cho thế nào thì cứ nương theo thế, từ từ mà làm, chăm chỉ thì lâu dần cũng no đủ”, anh Bang tươi cười nói.
Chị Bùi Thị Loan (sinh năm 1995) đang vơ nốt những cành cà phê khô đốt cháy làm tro bón đất. Mỗi lần gió thổi qua, ngọn lửa bùng lên, làn khói trắng càng làm gương mặt non nớt nhưng sớm phải lo toan nhíu cả lại.
Chị Bùi Thị Loan (Chiềng Ngần, Sơn La) bên nương cà phê đốn sát gốc đang lên mầm |
Chị Loan mới lập gia đình. Chiếc áo đồng phục học sinh còn mặc choàng ngoài che nắng cho vóc người nhỏ bé. Nương cà phê trồng được mấy năm.
Toàn bộ nương cà phê nhà Loan chết khô sau sương muối |
Năm 2017 bị sương muối chị Loan đã phải đốn gốc một lần. Năm 2019 cây vừa chuẩn bị đến lúc trổ hoa nhiều thì lại tiếp tục bị sương muối hai đêm, phải chặt lần nữa để cứu gốc.
Cà phê nhà Loan lúc bị sương muối |
Chị Loan bảo, năm 2019 trên nhiều mảnh nương cà phê của cả nhà trồng còn vớt vát được một chút, bán được 70 - 80 triệu đồng.
Năm nay với mảnh nương này hy vọng ra nhiều quả nhất, dự kiến thu về khoảng 100 triệu đồng thì đã mất hết rồi.
Loan hy vọng sẽ trồng được những cây có múi như cam, bưởi để tăng khả năng chống chịu sương muối, ít chịu thiệt hại bởi thiên tai |
Số tiền tỉnh hỗ trợ cho 1,2ha cà phê bị thiệt hại sương muối là 4 triệu đồng chị Loan đã mang trả bớt tiền phân bón, thuốc men cắm quán lãi suất cao nhưng vẫn không đủ. Chỗ nợ đọng lại chờ mùa sau may ra có thu hoạch thì trả tiếp.
Nhiều bạn bè của mình đã bỏ đi làm thuê nhưng chị Loan nói nhiều đời gia đình mình đã gắn bó với ruộng nương, chị vẫn muốn trồng cấy trên nương đất nhà mình. Gương mặt chị trở nên tràn trề niềm hi vọng khi tâm sự về ý định dịch chuyển sang trồng cây có múi như bưởi da xanh, bưởi ghép vì lá loại cây này có tinh dầu, đỡ bị sương muối táp hơn, giá thành lại bán được hơn những loại cây khác.
Gốc cà phê bị chặt sau khi thiệt hại vì sương muối đang lên mầm |
Chị Loan cũng bày tỏ rằng muốn thì như vậy nhưng thực hiện thì chắc sẽ còn nhiều khó khăn vì quan niệm, thói quen khó bỏ của người già ở vùng đất này.
Chia tay chị Loan, nhìn dáng hay lam hay làm của hai vợ chồng, nhìn những cây mận xanh mướt hứa hẹn mùa quả trĩu cành, chúng tôi vẫn tin rằng, với tuổi trẻ, với tình yêu với đất đai quê hương, rồi đây chính những người như chị Loan sẽ tìm ra những cách để thay đổi và làm giàu tại nơi chôn rau cắt rốn của mình.
(Còn nữa)